Truy cập hiện tại

Đang có 159 khách và không thành viên đang online

Hãy giữ cho tâm hồn chúng ta luôn rộng mở cho những người tị nạn trên thế giới

Ngày 20/6 hàng năm, nhiều quốc gia trên thế giới đã hưởng ứng lời kêu gọi của Đại hội đồng Liên hợp quốc tiến hành kỷ niệm ngày quốc tế dành cho những người tị nạn, thông qua nhiều hành động nhằm nêu bật tình hình đặc biệt và cấp bách của hàng triệu người tị nạn.
 
Những người xin tị nạn chờ đợi trong không gian chật chội tại nơi vận chuyển hàng hóa nguy hiểm

Năm 2001, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã quyết định kỷ niệm Ngày Tị nạn Thế giới vào ngày 20/6 hàng năm. Đây là dịp để chào mừng những người tị nạn, người xin tị nạn, người phải di cư, người không quốc tịch và những người hồi hương trên toàn thế giới. Đây cũng đồng thời là dịp để hoan nghênh cố gắng và hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn của họ. Thông qua các chương trình tái định cư, hồi hương tự nguyện hoặc hòa nhập vào địa phương tại nước tị nạn, Liên hợp quốc mong muốn giúp đỡ những người tị nạn bắt đầu cuộc sống mới.

Năm nay, Ngày Tị nạn Thế giới là dịp để cộng đồng quốc tế cùng ngày nhắc lại lời cảnh báo, vấn đề người tị nạn đang trở thành một trong những chủ đề nóng hơn bao giờ hết trong vòng hơn 20 năm qua. Bởi cho đến nay, con số người tị nạn trên toàn cầu lại đạt đến một mức cao chưa từng có, gần 60 triệu người - con số kỉ lục này tương đương với dân số của toàn Vương quốc Anh.

Báo cáo mới nhất của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) về Các xu hướng toàn cầu cho thấy sự gia tăng đáng kể số lượng người buộc phải chạy trốn với 59,5 triệu người di cư vào cuối năm 2014 so với 51,2 triệu người vào năm trước đó và 37,5 triệu người một thập kỷ trước.

UNHCR cho biết: “Sự gia tăng số lượng người di cư từ năm 2013 là lớn nhất từng được ghi lại trong một năm". Tốc độ gia tăng đáng kể này bắt đầu vào đầu năm 2011 với sự bùng nổ của cuộc xung đột ở Syria và cuộc xung đột này hiện tiếp tục tạo ra làn sóng dịch chuyển lớn nhất từng được ghi nhận trên toàn thế giới. Trong năm 2014, mỗi ngày, có khoảng 42.500 người đã trở thành những người tị nạn, người yêu cầu tị nạn và người di cư nội địa. Con số này nhiều hơn 4 lần so với thời điểm 4 năm trước đó. Trên khắp thế giới, cứ 122 người thì lại có 1 người là người tị nạn, người di cư hoặc người yêu cầu tị nạn. Nếu dân số này tương ứng với dân số của một quốc gia thì nó sẽ xếp hạng thứ 24 thế giới về dân số.

Theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn António Guterres, chúng ta đang chứng kiến ​​sự biến hóa, thay đổi không thể kiểm soát hướng tới một kỷ nguyên mà trong đó, số lượng những người buộc phải di cư lớn chưa từng có trên toàn thế giới.

Theo báo cáo của UNHCR, trong tất cả các khu vực, số lượng người tị nạn và di cư nội địa đang gia tăng. Trong 5 năm qua, ít nhất 14 cuộc xung đột đã nổ ra hoặc tái diễn: 8 cuộc xung đột ở châu Phi (Bờ Biển Ngà, Cộng hòa Trung Phi, Libya, Mali, miền Bắc Nigeria, Cộng hòa Dân chủ Congo, Nam Sudan và năm nay, ở Burundi); 3 cuộc xung đột ở Trung Đông (Syria, Iraq và Yemen); 1 cuộc xung đột ở châu Âu (Ukraine) và 3 ở châu Á (Kyrgyzstan cũng như trong nhiều vùng ở Myanmar và Pakistan). Chỉ có một số lượng nhỏ các cuộc khủng hoảng đã được giải quyết và phần lớn vẫn tiếp tục tạo ra các làn sóng dịch chuyển mới. Trong năm 2014, chỉ có 126.800 người tị nạn đã có thể trở về nước xuất xứ của mình. Đó là số lượng thấp nhất được ghi nhận trong 31 năm qua.

Trong khi đó, sau nhiều thập kỷ bất ổn và xung đột ở Afghanistan, Somalia và các nơi khác, hàng triệu công dân của các quốc gia này vẫn phải di cư và họ ngày càng thường xuyên bị mắc kẹt ở ngoài rìa xã hội, sống trong sự bất ổn nhiều năm. Theo UNHCR, đã có sự gia tăng đáng kể số lượng người tị nạn tìm kiếm an toàn bằng hành động đầy nguy hiểm khi băng qua biển, trong đó có các vùng Địa Trung Hải, Vịnh Aden và Biển Đỏ và Đông Nam Á.

Báo cáo của UNHCR về Các xu hướng toàn cầu cho thấy, chỉ riêng trong năm 2014, khoảng 13,9 triệu người đã trở thành những người di cư nội địa, cao gấp 4 lần so với con số được ghi nhận trong năm 2010. Trên khắp thế giới, đã có 19,5 triệu người tị nạn (cao hơn so với 16,7 triệu người trong năm 2013), 38,2 triệu người di cư nội địa trong quốc gia của họ (so với 33,3 triệu người năm 2013) và 1,8 triệu người chờ đợi kết quả xem xét đơn xin tị nạn của họ (so với 1,2 triệu người vào năm 2013). Hơn một nửa số người tị nạn là trẻ em, một con số đáng báo động.

Trong thông điệp đưa ra nhân Ngày Tị nạn Thế giới năm nay (20/6/2015), Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon một lần nữa nhấn mạnh thảm cảnh của hàng triệu người dân trên thế giới buộc phải rời bỏ nhà cửa để thoát khỏi các cuộc xung đột. “Các cuộc xung đột đang diễn ra tại Syria, cũng như cuộc khủng hoảng ở Iraq, Ukraine, Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, ở phía Đông Bắc Nigeria và ở các vùng miền của Pakistan đã dẫn đến một quy mô đến nay chưa từng có và đẩy nhanh quá trình gia tăng số người buộc phải di dời trên toàn cầu” – Tổng thư ký Ban nêu rõ.

Theo nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc, ngày càng nhiều người buộc phải rời bỏ nhà cửa của họ để tìm kiếm sự bảo vệ khỏi đàn áp và bạo lực. Nhiều người trong số họ không còn sự lựa chọn nào khác nhưng vẫn tiếp tục cố gắng để có được một điểm đến an toàn và bỏ mặc tất cả các rủi ro, bằng chứng là sự gia tăng mạnh về quy mô của các hoạt động hàng hải bất hợp pháp trong vùng biển Địa Trung Hải, ngoài khơi bờ biển Đông Nam Á và nhiều nơi khác.

Trong bối cảnh hiện nay, Tổng thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh điều quan trọng là các chính phủ và công chúng trên toàn thế giới cần tái khẳng định cam kết về an toàn và nơi tạm trú cho những người đã mất tất cả mọi thứ trong các cuộc xung đột hay bắt bớ. Thêm vào đó, cần có tình đoàn kết quốc tế và chia sẻ gánh nặng giữa những người tị nạn và nước chủ nhà tiếp nhận cũng như giữa các quốc gia trên toàn thế giới.

Tổng thư ký Ban Ki-moon khẳng định: Trước khi trở thành những người tị nạn, họ cũng đã sống một cuộc sống bình thường, và giấc mơ ấp ủ nhất là có cơ hội để lại được sống trong điều kiện bình thường. Nhân Ngày Tị nạn Thế giới, chúng ta hãy nhớ bày tỏ lòng nhân hậu, khoan dung, tôn trọng sự đa dạng, và giữ cho tâm hồn chúng ta luôn rộng mở cho những người tị nạn trên thế giới./.
Khánh Linh/ĐCSVN
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40456119