Truy cập hiện tại

Đang có 149 khách và không thành viên đang online

Công tác Lịch sử Đảng

Ý nghĩa, tác động của “Tết” Mậu Thân 1968 trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

(TGAG)- Có lẽ, khi cuộc chiến giữa tự do với áp bức, thống nhất với chia cắt ở miền Nam Việt Nam còn chưa kết thúc, chung cuộc chưa rõ ràng thì tầm quan trọng của cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 vẫn chưa được đánh giá một cách đầy đủ, bởi cần có độ lùi nhất định của thời gian để thấu đáo. Tuy nhiên, có một điều xem ra quá rõ ràng là lịch sử sẽ không bao giờ quên “sự kiện Tết” đầy chấn động, và sách báo Mỹ đã dùng nguyên xi chữ Tết vào ngôn ngữ tiếng Anh để nói về đặc thù của cuộc tấn công Tết Mậu Thân.

Lúc bấy giờ, có lẽ chỉ Bộ Chính trị, Ban Tham mưu chiến địch mới hiểu rõ cuộc tổng tấn công “Tết” nhằm mục tiêu gì và nhân dân Việt Nam sẵn sàng trả giá như thế nào cho mục tiêu đó. Chiều ngược lại, Nhà trắng hoặc Lầu Năm góc cũng có thể đoán được - chẳng hạn một chiến thắng huy hoàng!? Điều đó cũng dễ đoán với bất cứ ai, nếu biết rằng, đó là ước mơ cháy bỏng của toàn thể nhân dân Việt Nam, của những người lính cụ Hồ đã chiến đấu ròng rã suốt hơn 20 năm trước đó vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước, tất nhiên kể cả 9 năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp.

Song, các nhà lãnh đạo tài ba của nhân dân Việt Nam và những người lính mặc áo màu xanh của núi rừng hoặc bộ bà ba den, chân đi dép cao su, đầu đội nón tai bèo chắc hẳn không đặt một thắng lợi hoàn toàn lên vị trí ưu tiên khi vạch ra kế hoạch tấn công - mặc dù, nếu điều đó xảy đến là quá tốt. Mục tiêu rõ ràng và chắn chắc hơn được đặt ra là giành một “thắng lợi quyết định” - đòn quyết định ấy với những kết quả chính trị của nó có giá trị và ý nghĩa quyết định đến cục diện cuộc chiến, cho dù kết quả về mặt quân sự có thể hạn chế.

Quả thật, sau Mậu Thân 1968, các tướng lĩnh quân đội Mỹ và Sài Gòn say sưa với những chiến tích được tung hô là giành lại được những dãy nhà, góc phố, trụ sở công vụ ở các thành phố, thị xã, to hơn là Đại sứ quán Mỹ bị quân cách mạng tấn công chiếm giữ gần 7 giờ liền; họ không mải mai nghĩ đến những hệ quả chính trị từ cuộc tấn công, mà sức cộng hưởng của nó lan cả sang phương Tây và đến tận nước Mỹ xa xôi.

Nhờ báo chí và tin tức truyền hình, ai cũng rõ kết quả quân sự của quân giải phóng đã bị chững lại sau các đợt phản công của quân đội Mỹ và Sài Gòn, nhưng kỹ thuật điện tử với tốc độ truyền tải tin tức gấp 30 vạn lần tốc độ của một viên đạn bắn ra từ họng súng của người chiến sĩ giải phóng cũng nhanh chóng truyền tải thất bại về chính trị mà chính phủ Hoa Kỳ phải đối mặt - mất lòng tin nơi dân chúng và sự phân hóa ghê gớm trong chính giới. Thời báo New York, số ra ngày 2.1.1968 viết về sự kiện Mậu Thân có đoạn: “Hậu quả chính trị do thắng lợi đáng kinh ngạc của Việt Cộng gây ra lần này mới là nguy hại nhất”; Tờ Le Combat của Pháp, số ra ngày 1.2.1968 khẳng định: “Điều hiển nhiên là người Mỹ đã thua đứt về mặt chính trị trong cuộc chiến tranh này. Những gì đã xảy ra ở Sài Gòn đủ cho thấy Mặt trận Dân tộc giải phóng đã nắm được các tầng lớp nhân dân trong mức độ to lớn biết chừng nào!”. Trong khi đó, Tờ Der Spiegel của Đức, số ra ngày 12.2.1968 viết: “Tuy là Việt Cộng không thể đuổi nửa triệu lính Mỹ được trang bị tốt nhất ra khỏi đất liền của miền Viễn Ấn - và có lẽ họ cũng không chờ đợi việc này. Việc mà những người Cộng sản Việt Nam dự tính nhiều hơn là giới chính khách Mỹ sẽ hoài nghi các tướng lĩnh quá lạc quan của nước Mỹ và dân chúng Mỹ sẽ thúc dục tổng thống của họ chấm dứt cuộc phiêu lưu không có triển vọng ở Việt Nam”.

Với các nhà sử học như Gabriel Kolko, Giải phẩu một cuộc chiến tranh, New York, 1985 thì đánh giá: “Cuộc tiến công Tết là sự kiện quan trọng nhất và phức tạp nhất của chiến tranh Việt Nam” và “Việt Nam đã trở thành cuộc chiến tranh nước ngoài đầu tiên của Mỹ kể từ năm 1882 đã gây ra cuộc khủng hoảng xã hội, nội bộ sâu sắc và một sự phân hóa về chính trị”. Hay người trong cuộc như Westmoreland, Một quân nhân tường trình, New York, 1976 đã hồi tưởng và liên tưởng với quá khứ khi viết về Mậu Thân: “Chiến tranh đã trở thành một vấn đề chính trị với triển vọng địch (tức giải phóng quân) có thể thắng ở Washington như họ đã thắng ở Genève 1954. Ý chí của các chính khách Mỹ đang suy giảm”.

Từ ba năm trước sự kiện tết Mậu Thân, phong trào phản chiến trong lòng nước Mỹ đã nổ ra, từ các giảng đường đại học đến ngoài xã hội, năm 1968, phong trào đã thực sự bùng phát với nhiều cuộc mít tinh, biểu tình lan ra toàn quốc, nhất là phong trào do tổ chức Sinh viên vì một xã hội dân chủ và tổ chức Cựu binh Việt Nam chống chiến tranh tiến hành, mà trong đó có cả Luthur King - vị mục sư được giải Nobel về hòa bình, John Kerry - người sau này trở thành thượng nghĩ sĩ và nhiều nhân vật có tiếng khác tham gia, cộng với những cái chết tự thiêu của Alixo Hec, Norman Morison, Roert La Pooc, nghiễm nhiên nó trở thành một cú sốc đối với cả nước Mỹ, thúc dục những ai có lương tri làm tất cả những gì để chấm dứt một cuộc chiến mất lương tri và hoàn toàn phi đạo đức.

Xem ra bước ngoặt then chốt của cuộc chiến đã thực sự xảy ra sau cuộc tổng tiến công “Tết” do giải phóng quân tiến hành, Lầu Năm góc thừa nhận: “Cuộc tiến công Tết 1968 của Quân giải phóng, tuy đã được đoán trước”; nhưng “đã làm bộ chỉ huy Mỹ và công chúng Mỹ thật sự bất ngờ, và sức mạnh, thời gian, cường độ của nó làm cho sự bất ngờ càng kéo dài thêm”. Đó là một sự kéo dài không có lợi, buộc Tổng thống Johnson phải tìm ra lối thoát bằng một giải pháp hòa bình, rút lui trong danh dự - danh dự trong bi đát - của một cường quốc đứng đầu, và ngày 31.3.1968, ông đã ra lệnh ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 đến vĩ tuyến 16, ngồi vào bàn hội nghị thương lượng với Hà Nội. Những điều bi đát được che đậy bằng các ngôn từ hoa mỹ được cần cù “sản xuất” qua các báo cáo trong suốt thời gian đầu của cuộc chiến mà Mỹ đã phiêu lưu bị phơi bày trần trụi qua những đau đớn theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng trên chiến trường trong tết Mậu Thân 1968. Sự kiêu ngạo rằng nước Mỹ không bao giờ thua trong những cuộc chiến xem ra đã bị lung lay thật sự, bằng cách này hay cách khác, những câu nói bóng gió về sự thất bại và suy yếu của nước Mỹ trong cuộc chiến tại Việt Nam đã hiện hữu rõ ràng hơn lúc nào hết.

Nhưng những nhân vật quyền lực trong quân đội Hoa Kỳ lúc đó thích nói về thắng lợi dựa trên quan điểm thuần túy về mặt quân sự. Tuy nhiên, chắc hẳn dư luận Mỹ và thế giới sẽ kinh ngạc khi đọc được những số liệu do Don Oberdoifer dẫn ra rằng: “Trong trận chiến của mọi trận chiến này của cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai, bộ chỉ huy cộng sản đã tung vào một lực lượng ước tính chừng 67.000 quân trong tổng số 240.000 quân ở miền Nam Việt Nam, tức là ¼ quân số. Dàn ra để chống lại họ là 1.100.000 tay súng - 492.000 quân chiến đấu Mỹ; 61.000 quân Nam Hàn, Thái và các nước trong ‘thế giới tự do’ khác, 342.000 quân đội thường trực của chính phủ Việt Nam cộng hòa, và 248.000 quân địa phương và lực lượng phòng vệ dân sự. Lực lượng viễn chinh Mỹ, ngoài ra còn có 2.600 máy bay, 3.000 trực thăng và 3.500 xe thiết giáp”1. Phân tích số liệu là việc của chuyên gia quân sự, người bình thường bằng các phép tính đơn giản cũng thấy được sự chênh lệch lớn là quá rõ ràng, ấy vậy mà quân giải phóng không những phá vỡ được tuyến phòng thủ đô thị kiên cố, gây những tổn thất nặng về sinh lực, phương tiện chiến tranh mà còn ghìm chân được một đội quân đông đúc được trang bị hiện đại do người Mỹ làm nòng cốt ngay tại mặt trận đô thị. Và hóa ra, để “cứu lấy” một thành phố từ những giải phóng quân thì cần phải hủy diệt nó?! Để chứng tỏ sức mạnh trước giải phóng quân thì phải dí súng vào đầu anh ta và bóp cò - như trùm cảnh sát Nguyễn Ngọc Loan đã làm?! Dư luận Mỹ không khỏi rùng mình khi xem được những hình ảnh đó qua màn ảnh vô tuyến truyền hình - một “tấn thảm kịch” phi nhân tính.

Còn ở nông thôn - hệ thống chính quyền cơ sở của chế độ Sài Gòn - sự rệu rã còn bi đát hơn. Một khi phần lớn lính Mỹ - sinh lực nồng cốt - bị ghìm chân ở đô thị, lực lượng vũ trang cách mạng tại các địa phương đã hỗ trợ quần chúng nổi dậy, diệt ác, phá kìm kẹp, mở lõm, mở rộng vùng giải phóng - những căn cứ địa cách mạng trong lòng dân - tới sát nách các quận lỵ, thị trấn, thị xã... Ví như An Giang và Châu Đốc, cuộc tổng tấn công và nổi dậy của quân và dân hai tỉnh này với phạm vi chiến dịch trải rộng trên 1 thị xã, 5 thị trấn và 50 xã đã giáng một đòn đau đầy bất ngờ cho đối phương. Sự bị động và bất lực của chủ lực quân Sài Gòn tại Châu Đốc trong đợt I của cuộc tấn công đã khiến nơi này trở thành một trong hai nơi bị thiệt hại nặng nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Vậy là những quan điểm thuần túy quân sự - coi việc đẩy được quân giải phóng ra khỏi các đô thị là một thắng lợi - của các tướng lĩnh quân đội Mỹ và Sài Gòn, xem ra cũng khó có thể thuyết phục được dư luận, nó chỉ phơi bày thêm một thực tế là tướng tá quân đội Mỹ và Sài Gòn tự xoa dịu sự bất lực bằng cách pháo kích và bắn giết bừa bãi, và những hình ảnh “chiến thắng” như vậy không thể chinh phục được khối óc và trái tim của chính người dân Mỹ thì khó mà nói tới việc thuyết phục được người dân bản xứ - vì không ai khác, chính người dân miền Nam Việt Nam lúc ấy đã phải trực tiếp hứng chịu pháo kích và bắn giết bừa bãi. Rốt cuộc, thực chất của những “thắng lợi” lại là thất bại về đạo đức và chính trị của Hoa Kỳ trên chiến trường Việt Nam và trên chính nước Mỹ.

Và sau tuyên bố ngày 31.3.1968 của Tổng thống Johnson, người ta nhận thấy sự thoái chí trong hàng ngũ binh lính Mỹ với tình trạng khủng hoảng tinh thần, sa sút ý chí, buông lỏng kỷ luật trở nên phổ biến và ngày càng trầm trọng. Người ta nhận thấy rằng: “‘Chính từ năm 1968, đã phổ biến việc sử dụng ma túy và những vụ tấn công sĩ quan bằng lựu đạn’ trong các đơn vị quân Mỹ và chủ trương ‘Việt Nam hóa’ chiến tranh không những không ngăn được tình hình này ‘mà lại còn đẩy mạnh hơn’. Hãy ‘tự lo lấy sinh mạng của mình, sống qua thời kỳ này’ và cố gắng ‘đừng là người lính chết sau cùng ở Việt Nam’ là tâm lý chung của đội quân viễn chinh Mỹ ở giai đoạn ‘kiên trì trong cơn ác mộng’ này”2.

Đè bẹp tinh thần và ý chí xâm lược của Mỹ - mục tiêu chính và xuyên suốt của cuộc tấn công “Tết” năm 1968 của quân cách mạng - xem ra đã thực sự đạt được. Mục tiêu được hoàn thành bằng sức mạnh tổng hợp về quân sự, chính trị, tinh thần của “chiến tranh nhân dân” của một dân tộc có bề dày truyền thống 2000 năm chống xâm lăng.

Như vậy, tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 là một hoạt động rộng lớn, phức tạp - từ trong toan tính chiến lược của lãnh đạo Đảng ta cho đến diễn biến thực tế trên chiến trường - điều đó cho thấy Đảng Cộng sản Việt Nam không hề ảo tưởng về mục tiêu thắng Mỹ trên thế mạnh đơn thuần về quân sự, mà mục tiêu chiến lược đề ra từ đầu là đánh mạnh vào tinh thần và ý chí xâm lược của đối phương bằng sức mạnh tổng hợp. Kết quả, hiệu quả về chính trị, tâm lý, tinh thần đạt được là hết sức to lớn. “Tết” đã phô bày sự thất bại về chiến lược cũng như cách thức điều hành chiến tranh của giới lãnh đạo, tướng lĩnh Mỹ trên chiến trường miền Nam Việt Nam, đồng thời phô bày toàn bộ sự bất lực của quân đội và chính quyền Sài Gòn; “Tết” đã tạo nên cơn chất động dữ dội giữa lòng nước Mỹ, thúc đẩy phong trào phản chiến bùng phát, buộc Tổng thống Johnson phải xuất hiện trên truyền hình để công khai tuyên bố đơn phương chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc, rút bỏ cam kết đưa quân viễn chinh Mỹ vào cuộc chiến tranh trên bộ ở Việt Nam, vào ngày 31.3.1968.

Tuyên bố của Tổng thống Johnson biểu hiện cho việc Mỹ muốn trút bỏ gánh nặng chiến tranh lên vai chính quyền và quân đội Sài Gòn - một lực lượng bất lực - đồng nghĩa với việc “Mỹ phải phụ thuộc vào chính kẻ đang phải phụ thuộc vào mình”3 để tiếp tục mù quáng đeo bám các mục tiêu của cuộc chiến, và cũng đồng nghĩa với số phận của cuộc chiến giữa Mỹ và Việt Nam đã được định đoạt - sự khởi đầu cho một kết thúc - cho dù sau “Tết” cuộc chiến giữa tự do với áp bức, thống nhất với chia cắt phải kéo dài ác liệt thêm 7 năm nữa mới chấm dứt hoàn toàn.

Tóm lại, tổn thất của quân và dân Việt Nam trong các đợt tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968 là có thật, song với những gì đã diễn ra như đã trình bày, không ai có thể phủ nhận được rằng, Mậu Thân là đòn quyết định làm lung lay tận gốc ý chí xâm lược của Mỹ - một bước ngoặt quan trọng của tiến trình đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra cho quân và dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước - và như thế, ý nghĩa và tác động của tết Mậu Thân 1968 đã quá rõ ràng!

Lê Mậu Thân
Ban Tuyên giáo huyện Chợ Mới

______________
1- Don Oberdoifer, TẾT, Nxb Tổng hợp An Giang, 1988, trang 78.
2- Hồ Khang, Tết Mậu Thân 1968 bước ngoặt lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nxb Chính trị Quốc gia, 2008, trang 198.
3- Hồ Khang, Tết Mậu Thân 1968 bước ngoặt lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nxb Chính trị Quốc gia, 2008, trang 288.


Bài viết có tham khảo:
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang, Lịch sử Đảng bộ tỉnh An Giang, tập II, 2007.
- Don Oberdoifer, TẾT, Nxb Tổng hợp An Giang, 1988.
- Hồ Khang, Tết Mậu Thân 1968 bước ngoặt lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nxb Chính trị Quốc gia, 2008.
- Dương Văn Triêm, Từ Johnson đến Nixon - những cố gắng cuối cùng của White House, Hội Khoa học lịch sử tỉnh Đồng Tháp.

Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40407982