Truy cập hiện tại

Đang có 54 khách và không thành viên đang online

Sinh hoạt tư tưởng

Giành thắng lợi trên mặt trận văn hóa

(TGAG)- Trong cuộc chiến về văn hóa, cùng với việc nhận rõ nguy cơ từ bên ngoài, quan trọng hơn, là phải thấy rõ những yếu kém từ bên trong. Năm 2010, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có Chỉ thị về “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”, trong đó đã có những nhận định rất nghiêm khắc: “Thời gian qua, nhiều sản phẩm văn hoá độc hại từ bên ngoài đã xâm nhập vào nước ta bằng nhiều con đường, tác động rất xấu đến tư tưởng, đạo đức, lối sống, tâm lý, hành vi của một bộ phận nhân dân, nhất là thanh thiếu niên; làm huỷ hoại, xói mòn nền tảng và những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Môi trường đạo đức và văn hoá lành mạnh bị đe dọa nghiêm trọng, có nguy cơ dẫn tới khủng hoảng tinh thần…dẫn đến khuynh hướng tự diễn biến về chính trị, tư tưởng, tác hại lâu dài đến các thế hệ mai sau”. Gần đây, tại Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI), Đảng tiếp tục khẳng định: “Môi trường văn hóa còn tồn tại tình trạng thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục; tệ nạn xã hội, tội phạm có chiều hướng gia tăng”.

Mặc dù có nhiều cố gắng, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, thực tế văn hóa chưa thật sự trở thành mục tiêu và động lực của sự phát triển đất nước. Đời sống văn hóa chưa theo kịp sự phát triển, một số mặt suy giảm. Đến nay, chúng ta vẫn chưa thành công trong việc xây dựng con người, xây dựng hệ giá trị mới của văn hóa Việt Nam, nhất là lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, lối sống. Trong khi đó, sự tấn công từ các thế lực thù địch luôn vô cùng dữ dội!
M.Goóc-ki từng có một khuyến cáo: “Đối với tôi, lời kêu gọi Tổ quốc lâm nguy cũng không đáng sợ hơn lời kêu gọi: Hỡi các công dân! Văn hóa bị lâm nguy!”. Nói như vậy nghĩa là: Mất đất, mất nước có thể lấy lại được, còn văn hóa mất đi là mất luôn, mất vĩnh viễn. Đây là một nhận định rất đáng tham khảo.

Văn hóa bao giờ cũng là nhân tố cơ bản tạo nên sức sống trường tồn của mỗi quốc gia dân tộc. Trong hội nhập quốc tế hiện nay, việc bảo vệ nền văn hóa dân tộc, chống các hoạt động “xâm lăng” càng có ý nghĩa cấp bách.Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) nêu cao mục tiêu: Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Để đạt được mục tiêu đó, một trong những nhiệm vụ phải tập trung thực hiện trong thời gian tới đây là: Mỗi địa phương, cộng đồng, cơ quan, đơn vị, tổ chức phải là một môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, lối sống. Gắn kết xây dựng môi trường văn hóa với bảo vệ môi trường sinh thái. Đưa nội dung giáo dục đạo đức con người, đạo đức công dân vào các hoạt động giáo dục của xã hội.

Thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, xây dựng gia đình thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người. Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, có nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau.

Xây dựng mỗi trường học phải thật sự là một trung tâm văn hóa giáo dục, rèn luyện con người về lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống; giáo dục truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ.

Xây dựng đời sống văn hóa ở địa bàn dân cư, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đoàn kết, dân chủ, văn minh, đạt chuẩn thực chất về văn hóa; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; xây dựng nếp sống văn hóa tiến bộ, văn minh, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc vận động văn hóa, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".

Gắn các hoạt động văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, với chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Từng bước thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền, giữa các giai tầng xã hội, giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi, vùng sâu, vùng xa. Xây dựng, hoàn thiện đi đôi với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa.

Phát huy các giá trị, nhân tố tích cực trong văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng; khuyến khích các hoạt động tôn giáo gắn bó với dân tộc, hướng thiện, nhân đạo, nhân văn, tiến bộ, "tốt đời, đẹp đạo". Khuyến khích các hoạt động "đền ơn đáp nghĩa", "uống nước nhớ nguồn", từ thiện, nhân đạo.

Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng.
Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh là trực tiếp góp phần giành thắng lợi trên mặt trận văn hóa!

 

SỰ THẬT

Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
39916549