Truy cập hiện tại

Đang có 84 khách và không thành viên đang online

G7: Nga vẫn giữ vai trò quan trọng trong các vấn đề quốc tế

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G7) đã bế mạc sau hai ngày làm việc tại lâu đài Elmau, miền Nam nước Đức, với một Tuyên bố chung đề cập tới nhiều vấn đề khu vực và thế giới. Tuyên bố của G7 được xem là khuôn khổ và định hướng hành động chung cho các nước trong khối trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu.

Thành công về mặt tổ chức

Trong nhiệm kỳ nắm giữ chức Chủ tịch luân phiên G7, Đức thường chọn những địa điểm nổi tiếng có ý nghĩa cả về lịch sử và chính trị để tổ chức hàng loạt sự kiện như Hội nghị Ngoại trưởng G7 ở Lübeck, Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ở Hamburg và Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ở Dresden.


Các đại diện cấp cao tại Hội nghị G7 mở rộng. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hội nghị G7 quan trọng nhất là Hội nghị thượng đỉnh được chọn tổ chức ở lâu đài Elmau, một khách sạn năm sao nằm ở vùng Garmisch-Partenkirchen thuộc bang Bayern, miền Nam nước Đức. Đây là một trong 10 địa điểm du lịch nổi tiếng nhất ở Đức với đỉnh Zugspitze cao trên 2.960 mét, là đỉnh núi cao nhất ở Đức.

Để chuẩn bị cho hội nghị, nhà tổ chức đã tiến hành hàng loạt công việc như rải mới toàn bộ các con đường chính ở Garmisch-Partenkirchen, xây dựng các điểm đỗ cho máy bay trực thăng, thiết lập khu vực an ninh "nội bất xuất, ngoại bất nhập" trong bán kính 8km từ lâu đài Elmau. Trung tâm báo chí quốc tế G-7 với đường truyền tốc độ cao cũng được thiết lập ngay tại nhà thi đấu đa năng Eisstadition, đủ chỗ làm việc cho khoảng 3.000 nhà báo, phát thanh-truyền hình từ khắp các châu lục tới đưa tin hội nghị.

Về công tác an ninh, Đức huy động khoảng 23.000 cảnh sát từ khắp các bang ở Đức cũng như lực lượng bổ sung từ Áo, 17 máy bay trực thăng cùng một số máy bay chiến đấu sẵn sàng túc trực 24/24. Chi phí tổ chức hội nghị ước tính lên tới 360 triệu euro.

Việc chọn địa điểm "hẻo lánh," ở khu vực rừng núi giáp biên giới với Áo, để tổ chức Hội nghị thượng đỉnh còn giúp hạn chế tối đa những "phiền phức" do lực lượng biểu tình gây ra. Đó là sự thật khi các nhà tổ chức biểu tình không thể thu hút được lực lượng đông đảo để bày tỏ phản đối G7, lên án chủ nghĩa tư bản, chống Thoả thuận Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP)… Và cuộc biểu tình đông đảo nhất cũng chỉ có vài trăm người.

Một kết quả vừa lòng cả chủ và khách

Sau hai ngày làm việc với tổng số 16 cuộc gặp cả song phương và đa phương, Hội nghị thượng đỉnh G7 đã ra một Tuyên bố chung, trong đó nhấn mạnh quyết tâm hợp tác chặt chẽ trên cơ sở những giá trị và nguyên tắc chung nhằm giải quyết các thách thức về chính trị, an ninh và kinh tế quốc tế.

Điểm nổi bật nhất của Tuyên bố là việc các nhà lãnh đạo G7 đã đạt được nhất trí và kêu gọi tất cả các quốc gia cùng hành động để bảo vệ khí hậu Trái Đất, trong đó cam kết mục tiêu giữ nhiệt độ Trái Đất tăng không quá 2 độ C so với giai đoạn tiền công nghiệp, giảm từ 40-70% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đến năm 2050 so với năm 2010. Những kết quả này được xem là tiền đề thuận lợi để Hội nghị lần thứ 21 về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP21), diễn ra tại Paris (Pháp) vào tháng 12/2015, đạt được một thoả thuận mang tính ràng buộc toàn cầu về chống biến đổi khí hậu.

Một trong những chủ đề chính của hội nghị là vấn đề kinh tế, trong đó các nhà lãnh đạo G7 khẳng định quyết tâm giải quyết các thách thức, tiếp tục các nỗ lực nhằm thúc đẩy và đạt được tăng trưởng; xây dựng một hệ thống thuế quan quốc tế công bằng và hiện đại; coi thương mại và đầu tư là động lực then chốt cho tăng trưởng, kiến tạo việc làm và phát triển bền vững, duy trì các thị trường mở và phản đối mọi hình thức bảo hộ mậu dịch.

Các nhà lãnh đạo G7 cũng kêu gọi nhanh chóng kết thúc các cuộc đàm phán thương mại quan trọng, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) và Hiệp định Đối tác kinh tế (EPA) giữa EU – Nhật Bản nhằm đạt được các thoả thuận tham vọng và toàn diện, có lợi cho các bên. Các hiệp định như EPA EU – Nhật Bản và TTIP sẽ được thúc đẩy để đạt được thoả thuận trên nguyên tắc trước cuối năm nay.

Về chính sách an ninh và đối ngoại, G7 tuyên bố thực hiện các chính sách trên cơ sở các giá trị và nguyên tắc chung, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do, hoà bình và toàn vẹn lãnh thổ. Liên quan cuộc khủng hoảng Ukraine, G7 khẳng định ủng hộ các nỗ lực nhằm đạt được một giải pháp ngoại giao thông qua thể thức bốn bên (Nhóm Normandie) và Nhóm Tiếp xúc về Ukraine. G7 cũng kêu gọi các bên thực thi gói biện pháp đã đạt được, trong đó có Thoả thuận Minsk ngày 12/2, nhằm tìm lối thoát cho vấn đề Ukraine. Về quan hệ với Nga, các lãnh đạo G7 khẳng định sẽ siết chặt thêm các biện pháp trừng phạt Moskva trong trường hợp xung đột ở Đông Ukraine tiếp tục leo thang.

Trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông, G7 khẳng định cần duy trì trật tự hàng hải cũng như bảo đảm an ninh hàng hải theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hiệp quốc về luật Biển năm 1982. Các nhà lãnh đạo G7 cũng bày tỏ quan ngại trước những diễn biên căng thẳng trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết xung đột một cách hòa bình cũng như bảo đảm tự do hàng hải và khai thác kinh tế biển một cách hợp pháp.

G7 cũng cương quyết phản đối việc sử dụng các biện pháp đe dọa, cưỡng ép, sử dũng vũ lực hoặc hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng biển, như việc mở rộng các đảo nhân tạo quy mô lớn thời gian gần đây ở Biển Đông.
Ngoài ra, G7 cũng tái khẳng định cam kết đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, nâng cao sự tham gia của nữ giới trong lĩnh vực kinh tế.

Cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố và tài trợ cho khủng bố cũng là chủ đề được thảo luận và đạt được sự nhất trí của các nhà lãnh đạo G7, trong đó G7 kêu gọi ưu tiên cho nỗ lực chống chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan, việc tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố cũng như cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Thiếu vắng Nga

G7 được thành lập năm 1975 và đến năm 1998 kết nạp thêm Nga vào nhóm này. Sau 16 năm liên tục tham gia, Nga không còn có mặt tại các hội nghị của G7 từ năm 2014 vì những liên quan tới vụ sáp nhập bán đảo Crimea. Tuy nhiên, vai trò của Nga trong việc gián tiếp hoặc trực tiếp tham gia giải quyết những thách thức cũng như các cuộc khủng hoảng trên thế giới là điều không cần bàn cãi.

Ngay cả Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu sau khi Hội nghị thượng đỉnh G7 kết thúc cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác với Nga nhằm giải quyết các cuộc xung đột quốc quốc tế. Theo bà Merkel, Nga đã từ lâu là một đối tác trong các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân Iran và sự tham gia tích cực của Moskva là cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria hay vấn đề Ukraine. Trước đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cũng cho rằng G7 mong muốn có Nga, dù không phải vào lúc này.

Trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G7, đã có nhiều tiếng nói tại Đức phê phán việc không mời Tổng thống Putin tới lâu đài Elmau. Chủ tịch Uỷ ban các vấn đề kinh tế phương Đông của Đức Eckhard Cordes cho rằng một cuộc gặp của G7 và Nga có thể góp phần vào giải quyết khủng hoảng, cũng như đưa Nga vào lộ trình mang tính xây dựng cho cuộc xung đột Ukraine.

Theo ông, cơ hội bị bỏ lỡ khi mô hình thảo luận như cuộc gặp G7 không được tận dụng để đối thoại với Nga. Trong khi đó, Chủ tịch Diễn đàn Đức-Nga Matthias Platzeck cũng lên tiếng kêu gọi nên mời Tổng thống Putin quay trở lại G7, cho rằng các cuộc khủng hoảng như tại Đông Ukraine, Trung Đông, Iran, Afghanistan hay Syria chỉ có thể được giải quyết khi có sự tham gia của Nga. Trong khi cựu Thủ tướng Đức Helmut Schmidt cũng nhận định Hội nghị G7 sẽ không có ý nghĩa khi thiếu sự tham dự của Nga.

Nga cần cho G7 cũng như các mục tiêu mà nhóm bảy nước công nghiệp này hướng tới. Khủng hoảng sẽ chỉ được chế ngự khi các nước lớn cùng đồng tâm hiệp lực ứng phó và kết quả của Hội nghị ở Elmau cũng như dư âm của nó sẽ có tiếng vang lớn hơn nếu có sự tham gia của Tổng thống Nga Putin./.

Theo TTXVN

Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
39944725