Truy cập hiện tại

Đang có 215 khách và không thành viên đang online

Nguyễn Hữu Nghi - Đại biểu Quốc hội đầu tiên đơn vị tỉnh Long Xuyên

(TGAG)- Ông Nguyễn Hữu Nghi (thường gọi thầy Ba Dĩ), sinh năm 1894 trong một gia đình khá giả ở làng Bình Thành, tổng Phong Thạnh Thượng, quận Chợ Mới, tỉnh Long Xuyên (nay là xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp).

 
Gia đình ông ruộng đất “cò bay thẳng cánh”, bạt ngàn giữa Tháp Mười mênh mông nên cho tá điền canh tác. Thầy ba Dĩ  giàu có, nổi tiếng khắp vùng nhưng rất căm ghét bọn Tây cướp nước, hà hiếp dân mình. Ông bài Tây theo cách của mình: không mặc đồ Tây, chỉ mặc trang phục dân tộc, không gả con gái cho người Việt làm quan cho Tây… tinh thần yêu nước thiết tha với dân tộc khiến mọi người rất kính trọng ông.

Chuẩn bị cướp chính quyền Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở địa phương, ông ủng hộ bằng nhiều cách: ủng hộ tài chính, mua súng, phục rượu bọn lính lấy súng giao nộp cho chính quyền cách mạng…). Thời điểm cực kỳ khan hiếm về vũ khí, ông giao nộp cho cách mạng 12 khẩu súng trường, góp phần giành chính quyền thắng lợi.

Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền cách mạng còn non trẻ, khó khăn, thiếu thốn trăm bề; hưởng ứng lời kêu gọi của chính quyền cách mạng, với niềm phấn khởi của người dân được tự do, ông tiếp tục đóng góp cho cách mạng, hiến hàng chục mẫu ruộng để chia cho dân nghèo, đóng góp mấy trăm ký đồng thau, vàng bạc theo lời kêu gọi của chính quyền cách mạng chuẩn bị kháng chiến; cung cấp nhiều tiền, gạo, nuôi chứa bộ đội Vệ quốc đoàn…

Ngày 06/01/1946, ông Nguyễn Hữu Nghi được nhân dân tín nhiệm bầu vào Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đơn vị tỉnh Long Xuyên cùng với 3 người khác là Ung Văn Khiêm, Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, Bác sĩ Dương Văn Ân.

Khi Pháp trở lại tái chiếm Chợ Mới, Long Xuyên gây cảnh chiến tranh loạn lạc, chính quyền cách mạng và bà con Chợ Mới chạy qua vùng giải phóng lánh nạn, được thầy Ba Dĩ giúp đỡ rất tận tình về mọi mặt.

Ngày 15/3/1947, ông bị bọn phản động ở địa phương bắt giết tại xã nhà. Sự hy sinh của ông để lại niềm tiếc thương cho gia đình và quê hương. 

Đất đai của ông phần lớn bị giặc chiếm đoạt đóng đồn bót (cả Pháp, Dân xã Đảng, chính quyền Sài Gòn…). Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cháu nội của ông là Nguyễn Hữu Đức (hưởng quyền thừa kế phần hương hỏa của ông nội) đã ký giấy hiến phần đất rộng gần một hecta cho Nhà nước xây dựng trụ sở UBND xã Bình Thành, trường học, công viên thiếu nhi, bưu điện văn hóa xã… phục vụ nhân dân.

Tấm gương yêu nước, hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của ông Nguyễn Hữu Nghi được Tổ quốc ghi công, nhân dân nhớ ơn, địa phương ghi vào sử sách. Tên ông được đặt cho trường Tiểu học kháng chiến Nguyễn Hữu Nghi thời 9 năm./.

Phòng lịch sử Đảng

_____________

Nguồn: Đồng Tháp, nhân vật chí. Xuất bản năm 2005.

 

Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36976957