Truy cập hiện tại

Đang có 241 khách và không thành viên đang online

Anh hùng Trương Khánh Châu

(TGAG)- Ra đời trong điều kiện hết sức khó khăn, thiếu thốn và tương đối muộn (22-10-1963) so với các quân chủng của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, song các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong Quân chủng Phòng không - Không quân đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, gian khổ và hy sinh để lập nên nhiều chiến công hiển hách, cùng toàn quân, toàn dân đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ.

 
Đặc biệt là chiến công vĩ đại “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” 12 ngày đêm cuối năm 1972, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam; tạo tiền đề cho thắng lợi của sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong thành tích vẻ vang ấy nổi rõ lên nét đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của lòng dũng cảm, trí tuệ và tinh thần sáng tạo không ngừng của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân anh hùng trong việc làm chủ vũ khí trang bị, vừa chiến đấu vừa cải tiến khí tài kỹ thuật đáp ứng những đòi hỏi khắc nghiệt trong cuộc đối đầu lịch sử với không lực Hoa Kỳ - lực lượng hiện đại và hùng hậu bậc nhất thế giới thời bấy giờ. Trong đó, phải kể đến Thượng úy Trương Khánh Châu – Kỹ sư sửa chữa máy bay thuộc phòng Kỹ thuật Sư đoàn 371, Bộ Tư lệnh Phòng không – Không quân, người con ưu tú của quê hương An Giang.

Trương Khánh Châu tên thật là Trương Minh Trinh sinh năm 1935 tại xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Cha là Trương Minh Vẽn, làm thợ điện ở Nhà máy đèn. Ảnh hưởng từ cha, anh có lòng ham mê học kỹ thuật từ nhỏ. Trương Khánh Châu tham gia cách mạng từ tháng 11/1949 với nhiệm vụ làm thư ký cho Đoàn Thanh niên cứu quốc tỉnh Long Châu Hậu. Tháng 5-1950, tham gia chiến đấu ở bộ đội địa phương. Tháng 3/1955, tập kết ra Bắc, anh được phong làm thợ đặc thiết sân bay Gia Lâm - Hà Nội. Anh mong muốn đi học ngành Kỹ thuật hàng không. Trong tâm trí anh lúc đó chỉ ước mơ trở thành thợ bậc cao để phục vụ cho Tổ Quốc. Chính lòng đam mê kỹ thuật đã định hướng cuộc đời anh trở thành một nhà khoa học cống hiến nhiều công trình cho đất nước.

Ngay từ khi còn là người thợ đặc thiết sân bay Gia Lâm, anh có sáng kiến cải tiến hệ thống phanh cho máy bay AN2. Nhận thấy tiềm năng ở người thợ trẻ, tổ chức cử anh đi học Đại học Hàng không Ki-ép ở Liên Xô. Sau đó, anh được sang Trung Quốc thực tập kỹ thuật hàng không.

Trở về nước trong tình hình cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ ở miền Bắc hết sức ác liệt. Những sáng kiến phục vụ chiến đấu và huấn luyện của đồng chí phục vụ tình hình cấp bách lúc ấy. Những đóng góp to lớn và đặc biệt xuất sắc trong cuộc đời binh nghiệp của đồng chí Trương Khánh Châu gắn liền với những “cánh én bạc” oai hùng thuộc Sư đoàn không quân 371 (hay còn gọi là Sư đoàn không quân Thăng Long) - Sư đoàn không quân đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, thành lập vào ngày 24-3-1967.

Giai đoạn 1966 - 1973 là những năm tháng ác liệt của quân và dân miền Bắc khi phải đương đầu với hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ. Không quân Việt Nam non trẻ được hình thành chưa lâu, cơ sở vật chất, trang bị khí tài thiếu thốn lại có thể đương đầu và giành chiến thắng trước một lực lượng không quân quy mô, hiện đại của đế quốc Mỹ thì đó như là câu chuyện cổ tích của thế kỷ XX. Song, thực tế lịch sử đã giải đáp được rằng, thắng lợi đó dựa trên ý chí, bản lĩnh và trí tuệ của con người Việt Nam - điều mà những chính khách Hoa Kỳ phải mất nhiều năm để hiểu, để đánh giá hết và rút ra được nguyên nhân thất bại trong cuộc chiến tàn khốc mà họ đã gây ra cho nhân dân Việt Nam.

Trong giai đoạn khó khăn, ác liệt ấy, tình hình chiến sự cấp bách đặt ra yêu cầu cho bộ đội không quân nước ta, mà trực tiếp là bộ phận hậu cần kỹ thuật phải nêu cao tinh thần “tự lực cánh sinh” trong việc sửa chữa, khắc phục hỏng hóc khí tài trang bị, đảm bảo sẵn sàng phục vụ chiến đấu trong mọi tình huống. Là người được phân công nhiệm vụ kiểm tra mức độ hư hỏng để phân cấp, hướng dẫn và trực tiếp sửa chữa, đồng chí Trương Khánh Châu đã cùng đồng đội trong tổ kỹ thuật sửa chữa được 221 lần chiếc máy bay, có nhiều trường hợp hư hỏng nặng, về nguyên tắc phải gửi ra nước ngoài để sửa chữa, thay thế linh kiện khí tài hoặc phải mời chuyên gia nước ngoài sang để giúp đỡ vì điều kiện trong nước lúc bấy giờ hết sức khó khăn, thiếu thốn. Tuy nhiên, tình hình chiến sự cấp bách, ta không có đủ thời gian lẫn kinh phí để thực hiện những điều đó. Thế là, đồng chí Trương Khánh Châu cùng đồng đội quyết tâm tự lực sửa chữa, chịu khó nghiên cứu làm chủ kỹ thuật, tích cực học tập kinh nghiệm để tự lực cải tiến những bộ phận hỏng hóc của máy bay để đảm bảo kịp thời phục vụ chiến đấu.

Chiến đấu với mật độ đánh phá liên tục và dày đặc của không quân địch, chiến đấu cơ của không quân ta phải hoạt động ở tầng suất cao, yêu cầu đảm bảo máy bay sẵn sàng chiến đấu được đặt lên hàng đầu, khối lượng công việc của bộ phận chuyên môn kỹ thuật vì thế cũng hết sức nặng nề. Với phương châm “không mang hỏng hóc lên bầu trời”, “tất cả vì những chuyến bay an toàn, thắng lợi”, tổ kỹ thuật của đồng chí Trương Khánh Châu luôn nêu cao tinh thần tận tụy, làm việc bất kể ngày đêm, bất kỳ lúc nào có máy bay hư hỏng là Trương Khánh Châu lại đến tận nơi để kiểm tra, tìm hiểu để có phương án khắc phục trong thời gian ngắn nhất.

Để hạn chế năng lực đánh chặn của không quân Việt Nam, đế quốc Mỹ cho tập trung đánh phá vào các sân bay, phá hủy đường băng cất và hạ cánh. Bộ đội ta phải chuyển sang các sân bay dã chiến, xuất kích chiến đấu trên những đường băng ngắn, hẹp. Vấn đề là việc hạ cánh trên những đường băng ngắn là rất khó đối với những chiếc MIG 17.  Quyết tâm khắc phục khó khăn đó, đồng chí Trương Khánh Châu đã nghiên cứu thành công việc cải tiến vị trí và diện tích lắp dù hãm tốc trên MIG 17, đảm bảo việc hạ cánh an toàn trên đường băng ngắn. Ngoài ra, đồng chí còn nghiên cứu thành công việc lắp thêm hệ thống mang bom với khối lượng 500 kg trên loại máy bay trinh sát chuyên dùng mà vẫn giữ được cơ động chiến đấu tốt.

Qua tham khảo tài liệu nước ngoài kết hợp với điều kiện chiến đấu thực tiễn ở Việt Nam, đồng chí Trương Khánh Châu đã biên soạn nhiều tài liệu có giá trị như: Quy trình sửa chữa vỏ bọc MIG 17; Đo thăng bằng máy bay MIG 15, MIG 17, MIG 19; Nguyên lý bay siêu âm; Cơ học chế tạo máy bay;… Đồng thời, đồng chí còn đề xuất mở nhiều lớp bồi dưỡng kỹ thuật gò, vá, hàn cho anh em lính thợ toàn binh chủng, trong đó trực tiếp bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho 27 người, nhờ vậy mà hầu hết những tổ sửa chữa ở các tiểu đoàn, trung đoàn đều đảm nhận được nhiệm vụ sửa chữa máy may bị hư hỏng ở mức độ trung bình.

Những sáng kiến cải tiến kỹ thuật của đồng chí Trương Khánh Châu đã đóng góp tích cực vào thành tích chiến đấu vẻ vang của Sư đoàn không quân 371 nói riêng và thắng lợi vẻ vang của bộ đội không quân Việt Nam, quân và dân miền Bắc nói chung trong cuộc chiến đấu chống lại chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đặc biệt là chiến công vĩ đại “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Với những đóng góp to lớn như vậy, ngày 31-12-1973, đồng chí Trương Khánh Châu đã được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

Niềm đam mê kỹ thuật và sự phấn đấu không ngừng cho khoa học đã là động lực cho trung tướng Trương Khánh Châu trở thành một trong những cánh chim đầu đàn kỹ thuật của toàn quân, góp phần quan trọng xây dựng ngành kỹ thuật toàn quân.

Quá trình chiến đấu, công tác, đồng chí Trương Khánh Châu vinh dự được tặng thưởng: Huân chương Chiến công Hạng Nhì; Huân chương Chiến công Hạng Ba; 03 lần được tuyên dương danh hiệu Chiến sĩ Quyết thắng; 13 bằng khen và giấy khen các loại; cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Ngoài ra, đồng chí còn được Viện Hàn lâm Khoa học Hàng không Nga công nhận là Viện sĩ bởi những đóng góp đặc biệt xuất sắc trong lĩnh vực hàng không. Từ một kỹ sư ngành hàng không, đồng chí đã phấn đấu học tập không ngừng và trở thành tiến sĩ khoa học kỹ thuật.

Trước lúc nghỉ lưu, đồng chí là Trung tướng, nguyên Phó Tư lệnh Quân chủng không quân, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng giám đốc Trung tâm khoa học kỹ thuật công nghệ quân sự Bộ Quốc phòng.

Phòng Lịch sử Đảng



Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
39961912