Sinh hoạt tư tưởng
Đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực thù địch đối với công tác dân tộc của Đảng và Nhà nước
- Được đăng: Thứ ba, 30 Tháng 12 2014 15:02
- Lượt xem: 4279
(TGAG)- Trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh và kế thừa truyền thống qúy báo của dân tộc, kể từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn thực hiện nhất quán quan điểm “các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng phát triển”. Từ đó chính sách dân tộc được thể chế hóa, thực hiện thống nhất trong cả nước và đạt được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… Hệ thống pháp luật Việt Nam liên tục được hoàn thiện, đáp ứng cơ bản chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có việc bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của các dân tộc thiểu số.
Thực hiện ý đồ chống phá Việt Nam, các thế lực thù địch thường rêu rao: “Đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam bị ngược đãi, phân biệt đối xử”. Đây là những luận điệu xuyên tạc, bịa đặt. Chỉ cần đối chiếu với thực tế tình hình, chúng ta dễ dàng thấy rõ tính chất xuyên tạc, bịa đặt.
- Các dân tộc thiểu số đều được bình đẳng về chính trị: Thực tế những năm qua, người dân tộc thiểu số được tạo điều kiện tham gia hệ thống chính trị, quản lý xã hội, quản lý nhà nước ngày càng nhiều. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số là đại biểu Quốc hội luôn chiếm tỷ lệ cao hơn so với tỷ lệ dân số. Trong 4 nhiệm kỳ Quốc hội gần đây, tỷ lệ đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số chiếm từ 15,6% đến 17,27%, trong khi người dân tộc thiểu số chỉ chiếm 14,3% dân số. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số tham gia Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 là 18%, cấp huyện là 20%, cấp xã là 22,5%.
- Đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số không ngừng được nâng lên: Trong giai đoạn 2006 - 2012, Chính phủ đã dành trên 54,7 nghìn tỷ đồng từ ngân sách để thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tính đến năm 2012, kết cấu hạ tầng trong vùng đồng bào dân tộc được nâng lên; 99,39% số xã vùng dân tộc có trạm y tế; 500 nghìn hộ được hỗ trợ nhà ở, 72 nghìn hộ được hỗ trợ đất ở; 153 nghìn hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt; hệ thống các trường học các cấp được đầu tư, mở rộng; nhiều chính sách, chương trình, dự án về dạy nghề, tạo việc làm được thực hiện… Những thành tựu trong thực hiện công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo đối với các dân tộc của Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
- Văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số luôn được chú trọng, bảo tồn và phát huy: Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” tập trung ưu tiên bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc. Các giá trị văn hóa dân tộc truyền thống luôn được bảo tồn, tôn vinh, được công nhận là di sản văn hóa thế giới. Báo chí, truyền thông, các đài phát thanh, truyền hình từ trung ương đến cơ sở không ngừng tăng cường chất lượng đảm bảo cho người dân tộc thiểu số ở các vùng sâu, vùng xa có điều kiện tiếp cận với thông tin trong nước và quốc tế. Quyền được sử dụng tiếng nói, chữ viết, quyền tự do tín ngưỡng của các dân tộc thiểu số được tôn trọng và được chăm lo thực hiện tốt.
Ở An Giang, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm đầu tư, thực hiện nhiều chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội, làm thay đổi bộ mặt các xã vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Các công trình kết cấu hạ tầng đã tạo thuận lợi trong việc đi lại, mua bán, học hành, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa…
Những thành tựu to lớn về chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua đã khẳng định mạnh mẽ một thực tế là đồng bào các dân tộc thiểu số ở Việt Nam nói chung và tỉnh An Giang nói riêng chưa bao giờ bị phân biệt đối xử. Cái gọi là “đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam bị ngược đãi, phân biệt đối xử” thực chất chỉ là những luận điệu xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực thù địch.
Sự thật