Truy cập hiện tại

Đang có 66 khách và không thành viên đang online

Làm theo gương Bác Hồ

Việc chống tham ô, lãng phí, quan liêu là rất cần thiết và phải làm thường xuyên

(TGAG)- Ngày 24-7-1962, tại Hội nghị cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, Bác Hồ kính yêu đã có bài nói chuyện quan trọng, trong đó Bác nói về “tham ô, lãng phí và quan liêu”, 3 bệnh này có mối quan hệ hữu cơ, “nó làm tổn hại đến xây dựng nước nhà, có hại đến công việc cải thiện đời sống của nhân dân, có hại đến đạo đức cách mạng”.

Theo Bác, trong 3 bệnh đó “bệnh quan liêu là nguồn gốc sinh ra lãng phí, tham ô”.

Bác nói: “Tham ô là hành động xấu xa nhất của con người. Nhân dân lao động ta làm lụng đổ mồ hôi, sôi nước mắt để góp phần xây dựng của công – của nhà nước và của tập thể. Của công ấy là nền tảng vật chất của chế độ XHCN, là nguồn gốc chủ yếu để nâng cao đời sống của nhân dân”. Bác nhấn mạnh: “Tham ô là lấy trộm của công, chiếm của công làm của tư”.

Về lãng phí, Bác nói: “Lãng phí và tham ô tuy khác nhau ở chỗ lãng phí thì không trực tiếp ăn cắp, ăn trộm của công, nhưng kết quả tai hại đến tài sản của Nhà nước, của tập thể thì lãng phí cũng có tội. Lãng phí có nhiều hình thức: Hoặc vì lập kế hoạch không chu đáo, ví dụ làm một ngôi nhà không hợp thức, làm xong rồi phải phá đi làm lại. Hoặc vì tính toán không cẩn thận, điều động hàng trăm, hàng nghìn con người đến công trường, nhưng chưa có việc gì làm, hay là người nhiều, việc ít, phải để họ trở về. Hoặc vì xa xỉ, phô trương, hình thức, nào liên hoan, nào kỷ niệm, sắm sửa lu bù, xài tiền như nước… ”.

Đối với bệnh quan liêu, Bác dạy: “Quan liêu là cán bộ phụ trách xa rời thực tế, không điều tra, nghiên cứu đến nơi, đến chốn những công việc cần phải làm, việc gì cũng nắm không vững, chỉ đạo một cách đại khái, chung chung”.

Bác kết luận: Vì vậy bệnh quan liêu là nguồn gốc sinh ra lãng phí, tham ô…

“Việc chống tham ô, lãng phí, quan liêu là rất cần thiết và phải làm thường xuyên. Nó có hai nghĩa quan trọng: Làm cho mọi người nâng cao tinh thần trách nhiệm, tinh thần làm chủ, ý thức bảo vệ của công, hăng hái thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà, để nâng cao đời sống nhân dân. Nó giúp cho cán bộ, đảng viên ta giữ gìn phẩm chất cách mạng, cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng…”

Trong cuộc đấu tranh chống tham ô, lãng phí, quan liêu, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải xử thật nghiêm khắc đối với những ai vi phạm, và phải tôn vinh những người ra sức chống tham ô, lãng phí, quan liêu; coi việc chống tham ô, lãng phí, quan liêu là cách mạng. “Thực dân và phong kiến tuy bị tiêu diệt, nhưng cái nọc xấu của nó (tham ô, lãng phí, quan liêu) vẫn còn, thì cách mạng vẫn chưa hoàn toàn thành công, vì nọc xấu ấy ngấm ngầm ngăn trở, ngấm ngầm phá hoại sự nghiệp xây dựng của cách mạng”.

Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng được phát động. Đảng đã có một số nghị quyết về vấn đề này. Nhà nước đã có “Luật phòng chống tham nhũng”. Song, do mặt trái của nền kinh tế thị trường tác động mạnh vào đời sống xã hội mà chúng ta chưa lường tính hết, làm cho tham nhũng, lãng phí, quan liêu vẫn đang diễn biến phức tạp. Một trong những nguyên nhân chống tham nhũng chưa thành công là chúng ta chưa chú ý đúng mức đến việc chống tham nhũng với chống lãng phí, chống quan liêu, vấn đề mà Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời luôn luôn nhắc nhớ là phải chống cả tham ô, lãng phí, quan liêu.

Nhiều cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý rất quan liêu, mệnh lệnh không sát công việc thực tế, qua nhiều tầng nấc trung gian, tốn nhiều giấy tờ văn phòng phẩm, làm việc đại khái chung chung, vô bổ, tắc trách; quan liêu trong việc đánh giá cán bộ, đánh giá con người, nên đã có nhiều người lợi dụng sự đánh giá hời hợt này để được “thăng quan tiến chức”; quan liêu trong việc xa rời nhân dân, xa rời thực tế, quan liêu trong việc quản lý cơ quan, tưởng rằng mọi việc đều tốt đẹp, nhưng thực chất lại không phải như vậy; quan liêu trong việc hoạch định chính sách, nên mới có chuyện “vừa đá bóng, vừa thổi còi”; quan liêu trong việc ban hành quá nhiều văn bản, không biết dựa vào văn bản nào để thi hành. Lại nữa, văn bản này “đá” văn bản kia, vận dụng kiểu nào cũng được. Một số chính sách và chế độ về quản lý kinh tế, tài chính còn không ít những sơ hở. Tinh thần cần kiệm xây dựng nước nhà, ý thức tôn trọng của công, bảo vệ thành quả lao động của nhân dân, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu chưa được, quán triệt trên các mặt công tác, ý thức làm chủ của nhân dân chưa được phát huy đầy đủ. Tinh thần trách nhiệm của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức chưa cao, chưa làm tròn bổn phận của mình.

Công tác tổ chức còn nhiều khuyết điểm. Bộ máy hành chính các cấp vẫn phình ra. Việc tuyển chọn người vào làm việc trong các cơ quan đảng, nhà nước chưa thật chặt chẽ, chưa đúng tiêu chuẩn. Việc phân công trách nhiệm không rõ ràng, làm cho nhiều việc chậm trễ, đình đốn, hư hỏng, không biết vì đâu và trách nhiệm vì ai. Tổ chức không chặt chẽ, kỷ luật không nghiêm, dân chủ còn hình thức, phản công phân nhiệm không rành mạch, rõ ràng là chỗ sơ hở lớn gây tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

Công tác kiểm tra và giám đốc thường xuyên của các cơ quan nhà nước còn yếu kém, chưa có nền nếp và chưa có cơ chế hiệu quả. Việc thưởng, phạt chưa kịp thời. Vẫn còn hiện tượng xin - cho.

Để chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu có nhiều quả, cần phải làm cho mọi người thấy rõ tham nhũng là trọng tội; lãng phí tuy tính chất có khác với tham nhũng, nhưng cũng là có tội với nhân dân, với Nhà nước; quan liêu là nguồn gốc sinh ra tham nhũng và lãng phí. Nó phải được bài trừ triệt để dưới chế độ ta. Nâng cao mạnh mẽ tinh thần trách nhiệm của cán bộ trong việc quản lý kinh tế, tài chính. Xây dựng chế độ trách nhiệm và kỷ luật nghiêm ngặt tài chính, ngân hàng. Chấn chỉnh công tác tổ chức - cán bộ trong các cơ quan Đảng, Nhà nước. Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu phải huy động được sự tham gia của đông đảo nhân dân, phải được tổ chức tốt, lãnh đạo chặt chẽ, kiểm tra, giám sát thường xuyên. Có chính sách đúng đắn; lựa chọn cán bộ tốt; giáo dục tốt; tổ chức tốt; quản lý tốt; kiểm tra tốt; giám sát tốt sẽ là những giải pháp hiệu quả để chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

Thực hiện những lời dạy của Bác Hồ về chống tham ô, lãng phí và quan liêu, cho đến hôm nay và mãi mãi về sau, đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân ta như một chân lý soi đường đưa dân tộc ta đi lên chủ nghĩa xã hội. Sự nghiệp đổi mới đất nước ta những năm qua đã đạt được những thành tích đáng tự hào, đất nước ta đang thay da đổi thịt, đời sống nhân dân được cải thiện rõ nét. Nhưng nước ta vẫn còn nghèo; việc chống tham ô, lãng phí và quan liêu hôm nay vẫn đang là vấn đề thời sự, đang được Đảng, Nhà nước, Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo với nhiều giải pháp, biện pháp tích cực, từng bước có hiệu quả. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ, mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng, ở từng cương vị của mình chúng ta luôn phấn đấu để trở thành cán bộ tốt, công dân tốt./.

Hòa Bình
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37255543