Truy cập hiện tại

Đang có 107 khách và không thành viên đang online

Bầu cử tổng thống Mỹ 2016: Cuộc đua “Siêu thứ Ba”

Trong lịch sử bầu cử sơ bộ tổng thống Mỹ, ngày “Siêu thứ Ba” được coi là cơ hội lớn nhất giúp quyết định ứng cử viên nào sẽ đại diện đảng của mình tiếp tục bước vào chặng đua cuối cùng giành lấy chiếc ghế chủ nhân của Nhà Trắng.
 
Một số bang tổ chức bầu cử sơ bộ trong ngày "Siêu thứ ba", 01-3-2016.

“Siêu thứ Ba” - bước ngoặt cho bầu cử tổng thống Mỹ

Ngày “Siêu thứ Ba” trong lịch trình bầu cử sơ bộ tổng thống Mỹ là sự kiện để một ứng viên chứng tỏ họ có sự ảnh hưởng ở tầm quốc gia chứ không phải chỉ ở từng địa phương riêng lẻ.

“Siêu thứ Ba” là một ngày thứ ba trong tháng 2 hoặc tháng 3 của năm bầu cử tổng thống Mỹ, đánh dấu giai đoạn quan trọng trong cuộc đua. Vào ngày này, cử tri tại hàng loạt bang sẽ bỏ phiếu hoặc các đại biểu họp kín để chọn ra ứng viên mà họ tin tưởng nhất. Do vậy, “Siêu thứ Ba” là cơ hội lớn đầu tiên để các ứng viên “giành giật” đại biểu, theo hình thức tỷ lệ dựa trên phiếu bầu, hoặc người chiến thắng được tất cả. Mỗi ứng viên trong đảng của mình sẽ có thể có được rất nhiều đại biểu cho mình, hơn bất cứ một ngày bầu cử sơ bộ nào trong lịch trình bầu cử sơ bộ. Và nói đúng hơn là các ứng viên muốn tranh cử tổng thống theo truyền thống phải thu được kết quả tốt trong ngày thứ ba này để giành được quyền đề cử của đảng mình.

Trong chiều dài lịch sử các cuộc bầu cử Mỹ ít nhất tính từ năm 1984 khi thuật ngữ này được sử dụng, có thể thấy rõ ý nghĩa của ngày “Siêu thứ Ba” (Super Tuesday) trọng đại.

Năm 1992, cuộc bầu cử sơ bộ ngày 10-3 đánh dấu sự “hồi sinh” của ứng cử viên Bill Clinton, tạo đà chiến thắng cho ông trong cuộc bầu cử tổng thống. Trong giai đoạn Chiến tranh Vùng Vịnh, Tổng thống G. W. Bush duy trì tỷ lệ ủng hộ cao đến gần 90%. Điều này khiến đảng Dân chủ lo lắng về cơ hội chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 1992. Ở giai đoạn tranh cử đầu tiên cho đến cuối năm 1991, ứng viên tiềm năng của phe Dân chủ không phải là ông B. Clinton. Tại cuộc bỏ phiếu ở Iowa, vị thống đốc bang Arkansas chỉ về thứ 3 với khoảng cách khá xa. Tuy nhiên, đến ngày “Siêu thứ Ba”, ứng cử viên B. Clinton đã khiến dư luận kinh ngạc, khi không chỉ chiến thắng ở các bang miền Nam, mà còn đạt được hai “phần thưởng lớn” là bang Florida và Texas. Loạt chiến thắng tiếp theo giúp ông trở thành ứng viên chính thức của đảng Dân chủ, và tự tin thách thức Tổng thống G. Bush “cha”.

Ngày “Siêu thứ Ba” trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2008 (diễn ra ngày 05-02) ghi nhận số lượng bang tham gia đông nhất trong lịch sử là 25 bang. Cũng trong dịp này, ông Barack Obama (khi đó còn là thượng nghị sĩ đại diện bang Illinois) đã định hình tương lai của cuộc đua đến Nhà Trắng.

Khi đó, ngôi sao chính trị trẻ tuổi giành chiến thắng ở nhiều bang hơn bà Hillary Clinton (12 bang so với 11 bang). Tuy cựu đệ nhất phu nhân chiến thắng ở các bang có đông đại biểu nhất, bà vẫn để thua ông B. Obama về tổng số đại biểu (834 so với 847 người). Nguyên nhân thất bại của bà Hillary Clinton được cho là bà chỉ mải tập trung vào những bang lớn như Florida, California và New York. Trong khi đó, chiến thuật của ông B. Obama là bám sát về tỷ lệ ủng hộ ở những bang lớn và chiến thắng ở các bang nhỏ hơn. Đến lúc đó, ông B. Obama rõ ràng đã thu hẹp khoảng cách đáng kể so với bà Hillary Clinton vốn là ứng viên sáng giá ngay từ đầu giai đoạn tranh cử. Kể từ đây, chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton không thể phục hồi vị thế như những ngày đầu. Dù bà tiếp tục chiến thắng ở các bang quan trọng như Ohio và Texas, ông B. Obama ngày càng chứng tỏ uy tín và khả năng với các cử tri và những thành viên cao cấp trong đảng.

Với cuộc bầu cử sơ bộ, ngày “Siêu thứ Ba” năm 2016 định hình cho tương lai hình ảnh ứng cử viên sẽ nắm giữ chiếc ghế chủ nhân của Nhà Trắng sau hai nhiệm kỳ dưới quyền Tổng thống B. Obama. Ngày “Siêu thứ Ba” năm nay diễn ra ngày 01-3, tại 12 bang và một vùng lãnh thổ Mỹ gồm: Vermont, Virginia, Alabama, Alaska, Arkansas, Colorado Georgia, Massachusetts, Minnesota, Oklahoma, Tennessee, Texas và vùng lãnh thổ hải ngoại Samoa theo hình thức tổ chức sơ bộ hoặc họp kín để lựa chọn ra ứng viên duy nhất đại diện cho mỗi đảng tham gia tổng tuyển cử. Lần này, 7 ứng viên của hai đảng đã cạnh tranh quyết liệt để giành lấy lá phiếu của 595 phiếu đại biểu trên tổng số 2.472 phiếu đại biểu của đảng Cộng hòa và 865 phiếu trên tổng số 4.763 phiếu đại biểu của đảng Dân chủ. Một ứng viên Cộng hòa cần giành được 1.237 phiếu đại biểu để được bầu chọn làm ứng cử viên tổng thống của “Những chú voi” (biệt danh của đảng Cộng hòa), trong khi một ứng cử viên Dân chủ cần có được ít nhất 2.382 phiếu đại biểu để sở hữu tấm vé duy nhất đại diện cho “Những chú lừa” (biệt danh của đảng Dân chủ) trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016.

Như vậy, theo phân bổ ở các bang, sau khi kết thúc bầu cử sơ bộ trên toàn nước Mỹ, mỗi ứng cử viên của đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ với lá phiếu ủng hộ của đại biểu tại Đại hội Đảng toàn quốc, dự kiến diễn ra vào tháng 7 tới, để trở thành đại diện duy nhất cho mỗi đảng ra tranh cử tổng thống trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11-2016. Với quy định đó, “Siêu thứ Ba” được coi là ngày quyết định bởi người chiến thắng sẽ có lợi thế rất lớn trong cuộc đua trở thành ứng cử viên tổng thống chính thức.

Những đối thủ “nặng ký”

Trước sự kiện được cho là có thể mở ra bước ngoặt quan trọng trong cuộc đua vào Nhà Trắng, hai ứng cử viên hàng đầu của đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ là tỷ phú Donald Trump và cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đã có những bứt phá ngoạn mục khi liên tục dẫn đầu các cuộc đua riêng rẽ của 2 đảng tại các bang tiến hành bầu cử sơ bộ trước đó. Những vòng bầu cử ở Iowa, New Hampshire, Nevada (đảng Dân chủ) và South Carolina (đảng Cộng hòa) diễn ra, đã mang lại kết quả cho các ứng viên này với lần lượt số đại biểu ủng hộ là 82 và 505 người. Những con số này bỏ xa đối thủ đeo bám sau họ là Thượng nghị sĩ Ted Cruz chỉ với 17 đại biểu và ông Bernie Sanders với 71 đại biểu.

Các tiểu bang miền Đông Vermont và Virginia là những bang đầu tiên diễn ra cuộc bầu cử sơ bộ “Siêu thứ Ba”. Tại các tiểu bang này, cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều tổ chức bầu cử sơ bộ theo hình thức bỏ phiếu kín và không áp dụng quy định “thắng ăn tất” (winner-take-all) mà phân bổ số phiếu đại biểu theo tỷ lệ phiếu ủng hộ của cử tri. Đảng Dân chủ có 26 phiếu đại biểu tại Vermont, trong khi đảng Cộng hòa có 16 phiếu.

Các cử tri của đảng Dân chủ tham gia bỏ phiếu đã dành sự ưu tiên cho ứng cử viên lão luyện chính trường lãnh đạo đảng Dân chủ trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016, đó là bà Hillary Clinton. Trong khi đó, tâm lý cử tri ủng hộ đảng Cộng hòa thể hiện nhiều điểm khác biệt khi họ muốn bầu cho một ứng cử viên “ngoại đạo”, mang lại lợi thế cho tỷ phú D. Trump.

Là ứng cử viên nữ duy nhất, song cựu Đệ nhất phu nhân Hillary Clinton luôn thể hiện trước công chúng một phong thái mạnh mẽ, chuyên nghiệp, không hề thua kém một nam chính khách nào. Khoảng thời gian nắm giữ chiếc ghế ngoại trưởng Mỹ đã giúp bà tạo dựng được hình ảnh người phụ nữ quyền lực, có đủ khả năng trở thành người đứng đầu nước Mỹ. Khi đánh giá về hai ứng cử viên tiềm năng trong cuộc đua giành đề cử trong nội bộ đảng Dân chủ, Tổng thống đương nhiệm B. Obama đã nhận định chính bà Hillary Clinton, chứ không phải ông B. Sanders, mới là ứng cử viên hiểu rõ những yêu cầu và bản chất công việc của một tổng thống.

Với thắng lợi vang dội trong cuộc bầu cử sơ bộ tại tiểu bang Nam Carolina, cựu Ngoại trưởng Mỹ không những đã củng cố vị thế ứng cử viên tổng thống sáng giá nhất của đảng Dân chủ, mà còn có bước chạy đà hoàn hảo trước khi bước vào ngày bầu cử “Siêu thứ Ba”. Bà đã giành thắng lợi tại 3/ 4 cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên của đảng Dân chủ, nâng tổng số đại biểu hậu thuẫn cho mình tại Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ lên 544 người, gấp nhiều lần con số 83 người của ông B. Sanders.

Không tỏ ra kém cạnh với bà Hillary Clinton, “ông trùm” bất động sản D. Trump ngày càng chứng tỏ là một ứng cử viên tiềm năng nhất so với 4 đối thủ còn lại của đảng Cộng hòa ra tranh chức Tổng thống Mỹ. Khi mới bắt đầu tham gia cuộc đua, “người ngoại đạo” D. Trump được coi là một “nhân tố lạ”, gây chú ý bởi những phát ngôn gây sốc. Tuy nhiên, những diễn biến trong 4 cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa lại khiến các ứng cử viên “truyền thống” phải giật mình và buộc phải thừa nhận ông D. Trump là một đối thủ đáng gờm.

Sau khi để thua ở bang Iowa, tỷ phú D. Trump đã có màn tăng tốc ấn tượng khi lần lượt giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa tại New Hampshire, Nam Carolina, Nevada, nâng số đại biểu ủng hộ ông lên 82 người, bỏ xa các đối thủ còn lại. Nhận định về sự bứt phá ngoạn mục của ông D. Trump, Chiến lược gia Ford O’Connell cho rằng: “Ông Trump đã chiến thắng được 50% trong cuộc đua được đề cử làm ứng cử viên đảng Cộng hòa và ông có khả năng được bầu cao hơn”.

Phần lớn sức thu hút mà ông D. Trump có được là do bối cảnh nền kinh tế hiện vẫn đang vật lộn để đi lên sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy cử tri đảng Cộng hòa tin rằng, ông D. Trump là lựa chọn tốt nhất để điều hành nền kinh tế nhờ vị thế nhà tài phiệt tỷ phú của ông, trái ngược với hai ứng cử viên bám đuổi sát nút là ông Marco Rubio và Ted Cruz, đều không phải là nhà kinh doanh. Hơn nữa, những người ủng hộ ông D. Trump không hài lòng với cái mà họ coi là lối lãnh đạo nhạt nhòa hiện nay của Nhà Trắng cũng như Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát. Về chính sách đối ngoại, nhiều người ủng hộ ông D. Trump tuyên bố họ mệt mỏi với thái độ do dự của Nhà Trắng trước mối đe dọa khủng bố mà Mỹ và phương Tây đang phải đối mặt.

Kết quả không nằm ngoài dự đoán, sau ngày “Siêu thứ Ba”, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và tỷ phú bất động sản D. Trump đã giành chiến thắng.

Với chiến thắng tiếp theo tại bang Massachusetts, bà Hillary Clinton đã giành được ưu thế tại 7/11 bang tổ chức các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ trong ngày bầu cử “Siêu thứ Ba”. Sáu bang bà đã giành được chiến thắng trước đó là Georgia, Virginia, Alabama, Tennessee, Arkansas, Texas và vùng lãnh thổ hải ngoại Samoa. Như vậy, chỉ tính riêng trong ngày “Siêu thứ Ba”, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đã giành được ít nhất 457 phiếu đại biểu tham dự Đại hội Toàn quốc của đảng Dân chủ, nâng tổng số ghế đã nhận được lên ít nhất 1.005. Đối thủ duy nhất của bà là Thượng nghị sĩ B. Sanders đã giành thắng lợi tại 4 bang với ít nhất 286 phiếu đại biểu, nâng tổng số ghế đã nhận được lên ít nhất 373.

Bên phía đảng Cộng hòa, kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy, tỷ phú D. Trump đã giành thắng lợi tổng cộng tại 7/11 bang tổ chức các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa trong ngày “Siêu thứ Ba”. “Ông trùm” bất động sản đã giành được thêm ít nhất 203 lá phiếu đại biểu trong ngày 01-3, nâng tổng số lá phiếu giành được cho đến nay lên ít nhất 285 đại biểu tham dự Đại hội Toàn quốc của đảng Cộng hòa. Đối thủ luôn bám sát, Thượng nghị sĩ T. Cruz có tổng cộng 161 phiếu đại biểu.

Như vậy, cho dù năm nay, nhiều bang quan trọng như Florida, Illinois hay Missouri không tổ chức bầu cử trong ngày 01-3, khiến ý nghĩa chính trị của ngày “Siêu thứ Ba” giảm đi, song kết quả bầu cử này vẫn được cho là sẽ có ảnh hưởng quan trọng tới biến động của nền kinh tế hàng đầu thế giới. Trong chặng đua tiếp theo khi một số bang sẽ tổ chức bầu cử vào ngày 15-3 như bang Florida, Illinois,…; bang New York (ngày 19-4); các bang California, New Jersey, New Mexico, Montana, South Dakota và North Dakota,... (ngày 07-6), giới quan sát nhận định, cuộc đua “song mã” sẽ tiếp tục diễn ra giữa hai ứng cử viên sáng giá nhất của hai đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa là cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton và tỷ phú D. Trump để cán đích cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 tới./.

(Nguồn: TCCS)
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36720529