Truy cập hiện tại

Đang có 54 khách và không thành viên đang online

Công tác Lịch sử Đảng

Tôn vinh tấm gương Anh hùng liệt sĩ Huỳnh Thị Hưởng

(TGAG)- Chị Huỳnh Thị Hưởng (bí danh Sáu Hồng), sinh năm 1945 trong một gia đình trung nông theo đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, tại ấp An Ninh, xã Hội An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Thân sinh là ông Huỳnh Văn Đê và thân mẫu là bà Nguyễn Thị Huôi.

Chị Huỳnh Thị Hưởng thứ sáu trong gia đình có chín anh chị em. Học hết tiểu học ở trường làng, mới 15 tuổi, Chị đã thoát ly gia đình tham gia kháng chiến. Năm 18 tuổi, Chị được kết nạp vào Đảng, ít lâu sau chị được bầu Chi ủy viên Chi bộ xã Hội An, được phân công Hội trưởng phụ nữ xã kiêm Xã đội phó. Dù phụ trách công tác phụ nữ nhưng Chị rất xông xáo hoạt động vũ trang, diệt ác, bao vây đồn bót địch. Anh em du kích rất kính nể Chị. Chị có biệt tài bắn súng và gài trái rất nhanh, có sáng kiến đục lỗ trong thân cây để gài lựu đạn vào rồi dán truyền đơn lên, lính ngụy phát hiện truyền đơn xúm lại xé và lựu đạn nổ gây thương vong. Bọn lính rất khiếp sợ oai danh “xuất quỷ nhập thần” của Sáu Hồng.

Ngày 14-7-1965 (nhằm ngày 16-6-1965 âm lịch), lúc hỗ trợ đồng đội thực hiện nhiệm vụ diệt xã trưởng Hoanh trong dịp cúng đình, bị chỉ điểm, Chị sa vào tay giặc. Liên tục trong 3 ngày, đối diện với kẻ thù tàn bạo, từ bọn tề ngụy xã cho đến cố vấn Mỹ tra tấn bằng những nhục hình man rợ, Chị vẫn dũng cảm, kiên định phi thường, không khuất phục. Chúng lôi Chị ra chợ Cái Tàu để khủng bố tinh thần quần chúng. Chị điềm tĩnh, hiên ngang nhắn lại với đồng bào, đồng đội “Bà con an tâm, tôi không khai báo gì, tôi có chết còn nhiều người khác làm cách mạng. Cách mạnh nhất định sẽ thắng lợi”. Bất lực, tức tối trước sự gan góc của người con gái Hội An, đêm 17 rạng ngày 18-7-1965 (nhằm đêm 19 rạng ngày 20-6-1965 âm lịch), kẻ thù đã hành quyết Chị một cách rất dã man... Sáng ra, người dân thấy xác người con gái chỉ mới đôi mươi nằm vất vưởng bên bờ kinh Cái Tàu với hình hài chẳng còn nguyên vẹn vì sự dã man, khát máu, vô nhân đạo của bọn xâm lược và bè lũ tay sai.

Sự hy sinh trong khí tiết hiên ngang, quật cường của Chị Huỳnh Thị Hưởng đã cổ vũ các thế hệ quân dân Hội An, Chợ Mới noi gương, tiếp bước, đẩy mạnh hoạt động kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đầy gian lao, ác liệt cho đến ngày thắng lợi.

Sau khi hòa bình được lập lại, quê hương sạch bóng quân thù, cả nước thống nhất, bắt tay hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Ngày 29 tháng 3 năm 1985, Hội đồng Nhà nước đã ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ tranh nhân dân cho liệt sĩ Huỳnh Thị Hưởng.

Để ghi nhớ công lao của Anh hùng liệt sĩ Huỳnh Thị Hưởng, thời gian qua Đảng bộ, Chính quyền và các ngành, các cấp tỉnh An Giang đã có nhiều hình thức tôn vinh như: Lấy tên Huỳnh Thị Hưởng đặt tên trường học, đường phố; vinh danh Chị trong các ấn phẩm lịch sử Đảng, địa chí; làm phim, sáng tác văn học nghệ thuật về tấm gương hy sinh của Chị; tổ chức hội thi tìm hiểu về cuộc đời của Chị…

Nhằm tiếp tục tôn vinh tấm gương dũng cảm, gan dạ của Anh hùng liệt sĩ Huỳnh Thị Hưởng, ngày 25-11-2016, Ban Thường Vụ Tỉnh ủy đã ra Thông báo số 60-TB/TU kết luận “Thống nhất chủ trương để Ban Thường vụ Huyện ủy Chợ Mới phối hợp với các sở, ngành chức năng tổ chức các hoạt động tôn vinh tấm gương Anh hùng lực lượng vũ tranh nhân dân, liệt sĩ Huỳnh Thị Hưởng”.

Thực hiện Thông báo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy Chợ Mới đã ban hành Kế hoạch số 34-KH/TU ngày 15-3-2017 về tổ chức chuỗi hoạt động tôn vinh Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Huỳnh Thị Hưởng với các nội dung như sau:

Thứ nhất, tổ chức hội thảo khoa học về Anh hùng lực lượng vũ tranh nhân dân Huỳnh Thị Hưởng nhằm  bổ sung tư liệu liên quan về cuộc đời, tấm gương chiếu đấu, hy sinh của Chị trong thời kỳ khánh chiến chống Mỹ, cứu nước trên địa bàn xã Hội An, huyện Chợ Mới giai đoạn 1960-1965; đánh giá công lao của Chị trên các lĩnh vực chính trị, quân sự. Dựa trên kết quả hội thảo tiến hành biên tập, xuất bản sách tham khảo chuyên đề phục vụ học tập, nghiên cứu, giáo dục truyền thống; phong phú nguồn tư liệu, hiện vật lịch sử để cấp ủy, chính quyền xã Hội An xây dựng Nhà trưng bày; xác lập căn cứ khoa học để đề xuất đặt tên cho một số công trình công cộng và tổ chức trại sáng tác văn học – nghệ thuật về Anh hùng liệt sĩ Huỳnh Thị Hưởng.


Thứ hai,
tổ chức sưu tầm tư liệu, hiện vật lịch sử liên quan Anh hùng liệt sĩ Huỳnh Thị Hưởng nhằm tập hợp, lưu giữ và phát huy công năng giáo dục truyền thống của các nguồn sử liệu, hiện vật liên quan; trưng bày phục vu nhu cầu tìm hiểu, học tập, tham quan của nhân dân, du khách.

Thứ ba, tổ chức trại sáng tác tổng hợp các tác phẩm văn học – nghệ thuật với chủ đề “Anh hùng Huỳnh Thị Hưởng với truyền thống đấu tranh cách mạng của quân và dân xã Hội An” nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm, động viên văn nghệ sĩ, nhà báo, cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương trong việc tuyên truyền, giáo dục, giữ gìn và phát huy truyền thống cách mạng của quê hương; quảng bá hình ảnh vùng đất và con người Hội An; đồng thời góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân địa phương.

Thứ tư, xây dựng nhà trưng bày hiện vật lịch sử, tượng chân dung Anh hùng liệt sĩ Huỳnh Thị Hưởng; phục dựng nhà chị Huỳnh Thị Hưởng và một số địa chỉ đỏ tiêu biểu trong vùng Hội An nhằm bảo tồn, lưu giữ và phát huy công năng giáo dục truyền thống của các hiện vật, tư liệu lịch sử Anh hùng liệt sĩ Huỳnh Thị Hưởng và tiến trình đấu tranh cách mạng của quân dân Hội An, phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu, học tập, du khảo về nguồn…; tạo không gian kính viếng, tưởng niệm trang nghiêm trong các dịp lễ kỷ niệm và sinh hoạt truyền thống của địa phương.

Thứ năm, thực hiện phim tư liệu hoặc phóng sự tài liệu về Anh hùng liệt sĩ Huỳnh Thị Hưởng và căn cứ địa Hội An nhằm đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, giáo dục về tấm gương Anh hùng liệt sĩ Huỳnh Thị Hưởng và truyền thống cách mạng của quê hương Hội An, Chợ Mới.

Thứ sáu, tổ chức lễ hội truyền thống định kỳ 5 năm và lễ tưởng niệm hàng năm ngày hy sinh của Anh hùng liệt sĩ Huỳnh Thị Hưởng nhằm tôn vinh công lao, tấm gương chiến đấu và hy sinh của Anh hùng liệt sĩ Huỳnh Thị Hưởng và các anh hùng liệt sĩ trong hai cuộc kháng chiến cứu nước trên quê hương; động viên, khích lệ nhân dân nâng cao ý thức giữ gìn và phát huy nét đẹp truyền thống; thu hút sự quan tâm của mọi tầng lớp nhân dân, từng bước nâng hoạt động kỷ niệm trở thành dấu ấn nổi bật của địa phương, tạo động lực cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Thực hiện Kế hoạch trên, ngày 14-4-2017, Huyện ủy, UBND huyện Chợ Mới đã phối hợp với Hội Khoa học lịch sử tỉnh An Giang tổ chức Hội thảo khoa học “Tấm gương chiến đấu và hy sinh của Anh hùng liệt sĩ Huỳnh Thị Hưởng trong kháng chiến chống Mỹ”.

Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 50 bài tham luận của đồng chí, đồng đội của Chị Huỳnh Thị Hưởng và các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong và ngoài tỉnh. Trong đó có 37 bài phù hợp chủ đề được in trong kỷ yếu. Tại Hội thảo, đại biểu đã được nghe báo cáo đề dẫn, 7 tham luận và 3 ý kiến phát biểu của người thân Chị Huỳnh Thị Hưởng. Hội thảo đã làm rõ và thống nhất nhiều nội dung quan trọng về năm sinh, ngày mất và quá trình hoạt động cách mạng, hy sinh anh dũng của Anh hùng liệt sĩ Huỳnh Thị Hưởng và ghi nhận nhiều ý kiến đề xuất các giải pháp góp phần tôn vinh tấm gương Anh hùng liệt sĩ Huỳnh Thị Hưởng.

Kết quả Hội thảo được Huyện ủy, UBND huyện Chợ Mới và Hội Khoa học lịch sử tỉnh An Giang ghi nhận, nghiên cứu, làm căn cứ khoa học để thực hiện các hoạt động tiếp theo trong chuỗi hoạt động tôn vinh Anh hùng liệt sĩ Huỳnh Thị Hưởng./.

THÀNH NHÂN



Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
39941057