Truy cập hiện tại

Đang có 308 khách và không thành viên đang online

Làm theo gương Bác Hồ

Xây dựng phong cách công tác của người cán bộ, đảng viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh

(TGAG)- Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Người coi “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy”, “cán bộ là tiền vốn của Đoàn thể” và đi đến kết luận: “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Vì thế, Người rất quan tâm đến xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng, trong đó có xây dựng, rèn luyện phong cách công tác. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng phong cách làm việc, phong cách công tác của người cán bộ, đảng viên cần tập trung thực hiện các nội dung sau:

Một là, phong cách dân chủ hay “cách làm việc dân chủ”

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, đây là phong cách hàng đầu mà người cán bộ cần phải có. Người chỉ rõ: Đảng ta thực hiện nguyên tắc “tập trung dân chủ” và “chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do”. Vì thế, người cán bộ, đảng viên phải tạo ra được không khí dân chủ thực sự trong nội bộ bằng cách thành tâm lắng nghe và khơi gợi cho cán bộ, đảng viên, quần chúng, cấp dưới nói hết quan điểm, ý kiến của mình. Được như vậy thì cấp dưới và quần chúng mới hăng hái đề ra sáng kiến. Những sáng kiến đó được coi trọng, được khen ngợi thì những người đó càng thêm hăng hái làm việc. Phong cách dân chủ của người cán bộ không chỉ khơi nguồn sáng tạo, phát huy tinh thần cống hiến của cấp dưới và quần chúng nhân dân mà còn làm cho tổ chức cơ quan, đoàn thể thêm gắn bó.

Người có tác phong dân chủ là người thực hành tốt nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Đó là cách “để phát huy trí tuệ và kinh nghiệm của nhiều người”. Cán bộ không bao giờ được “độc tôn chân lý”, phải thành thực lắng nghe ý kiến phê bình của cấp dưới và nghiêm túc sửa mình với tinh thần cầu thị. Làm như vậy thì chắc chắn người cán bộ sẽ được nhân dân yêu mến, cấp dưới nể trọng.

Nói về sức mạnh của dân chủ, Bác từng nói: “Thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn”. Nếu người cán bộ không có tác phong dân chủ hoặc “miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối “quan” chủ” là họ tự tước đi của mình vũ khí hữu hiệu nhất để hoàn thành nhiệm vụ. Khi đó, dù có “đầy túi quần thông cáo, đầy túi áo chỉ thị mà công việc vẫn không chạy”.

Phong cách dân chủ theo tư tưởng Hồ Chí Minh là dân chủ có định hướng, có lãnh đạo, dân chủ phải đi đến sự tập trung chứ không phải dân chủ quá trớn, dân chủ vô tổ chức. Nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và sinh hoạt Đảng là “tập trung dân chủ”.

Hai là, phong cách làm việc quần chúng

Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu người cán bộ phải có phong cách làm việc quần chúng, xuất phát từ vấn đề có tính nguyên tắc về vai trò của quần chúng nhân dân: “Dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Phong cách quần chúng yêu cầu người cán bộ phải gần gũi quần chúng, lắng nghe và thấu hiểu mong muốn của quần chúng... Người cán bộ phải thường xuyên đi xuống cơ sở mà mình phụ trách, tìm hiểu thực trạng đời sống, tâm tư, nguyện vọng của quần chúng. Người khẳng định: nếu “cách xa dân chúng, không liên lạc chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”.

Phong cách quần chúng không có nghĩa là “theo đuôi quần chúng” vì theo Hồ Chí Minh “trong dân chúng, có nhiều tầng lớp khác nhau, trình độ khác nhau, ý kiến khác nhau”.  Người cán bộ phải có bản lĩnh vững vàng để vừa nâng cao trình độ giác ngộ, dân trí của quần chúng, tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của một bộ phận quần chúng “chậm tiến”, thực hiện tốt vai trò lãnh đạo của mình.

Phong cách quần chúng Hồ Chí Minh là phải biết cách tổ chức phong trào phù hợp với trình độ, năng lực thực tế của  quần chúng, không chủ quan, duy ý chí, áp đặt thực tiễn theo ý mình. Theo Người, “Nếu cứ làm theo ý muốn, theo tư tưởng, theo chủ quan của mình, rồi đem cột vào cho quần chúng, thì khác nào “khoét chân cho vừa giầy”… Ai cũng đóng giầy theo chân. Không ai đóng chân theo giầy”. Người khẳng định: “cách làm việc, cách tổ chức, nói chuyện, tuyên truyền, khẩu hiệu, viết báo… của chúng ta, đều phải lấy câu này làm khuôn phép: “Từ trong quần chúng ra. Về sâu trong quần chúng”.

Phong cách làm việc quần chúng của cán bộ, đảng viên còn bao gồm cả trong sinh hoạt. Người cán bộ phải giản dị, hòa đồng với quần chúng, không cho phép mình hưởng điều gì có tính chất “đặc quyền, đặc lợi”. Người cảnh tỉnh những suy nghĩ lệch lạc trong cán bộ, rằng “phải ăn mặc bảnh mới giữ được oai tín, giữ được thể diện”. Khi người cán bộ thấm nhuần tác phong quần chúng, họ sẽ được quần chúng nhân dân yêu thương, tin cậy, ủng hộ và khi đó, việc gì họ làm cũng thành công.

Ba là, phong cách làm việc khoa học

Phong cách làm việc khoa học là phải biết quý trọng thời gian, biết giờ nào làm việc ấy và có năng lực giải quyết công việc một cách tốt nhất trong một thời gian ngắn nhất. Bác Hồ từng nói: “Ai đưa vàng bạc vứt đi, là người điên rồ. Thì ai đưa thời giờ vứt đi, là người ngu dại”. Người cán bộ phải biết tiết kiệm thời gian của mình nhưng cũng phải biết tiết kiệm thời gian cho người khác. Cách tốt nhất là tập trung giải quyết dứt điểm từng công việc. Không ôm đồm, làm quá nhiều việc, nhiều việc không dứt điểm, không hiệu quả. Người giải thích: “Đích nghĩa là nhằm vào đó mà bắn. Nhiều đích quá thì loạn mắt, không bắn trúng đích nào”.

Theo Bác Hồ, cán bộ làm việc gì cũng phải có mục đích và kế hoạch rõ ràng, thiết thực. Muốn có kế hoạch khoa học thì người cán bộ phải “xét kỹ hoàn cảnh mà sắp đặt công việc cho đúng. Việc chính, việc gấp thì phải làm trước. Không nên luộm thuộm, không có kế hoạch, gặp việc nào làm việc ấy”. Hết sức tránh chuyện vạch ra “chương trình công tác thì quá rộng mà kém thiết thực” và căn bệnh “đánh trống bỏ dùi” gây lãng phí tiền của, nhân lực và thời gian của nhân dân.

Phong cách làm việc khoa học yêu cầu người cán bộ giải quyết công việc trên cơ sở dữ liệu khách quan, dựa trên nền tảng thực tế để lựa chọn ra phương án khả thi nhất và phương án ấy phải đặt trong tổng thể chiến lược lâu dài. Không được rơi vào “bệnh cận thị - không trông xa, thấy rộng. Những vấn đề to tát thì không nghĩ đến mà chỉ chăm chú những việc tỉ mỉ”. Người cán bộ không được vì cái lợi nhỏ trước mắt mà làm tổn hại đến lợi ích to lớn, lâu dài. Tầm nhìn -  đó chính là phẩm chất của người có tư duy khoa học và có cách làm việc khoa học.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong cách làm việc khoa học đòi hỏi người cán bộ phải có cách đánh giá đúng người, đúng việc, sắp xếp công việc cho hợp lý. Lại phải biết cách kiểm tra, giám sát công việc và cấp dưới một cách hiệu quả, qua đó thấy được việc thi hành đường lối, nghị quyết của Đảng như thế nào và cần điều chỉnh cái gì… Người nói: “tình hình khách quan thay đổi hàng giờ, hàng phút, một chủ trương của ta hôm nay đúng, hôm sau đã không kịp thời, nếu ta không tỉnh táo kiểm điểm những tư tưởng hành vi của ta để bỏ đi những cái quá thời, sai hỏng, nhất định ta sẽ không theo kịp thế”. Kiểm tra còn có tác dụng phân loại, đánh giá cán bộ vì “có kiểm tra… mới biết rõ năng lực và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời”. Cán bộ lãnh đạo làm việc khoa học, chặt chẽ thì cấp dưới không thể “qua mặt”.

Phong cách làm việc khoa học đòi hỏi người cán bộ sau mỗi công việc phải biết rút ra kinh nghiệm cho lần sau và cho người khác. Hồ Chí Minh viết: “Công việc gì bất kỳ thành công hoặc thất bại, chúng ta cần phải nghiên cứu đến cội rễ, phân tách thật rõ ràng rồi kết luận. Kết luận đó sẽ là cái thìa khóa phát triển công việc và để giúp cho cán bộ tiến tới”.

Bốn là, phong cách nêu gương, nói đi đôi với làm

Theo Bác, trước hết phải làm gương trong mọi công việc, từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên về mọi mặt; phải cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, nói phải đi đôi với làm. Cần nêu gương trên ba mối quan hệ với mình, với người, với việc. Đối với mình phải không tự cao tự đại, tự mãn, kiêu ngạo, luôn học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân; phải tự phê bình mình như rửa mặt hằng ngày. Đối với người, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, thật thà, không dối trá, lừa lọc, khoan dung, độ lượng. Đối với việc, dù trong hoàn cảnh nào phải giữ nguyên tắc “dĩ công vi thượng”, để việc công lên trên, lên trước việc tư.

Bác nói, muốn nêu gương được thì nói phải đi đôi với làm. Với cán bộ, đảng viên, sự thống nhất chặt chẽ giữa nói và làm, giữa đạo đức và nêu gương đạo đức cần đạt tới sự nhất quán trong công việc và trong đời sống riêng, giữa đạo đức người lãnh đạo và đạo đức đời thường. Địa vị càng cao, uy tín càng lớn, càng phải ra sức hoàn thiện về đạo đức, thống nhất giữa nói và làm. Người đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải làm kiểu mẫu trong công tác và lối sống, trong mọi lúc, mọi nơi, nói phải đi đôi với làm để quần chúng noi theo.

Hồ Chí Minh yêu cầu ai cũng phải nêu gương về đạo đức. Trước hết, mình phải tự làm gương, “cán bộ gắng làm gương trong anh em, và khi đi công tác, gắng làm gương cho dân”. Làm gương cả về ba mặt: tinh thần, vật chất và văn hoá. Về vai trò của nêu gương, Người nhắc nhở cán bộ, đảng viên: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Tự mình phải chính trước mới giúp người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý.

Để giáo dục bằng nêu gương đạt kết quả cao, Hồ Chí Minh chủ trương: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”. Trong gia đình, cha mẹ phải là tấm gương cho các con, anh chị là tấm gương đối với các em. Trong nhà trường, thầy giáo, cô giáo là tấm gương cho học trò. Trong cơ quan, tổ chức thì cán bộ lãnh đạo là tấm gương cho cấp dưới, người này có thể nêu gương cho người khác. Trong cuộc sống hằng ngày, người cán bộ, đảng viên phải có trách nhiệm tự tu dưỡng tốt để trở thành con người có đời tư trong sáng, làm tấm gương giúp nhân dân nhìn vào đó mà noi theo, qua đó mà làm tăng thêm những điều đúng, những điều thiện, chống lại thói hư, tật xấu.

Trong các nội dung nêu gương, cán bộ, đảng viên phải luôn luôn nêu gương về tinh thần phục vụ nhân dân. Hồ Chí Minh nhấn mạnh trách nhiệm phục vụ nhân dân từ một triết lý sâu xa rằng, cơm chúng ta ăn, áo chúng ra mặc đều do mồ hôi, nước mắt của dân mà ra, nên chúng ta phải đền bù xứng đáng cho dân. Vì vậy mà cán bộ, đảng viên phải xông xáo, nhiệt tình, sâu sát nhân dân, gương mẫu và dám chịu trách nhiệm trước dân cả về lời nói và việc làm. Đó là tư tưởng đạo đức, phong cách nêu gương, tự giác, gương mẫu Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức phải tự giác làm theo./.

T.P.H
_________
Trích bài nói chuyên đề học tập năm 2018
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37051259