Truy cập hiện tại

Đang có 286 khách và không thành viên đang online

Văn hóa - Văn nghệ - Thể thao - Du lịch

Văn học nghệ thuật An Giang sau chặng đường 10 năm phát triển

(TGAG)- Ngày 16/6/2008, Bộ Chính trị (khóa X) ban hành Nghị quyết 23-NQ/TW về: “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới”(gọi tắt là Nghị quyết 23). Thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy An Giang ban hành Chương trình hành động số 20-CTr/TU về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới” (gọi tắt là Chương trình hành động 20). 

“Văn hóa soi đường quốc dân đi”, trong chức năng “soi đường” ấy, vai trò của văn học nghệ thuật là hết sức quan trọng bởi văn học nghệ thuật chính là lĩnh vực tinh túy nhất của văn hóa.

Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị, chương trình hành động số 20 của Tỉnh ủy, văn học nghệ thuật An Giang đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần không nhỏ trong việc định hình nên đời sống văn hóa tinh thần trong cộng đồng, định hướng thẩm mỹ, tôn vinh cái đẹp, đấu tranh, phê phán cái xấu.

Trước hết, bám sát định hướng trong Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 20 của Tỉnh ủy, các hoạt động văn học nghệ thuật trên địa bàn tỉnh đã tập trung hướng về cơ sở, với sự phát triển mạnh mẽ cả về tổ chức bộ máy, số lượng hội viên, và chất lượng hoạt động. An Giang tự hào là một trong số rất ít tỉnh, thành trong cả nước thành lập được Hội Văn học Nghệ thuật ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và đi vào hoạt động hiệu quả. Số lượng hội viên ở các cấp Hội tăng nhanh. Ở cấp huyện tính tới đầu năm 2018, số lượng hội viên đã trên 1.000 người, Hội tỉnh mỗi năm kết nạp thêm từ 30-40 hội viên, nâng tổng số hội viên Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh lên con số gần 450, trong đó số hội viên trung ương là 121, cao nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Hằng năm, các phân hội chuyên ngành của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức nhiều hoạt động đa dạng, phong phú như: mở trại sáng tác, đi thực tế trong ngoài tỉnh, biểu diễn và triển lãm giới thiệu sáng tác mới. Bên cạnh đó, tổ chức in ấn, xuất bản các tác phẩm, tổ chức, liên kết tổ chức các cuộc thi sáng tác cấp tỉnh và khu vực, hỗ trợ, khuyến khích các hội viên tham gia các cuộc thi khu vực và toàn quốc... Tạp chí Thất Sơn phát hành định kỳ hằng tháng, nội dung ngày càng phong phú cả về chất lượng cũng như thể loại, từng bước phát triển thêm các bài viết chuyên sâu mảng lý luận phê bình qua đó giúp cho đời sống sáng tác ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả. Thông qua những hoạt động đó, các hội viên được tiếp xúc giao lưu, tìm được cảm hứng sáng tác và trau dồi thêm kinh nghiệm. Thể hiện rõ nét trong thành tích chuyên môn, tham gia các giải thưởng khu vực, quốc gia và quốc tế đạt nhiều thành tích cao, đặc biệt trong các chuyên ngành như: nhiếp ảnh, mỹ thuật, văn học, sân khấu... nhiều văn nghệ sĩ đã tạo dựng được tên tuổi trên diễn đàn văn học nghệ thuật cả nước, đạt được những danh hiệu cao quý. Tính đến hết năm 2017, toàn tỉnh đã có 13 nghệ nhân ưu tú; 01 nghệ sỹ ưu tú được trao tặng danh hiệu. Nhiều văn nghệ sĩ là người con của quê hương An Giang đã đạt giải thưởng Hồ Chí Minh như nhà văn Lê Văn Thảo, nhà văn Nguyễn Quang Sáng...

Mặc dù còn không ít những tồn tại hạn chế do nhiều nguyên nhân cả về mặt chủ quan lẫn khách quan như: cơ chế, chính sách đãi ngộ cho văn nghệ sĩ còn chưa hợp lý; vấn đề đầu tư các thiết chế, cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động chuyên môn như trụ sở làm việc, trung tâm triển lãm trưng bày các tác phẩm để giới thiệu và phục vụ cho quần chúng nhân dân còn chưa được quan tâm trang bị, đầu tư xây dựng; công tác tổ chức, quản lý đội ngũ văn nghệ sỹ các cấp đôi lúc còn thiếu chặt chẽ; công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ ở các cấp hội văn học nghệ thuật của tỉnh còn nhiều bất cập; còn thiếu vắng những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng nghệ thuật v.v...

Tuy nhiên không vì thế để có thể phủ nhận một thực tế là: thời gian qua, với sự đoàn kết, chung tay của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là đội ngũ anh chị em văn nghệ sĩ tỉnh nhà đã nỗ lực vượt qua thách thức, khắc phục khó khăn, đưa đời sống văn học nghệ thuật An Giang bước thêm những bước tiến dài trên chặng đường phát triển.

Trong những ngày đầu năm mới, cả dân tộc đang hân hoan chào đón Xuân Mậu Tuất 2018 gắn với kỷ niệm 50 năm Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968; mừng kỷ niệm 88 năm thành lập Đảng... với hành trang đất nước vừa trải qua một năm rất thành công trên chặng đường đổi mới, hội nhập và phát triển. Niềm tin của Nhân dân với Đảng đang từng bước được củng cố và nâng cao. Những quyết sách đúng đắn, những bước đi mạnh mẽ, quyết liệt của Đảng, của Nhà nước trong xây dựng chỉnh đốn Đảng, trong đấu tranh xử lý tham nhũng, lãng phí; trong xây dựng bộ máy tinh gọn hiệu lực hiệu quả, do dân vì dân... đang là luồng gió mới tạo nên động lực mới cho đất nước phát triển, trong đó có lĩnh vực văn học nghệ thuật. Trong bối cảnh đó, cùng với các địa phương trong cả nước, các cấp các ngành các địa phương trong tỉnh đang tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động 20 của Tỉnh ủy.

Đây cũng chính là dịp để chúng ta cùng nhìn lại, đánh giá và nhận định rõ hơn những thành tựu, hạn chế yếu kém; đúc rút ra những bài học kinh nghiệm. Nắm bắt xu thế, dự báo tình hình, đề ra những giải pháp phù hợp, hiệu quả nhằm tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa văn học nghệ thuật của tỉnh trong giai đoạn mới. Và với những gì đạt được qua 10 năm xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật tỉnh nhà, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng vào một tương lai với những thành tựu mới, rực rỡ hơn. Để văn học nghệ thuật - lĩnh vực tinh túy nhất của văn hóa, sẽ tiếp tục là động lực to lớn, góp phần đưa An Giang tiến nhanh trên chặng đường phát triển.

NGUYỄN MẠNH HÀ
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40440824