Truy cập hiện tại

Đang có 111 khách và không thành viên đang online

Sinh hoạt tư tưởng

Chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên

(TUAG)- Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng nhiệm vụ xây dựng Đảng về đạo đức; trong đó, chuẩn mực đạo đức cách mạng là nội dung cơ bản. Trong giai đoạn hiện nay, việc tiếp tục học tập, quán triệt sâu sắc quan điểm của Người về chuẩn mực đạo đức và xây dựng chuẩn mực đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trở thành yêu cầu quan trọng, cấp thiết.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, đạo đức là “gốc” của người cách mạng; và do đó, xây dựng Đảng về đạo đức là xây dựng Đảng từ “gốc”. Người yêu cầu, Đảng Cộng sản Việt Nam phải là hiện thân của “danh dự và lương tâm của dân tộc”, “là đạo đức, là văn minh”. Tư tưởng xây dựng Đảng về đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành nền tảng lý luận cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong suốt hơn 93 năm qua.


Với tầm nhìn của nhà tư tưởng lớn và lãnh tụ thiên tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn nhận vai trò của đạo đức cách mạng dưới nhiều góc độ: Đạo đức là gốc của người cách mạng, là điều kiện để vươn tới tài năng, là điều làm nên sức hấp dẫn của một học thuyết cách mạng và uy tín của một đảng cách mạng trước nhân dân.

Đạo đức của Đảng được biểu hiện qua nhân cách đạo đức của đội ngũ đảng viên và đạo đức của mỗi đảng viên lại phản ánh một phần diện mạo đạo đức của Đảng. Do đó, xây dựng Đảng về đạo đức thực chất là làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên thấm nhuần và thực hành các chuẩn mực đạo đức cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Ta xây dựng con người cũng phải có ý định rõ ràng như nhà kiến trúc”, tức là phải có định hướng rõ ràng về tiêu chí, chuẩn mực. Chuẩn mực đạo đức cách mạng của đội ngũ đảng viên thực chất là các giá trị đạo đức cộng sản đã được cụ thể hóa vào thực tiễn Việt Nam và trở thành cái để phân biệt người đảng viên với đông đảo quần chúng nhân dân. Việc xác định chuẩn mực đạo đức cách mạng là vấn đề đặc biệt quan trọng; bởi vì, đó chính là quá trình hiện thực hóa hình mẫu con người đại diện cho lý tưởng cộng sản, cho chế độ tốt đẹp mà Đảng ta đang xây dựng.

Với tư duy mềm dẻo, linh hoạt, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn cứ vào hoàn cảnh thực tế mà nêu ra các chuẩn mực đạo đức cách mạng. Người thường nói về tứ đức là “cần, kiệm, liêm, chính”. Cũng có lúc, Người xác định “đạo đức cách mạng phải có 5 điều: Trí - Tín - Nhân - Dũng - Liêm”. Hoặc cũng có lần, Người nói đạo đức cách mạng “gồm có năm điều: nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm”. Tựu trung lại, đạo đức cách mạng được thể hiện rõ trong các mối quan hệ lớn; đó là: Với Tổ quốc và nhân dân thì phải trung - hiếu, với tự mình thì phải cần, kiệm, liêm, chính; với công việc thì phải chí công vô tư; với con người thì phải yêu thương; với nhân loại thì phải có tinh thần quốc tế trong sáng... Di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chuẩn mực đạo đức cách mạng thể hiện tinh thần nhân văn, cách mạng, bởi đã nâng cao yêu cầu với đội ngũ cán bộ, đảng viên và góp phần đào luyện ra “lớp cán bộ vàng” cho cách mạng Việt Nam.

Hiện nay, đất nước đang trong giai đoạn đẩy mạnh phát triển nền kinh tế thị trường, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. “Thang giá trị” đạo đức được hình thành trong thời kỳ chiến tranh, bao cấp, nay có nhiều nội dung cần được điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với bối cảnh mới. Vì thế, Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh giải pháp “nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các chuẩn mực đạo đức cách mạng phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc để làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự giác tu dưỡng, rèn luyện, tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hằng ngày”. Yêu cầu đặt ra là, các chuẩn mực đạo đức xác định phải ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát. Từ chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ thực tiễn đạo đức trong Đảng và yêu cầu đặt ra với đội ngũ cán bộ, đảng viên trong tình hình mới, bước đầu có thể xác định một số nội dung cơ bản về các chuẩn mực đạo đức cách mạng cần tập trung xây dựng như: (1)Trung với Đảng, hiếu với dân; (2) cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; (3) đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm; (4) tiên phong, gương mẫu, tự soi, tự sửa; (5) tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo…Quan trọng hơn cả là mỗi cán bộ, đảng viên phải biết “yêu nước, thương dân, thương nhân loại bị áp bức”.

Nhìn chung, những chuẩn mực đạo đức nêu trên của đội ngũ cán bộ, đảng viên là khắt khe hơn so với đạo đức xã hội và trách nhiệm thực hành chuẩn mực đạo đức của đảng viên giữ vị trí lãnh đạo cũng cao hơn so với những đảng viên không giữ vị trí lãnh đạo. Tuy nhiên, chính sự đòi hỏi cao đó sẽ giúp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, người lãnh đạo trở thành những nhân cách văn hóa, biết lấy lý trí để kiểm soát ham muốn bản năng, lấy lương tri để “tự soi”, “tự sửa” nhằm vươn tới các giá trị Chân - Thiện - Mỹ và tỏ rõ vai trò tiên phong của người cộng sản. Ngày nay, việc tự giác thực hành chuẩn mực đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên sẽ nâng cao sức mạnh “nội sinh” của Đảng, giúp cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh về mọi mặt, mãi mãi đồng hành cùng dân tộc và đưa dân tộc tiến bước cùng thời đại./.

An Bình
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40412346