Truy cập hiện tại

Đang có 80 khách và không thành viên đang online

Chân dung những anh hùng ở An Giang

Dân tộc ta, dân tộc của những người chưa bao giờ cam chịu khuất phục. “Sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”. Từ ngàn đời xưa, đã bao phen như thế! Lòng yêu nước nồng nàn, đã bao lần đập tan những mưu đồ xâm lăng của các thế lực bành trướng. Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh hùng dân tộc đã đúc kết một cách giản dị mà đầy sâu sắc truyền thống quý báu ấy: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.


Hơn tám mươi năm cho một cuộc đổi đời, 10.000 ngày cho hai cuộc giải phóng. Ngần ấy thời gian, đau xót, tan thương, bi hùng, oanh liệt. Máu và nước mắt đã tô thắm trên từng mảnh đất quê hương. Cho đến bây giờ, xúc động ngước nhìn cờ đỏ sao vàng tung bay trên bầu trời tự do cao lộng, ngoảnh lại, ở đâu đó vẫn còn vết tích của mảnh đạn, mảnh bom lặng lẽ nằm trên những mãnh đất có một phần máu xương của những người còn sống qua chiến tranh và cả trong cơ thể của chính họ.

Tròn ba năm, từ tháng 11/2011, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã giới thiệu 33 tấm gương “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh An Giang” trong Bản tin Thông tin công tác tưởng. Một cá nhân trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, 29 cá nhân trong kháng chiến chống Mỹ và 03 cá nhân trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ở đó, có những khoảnh khắc thiêng liêng của một thời hoa lửa; có những lý tưởng sống cao đẹp, hiến dâng cả cuộc đời cho Tổ quốc; có niềm tự hào về truyền thống bất diệt của một dân tộc anh hùng. Ở đó, có khúc tráng ca rực lửa về chủ nghĩa anh hùng cách mạng được tiếp nối đời đời như “tre già măng mọc”, người trước ngã, người sau tiếp bước, đền nợ nước, rửa thù nhà. Những người con An Giang “xả thân vì đại nghĩa”, bên đồng đội giành phần đi trước, lúc xung phong chẳng ngại “mất, còn”, trước kẻ thù chẳng tiếc máu xương, bởi: “biết hy sinh nên chẳng nhiều lời”, lời để lại giành cho đồng đội, cho đồng bào vững bước tiến lên, lời hun đúc niềm tin chiến thắng, về một ngày toàn thắng ắt về ta.

Nữ anh hùng Huỳnh Thị Hưởng trước họng súng kẻ thù vẫn ung dung: “Bà con yên tâm, tôi không khai báo gì, tôi có chết còn nhiều người khác làm cách mạng. Cách mạng sẽ thắng lợi!”; hay Phạm Văn Cương trước lúc hy sinh còn để lại đôi dòng tha thiết: “Ra đi giành giữ quê hương/ Hy sinh vì bởi tình thương giống nòi”; rồi Phan Văn Hồng đối diện với cái chết vẫn đanh thép: “Thà chết vinh hơn sống nhục”… và còn rất nhiều những khí phách quật cường như vậy, mà cái chết đã hóa thành bất tử! Và ở đó, có những anh hùng đã hy sinh ở tuổi đời mười tám đôi mươi như: Nguyễn Đăng Sơn, Nguyễn Thị Bạo, Huỳnh Thị Hưởng, Phan Thị Ràng, Phạm Văn Cương, Neáng Nghés, Nguyễn Văn Ba, Trần Thanh Lạc...

Trong số các anh hùng, có những đồng chí được tuyên dương lúc còn sống như: Trương Khánh Châu, Nguyễn Minh Hồng, Nguyễn Văn Bịch, Hà Hoàng Hổ, Huỳnh Vũ Hùng, Lâm Thanh Hồng, Nguyễn Xuân Hoàng, Huỳnh Trí, Lê Văn Hai. Và, có những đứa con ưu tú được sinh ra trên mảnh đất An Giang đã tham gia chiến đấu ở các nơi, những chốn đi qua, những nơi đã đến đều in đậm khí phách anh hùng, như: Nguyễn Thành Út (bí danh Huỳnh Văn Voi), quê quán Long Xuyên; Liệt sỹ Đỗ Ngọc Thạnh (bí danh Ba Học Sinh) và liệt sỹ Ngô Quốc Trị (Bảy Hùng) cùng quê Châu Đốc; Liệt sỹ Phạm Thao(*). Riêng anh hùng Nguyễn Thị Ngọc Xuyến (tức Kim Lệ, quê Cao Lãnh - Đồng Tháp, giữ nhiệm vụ Hội trưởng Hội Phụ nữ huyện Chợ Mới từ năm 1975 - 1983, thì An Giang còn là quê hương thứ hai trong đời hoạt động cách mạng đầy sôi nổi của mình, đã góp phần để lại những trang sử vàng của những tháng năm gian lao mà anh dũng trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những tấm gương liệt oanh ấy vẫn luôn ngời sáng, cho những cuộc đời tươi trẻ hôm nay và mai sau trên mảnh đất An Giang này mãi nhớ đến năm tháng hào hùng, và cho ngàn ngày xưa đến ngàn ngày sau. Đất nước này đã chịu đựng như đã từng chịu đựng, đã hồi sinh và sẽ vươn lên, cũng như chưa bao giờ chịu khuất phục. Trong những giờ phút khó khăn, luôn xuất hiện những anh hùng, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Đó là niềm tin tất thắng!
Tin chắc rằng, thế hệ trẻ hôm nay luôn dành sự kính phục và kiêu hãnh về những Anh hùng cách mạng bởi lòng yêu nước thiết tha được truyền lại. Và cũng tin chắc rằng, thông qua tiểu sử, thành tích hoạt động cách mạng của các bậc anh hùng mà thế hệ trẻ sẽ hiểu rõ hơn hai chữ cống hiến, hiểu rõ hơn khí phách và bản lĩnh của người An Giang qua những “chân dung anh hùng” đầy sống động. Để rồi, họ sẽ tự hỏi: “Mình đã làm được gì cho Tổ quốc hôm nay”!

Phòng lịch sử Đảng

* Theo thống kê chưa đầy đủ, tỉnh An Giang có 05 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
39999321