Truy cập hiện tại

Đang có 111 khách và không thành viên đang online

Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam

Một số kết quả chủ yếu sau 10 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

(TGAG)- Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai theo chủ trương của Bộ Chính trị, là một trong những giải pháp quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển bền vững thị trường trong nước qua việc phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam; mặt khác động viên các doanh nghiệp sản xuất ra hàng hóa, sản phẩm Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; huy động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân cùng chung tay, góp sức giải quyết những khó khăn, bảo đảm sự phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước.



Sau 10 năm triển khai, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đạt được các kết quả quan trọng

Một số kết quả cụ thể:

Chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người sản xuất và người tiêu dùng. Các cơ quan, ban ngành, đoàn thể chính trị xã hội, cơ quan tuyên truyền, thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nội dung Cuộc vận động; kịp thời phát hiện, nêu gương các điển hình tiên tiến trong thực hiện Cuộc vận động; đồng thời, đấu tranh với các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, lưu hành hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm...

Trong 10 năm qua, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động của 59/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức tuyên truyền được 4.718.898 cuộc, với 246.111.905 người tham dự, đăng tải trên 554.461 tin, bài, phóng sự; 36.030 cuộc đưa hàng Việt về nông thôn, hội chợ, triển lãm. Đã tổ chức tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức lồng ghép, thông qua các buổi chiếu phim, hội diễn văn nghệ, kịch; pano, logo Cuộc vận động... tiếp tục các chuyên mục nhận biết "hàng thật, hàng giả", "tự hào hàng Việt", ban hành tài liệu hỏi - đáp về Cuộc vận động, in và phát hành logo Cuộc vận động để các doanh nghiệp treo tại các siêu thị, trung tâm thương mại…, gắn với việc tổ chức các lễ hội, hội chợ triển lãm, đưa hàng Việt về nông thôn phục vụ Tết Nguyên đán.

Tăng cường công tác rà soát, ban hành bổ sung cơ chế thực hiện Cuộc vận động. Trong thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương đã tổ chức rà soát, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện hàng ngàn văn bản pháp quy, xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển sản xuất, thiết lập hệ thống phân phối đưa hàng hóa Việt đến với người tiêu dùng trên cả nước. Đã rà soát, ban hành các cơ chế chính sách cho vay vốn, hỗ trợ lãi suất vốn vay cho các doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh; xây dựng, rà soát, bổ sung hoàn thiện hàng rào kỹ thuật để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và sản xuất trong nước…

Về hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp: hệ thống phân phối hàng Việt từng bước được tạo lập ở các địa phương, bước đầu hình thành các kênh phân phối hàng hóa, dịch vụ Việt đến người tiêu dùng trên thị trường nội địa. Các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, giới thiệu hàng Việt, đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nhân được tổ chức hầu hết ở các địa phương nhằm đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng.

Về công tác quản lý thị trường, kiểm tra, kiểm soát giá cả thị trường: Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các tỉnh, thành phố tăng cường phối hợp với Ban Chỉ đạo đấu tranh ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng gian lận thương mại và Ban Chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thường xuyên tổ chức các cuộc kiểm tra liên ngành, các đợt giám sát đối với các cơ sở sản xuất và dịch vụ vận chuyển, kinh doanh hàng hóa.

Từ tháng 7/2009 đến tháng 6/2019, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 1.063.573 vụ, phát hiện và xử lý 681.624 vụ vi phạm hàng giả, hàng lậu, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên là 3.581 tỷ đồng.

Tạo sức lan tỏa, tham gia hưởng ứng của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước cũng như các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác và các nhà sản xuất kinh doanh đã tích cực triển khai các giải pháp, hoạt động hưởng ứng Cuộc vận động. Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khu công nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất trong thời gian qua được các doanh nghiệp quan tâm và đã trở thành một trong các nội dung trọng tâm hưởng ứng Cuộc vận động.

Hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước luôn đạt tỉ lệ từ 90% trở lên. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên.

Cuộc vận động đã tác động tích cực đến toàn xã hội, giúp người tiêu dùng, cơ quan, đơn vị, tổ chức nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi của người tiêu dùng đối với sản xuất trong nước, từ đó thay đổi thái độ, hành vi ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng hóa thương hiệu Việt.



Một số hạn chế trong triển khai thực hiện cuộc vận động:

Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân về Cuộc vận động chưa đầy đủ, chưa quan tâm đến các hoạt động và kết quả triển khai Cuộc vận động. Trong tổ chức thực hiện Cuộc vận động, công tác phối hợp, kiểm tra, giám sát của các Ban Chỉ đạo chưa thường xuyên, chủ yếu thực hiện lồng ghép với các nội dung nhiệm vụ có liên quan của ngành hoặc các ngành tự giám sát, quản lý theo đối tượng. Vai trò, trách nhiệm của một số ngành, tổ chức thành viên tham gia Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các cấp thể hiện chưa rõ nét, hiệu quả chưa cao, công tác thông tin báo cáo không kịp thời. Hoạt động kết nối giữa Trung ương và địa phương, trong các doanh nghiệp chưa nhiều.

Một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong thời gian tới:

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện Thông báo Kết luận số 264 - TB/TW của Bộ Chính trị; Kết luận 107 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với thực hiện Cuộc vận động; Chỉ thị số 24/CT-TTg, ngày 17/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn mới.

Phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể, tổ chức xã hội, nghề nghiệp, các cơ quan tuyên truyền, thông tấn, báo chí trong tuyên truyền về Cuộc vận động, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên, người tiêu dùng ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam.

Rà soát, ban hành bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích sản xuất và bảo vệ thị trường trong nước phù hợp với các quy định của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) khuyến khích và định hướng tiêu dùng của nhân dân.

Tổ chức điều tra, khảo sát thị trường, điều tra thị hiếu, nhu cầu người tiêu dùng; tổ chức hội thảo, triển lãm, hội chợ, xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nhân…

Tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra thực hiện Cuộc vận động ở các cấp. Kiện toàn, củng cố về tổ chức và nâng cao hoạt động của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động ở Trung ương và cấp tỉnh.

Tăng cường các hoạt động giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm; nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội sử dụng hàng hóa nội địa khi thực hiện mua sắm công…

P.TT (tổng hợp)
Tiến tới đại hội đảng
Số lần xem các bài viết
36713810