Truy cập hiện tại

Đang có 97 khách và không thành viên đang online

Công tác Lịch sử Đảng

Kinh nghiệm tổ chức nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng bộ địa phương

(TGAG)- Với bề dày lịch sử 260 năm (1757 - 2017) hình thành và phát triển, nay Châu Đốc đã vươn lên trở thành thành phố du lịch trẻ, năng động, thu hút hàng triệu du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng mỗi năm. Ban Tuyên giáo Thành ủy xác định tầm quan trọng, ý nghĩa của việc biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương nên trong 15 năm (2002 - 2016) đã tiến hành thực hiện, xuất bản 13 ấn phẩm với tổng kinh phí gần 800 triệu đồng từ ngân sách thành phố nhằm ghi nhận lại những đóng góp to lớn của các bậc tiền nhân và lãnh đạo Đảng bộ Châu Đốc qua các thời kỳ, đồng thời để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được.



Hiện nay, Châu Đốc đang trong quá trình thực hiện tái bản Lịch sử Đảng bộ thành phố giai đoạn 1930 -2015; biên soạn Lịch sử Lực lượng vũ trang thành phố Châu Đốc 1945 -2015 và giới thiệu các di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia trên địa bàn thành phố, dự kiến cuối năm 2017 sẽ hoàn thành.

Đạt được những kết quả trên là nhờ sự quan tâm hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (từ khâu tập huấn đến thẩm định) nên hầu hết các ấn phẩm lịch sử đều đạt chất lượng khá cao; cấp ủy thành phố quan tâm lãnh, chỉ đạo, tạo điều kiện và cấp kinh phí theo kế hoạch của Ban Tuyên giáo và các Đảng ủy xã, phường nên việc tổ chức thực hiện cơ bản đúng tiến độ đề ra; đặc thù địa giới hành chính Châu Đốc có 7 xã, phường nên việc tiến hành thực hiện biên soạn thuận lợi hơn so với nhiều huyện, thị.

Qua quá trình thực hiện, Ban Tuyên giáo Châu Đốc rút ra được một số kinh nghiệm trong việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương như sau:

1- Xây dựng kế hoạch biên soạn ngay từ đầu năm, có phân công trách nhiệm cụ thể: người biên soạn; thời gian tiến hành và hoàn thành; kinh phí thực hiện; số lượng in ấn; thẩm định...

2- Tham mưu cấp ủy kế hoạch này (khoảng thời gian dự trù kinh phí hoạt động cho năm mới). Đối với Châu Đốc do có 7 xã, phường nên làm kế hoạch thực hiện một lượt. Đối với các đơn vị có nhiều xã, phường, thị trấn thì nên chia đợt để thực hiện.

3- Thành lập ban chỉ đạo, ban biên soạn, phụ trách giúp việc. Để tiết kiệm kinh phí, không nên cơ cấu quá nhiều thành viên không cần thiết. Cụ thể: ban biên soạn chỉ cần hợp đồng 01 người biên soạn (có trình độ kiến thức về lịch sử, có trách nhiệm và hiểu rõ về địa phương); 01 - 02 người phụ trách giúp việc (có chuyên môn về lịch sử).

4- Sưu tầm tài liệu: Ban Tuyên giáo chịu trách nhiệm mà trực tiếp là người biên soạn và phụ trách giúp việc thực hiện. Có thể liên hệ đến tổ chức, đơn vị nhờ cung cấp tài liệu hoặc tìm đến các nhân chứng lịch sử khi có những vấn đề chưa rõ, cần giải đáp thắc mắc. Lưu ý, khi tìm đến nhân chứng lịch sử cho dù tiếp nhận thông tin ít hay nhiều đi nữa thì cũng nên bồi dưỡng, để cho thấy sự trân trọng với những nhân chứng lịch sử.

5- Tọa đàm: để buổi tọa đàm đạt chất lượng cao và thu về kết quả khả quan. Trước đó, bản thảo lịch sử phải cơ bản hoàn thành và được Ban Tuyên giáo thông qua. Sau đó, bản thảo (trong đó có kèm những câu hỏi gợi ý thảo luận) gửi đến đại biểu 2-3 tuần trước khi tiến hành tọa đàm để đại biểu có thời gian nghiên cứu bản thảo và đóng góp đúng hướng. Sau khi tọa đàm xong, tiến hành hoàn chỉnh bản thảo thông qua Hội đồng thẩm định cấp thành phố.

6- Tham mưu thành lập Hội đồng thẩm định cấp thành phố, trong đó bao gồm: Phó bí thư thường trực - chủ tịch; Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy - phó chủ tịch; 01 Phó trưởng Ban Tuyên giáo - thành viên; 01 thạc sĩ sử học - thành viên; 01 cử nhân sử học - thư ký. Hội đồng thẩm định này có trách nhiệm thẩm định toàn bộ ấn phẩm lịch sử của địa phương, các thành viên ngồi lại với nhau tiến hành góp ý, bổ sung, chỉnh sửa những nội dung chưa hợp lý, sau đó thư ký tham mưu văn bản hồi đáp của Hội đồng. Đồng thời, bản thảo lịch sử có thể tiến hành thẩm định nhiều lần nếu chưa đạt yêu cầu.

7- Trình Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thẩm định và Sở Thông tin Truyền thông cấp giấy phép để tiến hành hợp đồng in ấn, phát hành và sử dụng.

8- Việc sử dụng và khai thác nội dung lịch sử địa phương được thực hiện hằng năm qua cuộc thi tìm hiểu về lịch sử dân tộc của các đoàn thể chính trị, ngành giáo dục thành phố; các cuộc thi hái hoa dân chủ ở các chi, đảng bộ trực thuộc Thành ủy. Ở các lớp bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị như đối tượng phát triển đảng, đảng viên mới, TTBDCT thành phố đều tổ chức các buổi du khảo về nguồn, đến các khu di tích văn hóa lịch sử nổi tiếng trong tỉnh và địa bàn thành phố Châu Đốc, nhằm giúp học viên hiểu biết thêm về các khu di tích, cũng như những đóng góp của các bậc tiền nhân trong tỉnh. Bên cạnh đó, Ban Tuyên giáo Thành ủy Châu Đốc lồng ghép trong những lần hội nghị báo cáo viên báo cáo về các di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia trên địa bàn thành phố và tham gia thẩm định các đề án, công trình liên quan đến lịch sử văn hóa thành phố, nhằm giúp mọi người hiểu rõ hơn về các giá trị văn hóa truyền thống lịch sử của địa phương.

Tuy nhiên, việc khai thác và sử dụng ở Châu Đốc thời gian qua chưa được thực hiện thường xuyên và đồng bộ. Tại các trường học trên địa bàn chỉ lồng ghép giảng dạy môn lịch sử địa phương theo quy định của Bộ Giáo dục. Đồng thời, Ban Tuyên giáo Châu Đốc cũng chưa tìm được cách nào để đưa lịch sử Đảng bộ địa phương vào trường học để giáo dục đồng loạt (diện rộng), chứ không chỉ dừng lại ở hội thi.

Sắp tới, sau khi hoàn thành ấn phẩm “Giới thiệu các di tích cấp quốc gia thành phố”, Ban Tuyên giáo Thành ủy kết hợp Đài Truyền thanh thành phố đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến mọi người dân hiểu rõ hơn về những bậc tiền nhân có công khai mở Châu Đốc Tân Cương và công trình di tích lịch sử nổi tiếng trên địa bàn thành phố./.

VÕ THỊ TUYẾT SƯƠNG
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Châu Đốc
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40692176