Truy cập hiện tại

Đang có 88 khách và không thành viên đang online

Làm theo gương Bác Hồ

An Giang đẩy lùi suy thoái trong Đảng - Kỳ 3: Kết hợp tốt giữa “xây” và “chống”


LTS: Trãi qua chặng đường 10 năm, từ Chỉ thị 06, Chỉ thị 03, đến Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, đến nay, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành việc làm thường xuyên của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân cả nước nói chung và Đảng bộ, chính quyền, người dân An Giang nói riêng. Thực tiễn cho thấy “tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác” đã trở nên gần gũi với mỗi người. Sự thẩm thấu tự nhiên, tự giác đã làm thay đổi nhận thức và hành động của nhiều tổ chức, cá nhân, từng ngày, từng năm và ngày càng lan tỏa sâu rộng trong quần chúng nhân dân. Qua đó, góp phần đưa nền tảng tư tưởng của Đảng đi vào cuộc sống.



>> Kỳ 1: Từ nhận thức đến hành động
>> Kỳ 2: Giải quyết vấn đề trọng tâm, bức xúc, nổi cộm


Kỳ 3: Kết hợp tốt giữa “xây” và “chống”


(TGAG)- Thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 21 về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2017. Trong đó, trọng tâm là chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Theo đó, các cấp ủy, chính quyền, địa phương trong tỉnh đã tổ chức thực hiện chuyên đề năm 2017 gắn với nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của đơn vị… Qua đó, đưa việc “học tập” và “làm theo” Bác ngày càng lan tỏa, đi vào chiều sâu và mang lại những kết quả thiết thực, góp phần ngăn ngừa, đẩy lùi suy thoái, nâng cao tính tự giác, trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị trong công việc, tinh thần, thái độ phục vụ Nhân dân tốt hơn.

“5 xây, 5 chống”

Khẩn trương, nghiêm túc, gần gũi, nhiệt tình là cảm nhận chung của người dân khi đến làm thủ tục hành chính (TTHC) tại bộ phận “Một cửa” của huyện Châu Thành. Anh Trần Văn Nhỏ (ngụ xã Bình Hòa, Châu Thành) nhận xét: “Trước đây, tôi rất ngại đi làm giấy tờ, thủ tục vì sợ chờ đợi, sợ bị đi tới đi lui. Nhưng khi đến đây làm TTHC tôi có “cái nhìn” khác hẳn vì thái độ, tác phong làm việc của các cán bộ (CB) ở đây rất lịch sự, tận tình, nhã nhặn, có việc gì chưa rõ là CB giải thích, hướng dẫn cặn kẽ. Việc giải quyết các thủ tục được tiến hành nhanh chóng, không mất nhiều thời gian, công sức đi lại”.

“Đó là kết quả, sự chuyển biến rõ nét sau thời gian “học tập” và “làm theo” Bác về nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, đổi mới phong cách thái độ tiếp công dân, không gây phiền hà cho dân của CB của bộ phận “Một cửa” nói riêng và CB, đảng viên (ĐV), công chức (CC), viên chức (VC) huyện Châu Thành nói chung”- đồng chí Phan Văn Cường, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành phấn khởi cho biết. Theo đó, nhằm xây dựng tác phong, ngôn phong, thể hiện văn hóa trong giao tiếp, tận tình và trách nhiệm phục vụ Nhân dân, khắc phục tình trạng nhũng nhiễu dân, Huyện ủy Châu Thành đã phát động rộng rãi trong toàn Đảng bộ huyện thực hiện phương châm “5 xây, 5 chống”.

Sau khi phát động, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã hướng dẫn các chi, đảng bộ cụ thể hóa thành những chỉ tiêu thực hiện gắn với nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình để làm cơ sở đánh giá hàng năm, chứ không phải phát động chỉ dừng lại ở “khẩu hiệu” trên giấy. Cụ thể “5 xây, 5 chống” là: Xây tác phong quần chúng; xây tinh thần trách nhiệm; xây ý thức cần kiệm; xây tinh thần đoàn kết, dân chủ, kỷ cương; xây nếp sống văn hóa; chống quan liêu, cửa quyền; chống lười biếng, vô cảm; chống tham ô, lãng phí, xa hoa; chống chia rẻ, bè phái, vô tổ chức kỷ luật và chống tệ nạn xã hội.

“Để đấu tranh, chống tệ nạn quan liêu, sách nhiễu, hách dịch, cửa quyền trong đội ngũ CB, ĐV, CC, VC, nhất là các cơ quan, đơn vị có quan hệ trực tiếp với Nhân dân, năm 2017, Châu Thành lấy chủ đề: “Trách nhiệm, kỷ cương, hiệu quả”. Trọng tâm là nâng cao phẩm chất đạo đức, thái độ phục vụ Nhân dân, đẩy mạnh cải cách TTHC. Đồng thời, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; khắc phục tình trạng quan liêu, tham nhũng; đổi mới lề lối làm việc, xây dựng đạo đức công vụ, tác phong phục vụ Nhân dân; tôn trọng, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; thực hiện phong cách “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”- đồng chí Phan Văn Cường chia sẻ.

Đối với bộ phận “Một cửa”, huyện đã phát động thực hiện và treo khẩu hiệu “Vui lòng dân đến, vừa lòng dân đi” tại nơi làm việc, xem đây là chuẩn mực đạo đức, là cách để nội bộ nhắc nhở nhau và để dân giám sát CB, CC. Đồng thời, UBND huyện cũng có công văn quy định CB, CC, VC thực hiện phương châm “6 biết” (biết chào, biết cười, biết lắng nghe, biết hướng dẫn, biết trả đúng kết quả, biết xin lỗi) khi tiếp xúc với công dân. Nhờ đó, chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của huyện từ hạng tư năm 2015 đã nâng lên hạng nhì năm 2016.


Kết hợp tốt giữa “xây” và “chống” góp phần đổi mới lề lối làm việc, xây dựng đạo đức công vụ, tác phong phục vụ Nhân dân trong CB, ĐV, CC, VC.

“Ba không, ba phải”

Sau khi học tập, quán triệt Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Ban Thường vụ Huyện ủy Tịnh Biên nhận thức sâu sắc giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Chính vì vậy, Đảng bộ huyện đã xây dựng và triển khai thực hiện mô hình “ba không, ba phải” nhằm làm cho mỗi CB, ĐV, CC, VC tự trau dồi, không để vi phạm “ba không” và nghiêm túc thực hiện “ba phải”.

Theo đó, “ba không, ba phải” là: Không “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống”; không “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; không “nói nhiều, làm ít” và phải “nêu gương”, phải “trung thực”, phải “nói ít, làm nhiều”. Việc thực hiện “ba không, ba phải” nhằm xây dựng đội ngũ đủ năng lực, phẩm chất, xây dựng tác phong công tác và ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đấu tranh phòng và chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Đồng thời, giúp các CB, ĐV, CC, VC và người đứng đầu cấp ủy tự mình “soi rọi” bản thân qua 27 nhận diện suy thoái  để phòng, chống, tự giữ mình và tự mình phải có sức đề kháng để không vi phạm “ba không”.

“Có thể nói, việc học tập và làm theo Bác đã trở thành việc làm thường xuyên và giúp mỗi CB, ĐV, CC, VC nâng dần ý thức và chuyển thành hành động thiết thực, mang lại lợi ích cho cơ quan, đơn vị. Tác phong trong công việc ngày càng chuyên nghiệp; giao tiếp ứng xử với đồng nghiệp, người dân tốt hơn; chất lượng công việc đảm bảo yêu cầu; thể hiện tốt vai trò nêu gương trong công tác cũng như trong cuộc sống. Từ đó, đã hạn chế đến mức thấp nhất đảng viên vi phạm. Trong năm, chỉ có 2 đảng viên là cấp ủy dưới cơ sơ không trung thực phải bị xử lý kỷ luật”-  đồng chí Trình Lam Sinh cho biết.

Điều quan trọng, mỗi CB, ĐV, CC, VC, nhất là người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị thể hiện trách nhiệm nêu gương trên cả 3 phương diện: đối với mình, đối với người, với tổ chức và đối với công việc. “Có như vậy, cấp dưới mới noi theo cấp trên, quần chúng noi theo đảng viên. Mặt khác, khi thực hiện mô hình “ba không, ba phải”, làm cho CB, ĐV thể hiện tốt đức tính trung thực, thành thật với bản thân, không nói dối, không che giấu khuyết điểm để thực hiện tốt tự phê bình và phê bình, dân chủ trong Đảng. Đó cũng là giải pháp của địa phương nhằm đẩy lùi suy thoái, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, chính quyền địa phương.”- Đồng chí Trình Lam Sinh, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tịnh Biên chia sẻ.

MINH ANH
(Còn tiếp)
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37131797