Truy cập hiện tại

Đang có 116 khách và không thành viên đang online

Làm theo gương Bác Hồ

Một số vấn đề cần lưu ý trong quá trình vận dụng và phát triển tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh (tiếp theo)

(TGAG)- Vận dụng và phát triển cái gì?

Hiểu công việc là chưa đủ để đạt được hiệu quả cao. Cùng với hiểu công việc là phải hiểu đối tượng của công việc. Không thể vận dụng và phát triển tốt nếu không biết cái cần vận dụng và phát triển là gì. Vận dụng và phát triển tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh muốn đạt kết quả như mong muốn đòi hỏi chủ thể thực hiện bên cạnh hiểu rõ thế nào là “vận dụng”, thế nào là “phát triển” thì phải nắm vững về đối tượng của “vận dụng” và “phát triển”, tức là tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.

Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống các quan điểm, tư tưởng về nhiều vấn đề, trong đó, tư tưởng về đạo đức cách mạng là một bộ phận quan trọng. Nghiên cứu di sản tư tưởng và cuộc đời, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh, hầu hết mọi người đều nhận thấy có một đạo đức học Hồ Chí Minh. Đó là sự kết hợp giữa hệ thống tư tưởng lý luận toàn diện và sâu sắc với thực tiễn giáo dục, rèn luyện đạo đức sinh động, phong phú của Người. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng là một bộ phận trong đó.

Đến nay, Đảng ta chưa chính thức nêu lên trong văn kiện của mình khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng. Tuy nhiên, từ thành quả nghiên cứu đạt được, các nhà khoa học ở Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh đã nêu ra khái niệm như sau:

“Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng là hệ thống những quan điểm toàn diện và sâu sắc của Người về những chuẩn mực (tiêu chuẩn, quy tắc, quy phạm…) và những nguyên tắc xây dựng nền đạo đức mới, khác về chất so với nền đạo đức cũ, nhằm phát triển toàn diện con người trong thời đại mới”.

Hồ Chí Minh xây dựng nền đạo đức cách mạng với hai nội dung cơ bản:

Một là, xây dựng hệ thống những chuẩn mực của nền đạo đức mới. Tổng hợp những chuẩn mực đó thành phẩm chất đạo đức của mỗi cá nhân, tập thể.

Hai là, xây dựng những nguyên tắc trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức mới.

Hai nội dung này nhằm mục đích phát triển con người một cách toàn diện, hướng tới các giá trị cao đẹp Chân – Thiện - Mỹ.
Như vậy, với quan niệm nêu trên, vận dụng và phát triển tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh tập trung ở vận dụng, phát triển quan điểm về các chuẩn mực đạo đức để góp phần xây dựng hệ giá trị đạo đức chuẩn và vận dụng, phát triển quan điểm về nguyên tắc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức để hình thành con đường, phương thức giáo dục, rèn luyện đạo đức theo hệ giá trị đạo đức chuẩn. Đây là hai mặt của một vấn đề, là mối quan hệ giữa nội dung với phương thức. Thiếu một trong hai hoặc kết hợp không đồng bộ đều đưa đến kết quả kém.

Tiêu chí đặt ra của “vận dụng” là phải đúng đắn, sáng tạo; đối với “phát triển” thì cần đảm bảo tính kế thừa, đúng hướng. Phát triển được hiểu là trong kho tàng di sản tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh cập nhật thêm nội dung mới hoặc bổ sung, cải biến, nâng tầm nội dung đã có; cả hai đều phải góp phần nâng cao giá trị của tư tưởng. Tiêu chí đó chỉ có thể đạt được trên cơ sở am hiểu về tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Cần phải biết tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh bao gồm những nội dung gì thì mới dựa trên đó mà sáng tạo, mới tìm tòi để bổ sung và phát triển được. Ngược lại, nếu mơ hồ về tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh thì không thể có sự vận dụng và phát triển đúng đắn, sáng tạo được; nghiêm trọng hơn chẳng những không góp phần làm tăng giá trị mà còn gây ảnh hưởng đến sức sống của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, tạo nên nhận thức sai lệch, không đúng đắn khiến cho hành động cũng sai theo.

Nguyễn Phương An

Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37126969