Truy cập hiện tại

Đang có 119 khách và không thành viên đang online

Sinh hoạt tư tưởng

Tỉnh táo trước phương thức, thủ đoạn mạo danh lừa đảo qua mạng xã hội

(TUAG)- Thời gian qua, tình hình mạo danh, lừa đảo trên không gian mạng thông qua mạng xã hội, như: Facebook, Zalo... ngày càng tinh vi, phức tạp và đang có chiều hướng gia tăng về số vụ. Gần đây, xuất hiện tình trạng một số đối tượng đã tạo tài khoản mạo danh, sử dụng thông tin cá nhân, hình ảnh của các đồng chí lãnh đạo, người có uy tín trong tỉnh, nhằm thực hiện các hành vi lừa đảo, trục lợi cá nhân..., gây ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của lãnh đạo Đảng, nhà nước, chính quyền địa phương.
    
Theo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao-Bộ Công an, từ đầu năm 2020 đến nay, Cục đã phát hiện khoảng 4.100 vụ việc liên quan đến tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng. Trong đó, có 776 vụ việc lừa đảo qua mạng viễn thông bằng thủ đoạn giả danh cơ quan thực thi pháp luật (Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát), các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, bưu điện…, đe dọa, yêu cầu người bị hại cung cấp thông tin tài khoản hoặc chuyển tiền. Cục đã tiến hành xác minh, điều tra 18 vụ; khởi tố 5 vụ án và 27 bị can; đang tiếp tục xác minh hơn 10 vụ.

Nguy hại hơn, các đối tượng mạo danh các cơ quan Nhà nước, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước để thực hiện các hành vi lừa đảo, trục lợi cá nhân và chống phá Đảng, Nhà nước. Phát tán thông tin xấu, độc trên mạng xã hội để bôi nhọ cá nhân, tổ chức, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước. Nhiều đối tượng đưa tin giả trên mạng xã hội tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước đã bị xử lý trước pháp luật…

Điển hình, ngày 18/4/2020, Cơ quan an ninh điều tra (Công an tỉnh Hậu Giang) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Đinh Thị Thu Thủy (ngụ khu vực 1, phường Lái Hiếu, TP. Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) để điều tra hành vi "làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Từ năm 2018, Đinh Thị Thu Thủy mở nhiều tài khoản Facebook cá nhân để biên tập, đăng tải, chia sẻ hàng trăm tài liệu tuyên truyền, xuyên tạc... bôi nhọ danh dự lãnh đạo Đảng, Nhà nước; kích động tư tưởng chống đối; tung tin thất thiệt, bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân nhằm chống phá Đảng và Nhà nước. Ngoài ra, trong lúc cả nước đang chung tay phòng chống dịch bệnh COVID-19, Thủy tiếp tục sử dụng mạng xã hội đăng tải nhiều bài viết xuyên tạc công tác phòng chống dịch của Chính phủ. Hay như trường hợp đối tượng Nguyễn Văn Trường (trú tại phường Phú Xá, TP. Thái Nguyên) bị khởi tố về hành vi lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Trường đã quay các video clip, viết bài phát tán trên mạng xã hội Facebook bôi nhọ, hạ uy tín, vu khống, công kích, xúc phạm một số cá nhân, cơ quan Nhà nước làm công tác tố tụng ở Trung ương và tỉnh Thái Nguyên.

Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao-Bộ Công an nhận diện 6 phương thức, thủ đoạn chủ yếu của dạng tội phạm này. Trong đó, các đối tượng sử dụng các dịch vụ có chức năng giả mạo đầu số, giả mạo số điện thoại, mạo danh cán bộ của cơ quan chức năng trong các cơ quan thực thi pháp luật gọi điện cho người dân để thực hiện hành vi lừa đảo, gây sức ép, yêu cầu khác nhau như phục vụ điều tra, làm người dân hoang mang, từ đó phải chuyển một số tiền lớn vào một tài khoản do các đối tượng này cung cấp. Lừa đảo qua các mạng xã hội như: Chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội của người bị hại, sau đó tạo ra các kịch bản nhắn tin lừa đảo đến danh sách bạn bè của người bị hại; kết bạn qua mạng xã hội và hứa hẹn gửi quà có giá trị... sau đó, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền nộp thuế hoặc lệ phí hải quan nhằm chiếm đoạt tiền; hoặc gửi tin nhắn qua Facebook, Zalo, Viber... thông báo trúng thưởng và đề nghị nộp phí để nhận thưởng.

Tại An Giang, hiện nay, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Năm 2020 đã xảy ra 23 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó có 9 vụ lừa đảo sử dụng công nghệ cao, thiệt hại hơn 10 tỷ đồng, đã gây hoang mang, lo sợ cho người dân, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Để chủ động phòng tránh các hoạt động lừa đảo qua không gian mạng, đặc biệt là thủ đoạn mạo danh lãnh đạo, tổ chức cá nhân để trục lợi, hoặc nguy hại hơn là tung tin thất thiệt nhằm chống phá Đảng, Nhà nước, chính quyền… người dân khi sử dụng các dịch vụ trên không gian mạng, phải nâng cao tinh thần cảnh giác, nhất là trong việc cung cấp, trao đổi, chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, cần có sự chung sức, chung tay của các cấp, các ngành, các cơ quan tư pháp; đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo, xử lý triệt để các nguồn tin liên quan đến hành vi lừa đảo qua mạng xã hội.

Thiện Nhân
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37138245