Làm theo gương Bác Hồ
Học tập và làm theo phong cách gương mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Được đăng: Thứ sáu, 30 Tháng 9 2016 09:58
- Lượt xem: 3360
(TGAG)- Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một việc làm rất quan trọng và cần thiết đối với sự nghiệp cách mạng ở nước ta trong giai đoạn hiện nay. Đó là trách nhiệm, đồng thời cũng là vinh dự của mỗi người dân Việt Nam. Trong đó, trước hết mỗi cán bộ, đảng viên cần phải tích cực học tập và làm theo phong cách gương mẫu của Người để “đảng viên đi trước làng nước đi sau”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, gương mẫu là phải làm gương trong mọi công việc từ nhỏ đến lớn, được thể hiện thường xuyên, về mọi mặt… Trước hết là gương mẫu trong ba mối quan hệ: đối với mình, đối với người, đối với việc. Đối với mình phải không tự cao tự đại, tự mãn, kiêu ngạo mà luôn học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân, phải tự phê bình mình như rửa mặt hàng ngày. Đối với người, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, thật thà, không dối trá, lừa lọc, khoan dung, độ lượng. Đối với việc, dù trong hoàn cảnh nào phải giữ nguyên tắc “dĩ công vi thượng” (để việc công lên trên, lên trước việc tư).
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn giáo dục đạt kết quả cao phải thực hiện phương pháp nêu gương. Do đó, Người chủ trương: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”. Đồng thời, Người yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên chẳng những phải có trách nhiệm tự tu dưỡng tốt để trở thành con người có đời tư trong sáng, mà còn phải là tấm gương giúp Nhân dân nhìn vào đó làm những điều đúng, điều thiện, chống lại thói hư, tật xấu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn: Mỗi cán bộ, đảng viên phải hết sức nghiêm túc thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, kiên quyết đấu tranh với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí… Bởi lẽ, cần kiệm, liêm, chính là những giá trị, chuẩn mực cốt lõi nhất của đạo đức cách mạng. Trong thực tế, có thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, người cán bộ cách mạng mới được dân mến, dân tin, dân phục, mới có thể công tâm, sâu sát, gắn bó mật thiết với quần chúng Nhân dân. Mặt khác, danh dự và uy tín của người cán bộ cách mạng biểu hiện tập trung nhất trong hiệu quả của hành động cách mạng. Bởi vậy, lãng phí xa hoa, phô trương hình thức luôn luôn xa lạ với những người có tác phong sâu sát quần chúng.
Hồ Chí Minh phê phán: Có người cho rằng “Phải ăn mặc bảnh mới giữ được oai tín, giữ được thể diện. Nói thế hết sức sai. Muốn có oai tín thể diện, thì phải làm việc cho giỏi. Nếu ăn mặc bảnh, mà được oai tín, thể diện, thì mấy chàng Sở Khanh chẳng nhiều thể diện, oai tín lắm ư”.
Hiện nay, trong hệ thống chính trị của ta có không ít cán bộ ăn chơi hoang phí, xa xỉ, trong khi Nhân dân còn nhiều người nghèo khổ, họ không biết hoặc cố tình quên rằng, hoang phí, lãng phí công sức, tiền của Nhân dân “là một tội ác”. Cũng có không ít cán bộ thể hiện uy tín, thể diện của mình bằng những trang bị vật chất xa hoa mà ít quan tâm đến hiệu quả công việc, đến nguyện vọng của quần chúng nhân dân; họ không biết rằng, làm như vậy là họ đã tự xa dân, tự đánh mất đi niềm tin của quần chúng.
Để thực hiện tốt Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên cần phải nghiên cứu quán triệt sâu sắc, tích cực học tập và làm theo phong cách gương mẫu của Người để quần chúng nhân dân noi theo. Trong đó, cần tập trung vào một số nội dung trọng tâm sau đây:
- Thứ nhất, trong mọi hoạt động lãnh đạo và quản lý, cán bộ, đảng viên phải luôn luôn phát huy vai trò độc lập, tự chủ, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, lấy lợi ích của Đảng, của Nhân dân làm cơ sở cho hoạt động của mình; phải tiên phong trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, phải làm gương trong mọi công việc từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên về mọi mặt, phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, nói đi đôi với làm.
- Thứ hai, người cán bộ, đảng viên phải luôn gần dân, sâu sát dân, nắm bắt được nguyện vọng của quần chúng nhân dân.
Bản chất của chế độ ta là “bao nhiêu lợi ích đều về dân”; “Bao nhiêu cách tổ chức và cách làm việc, đều vì lợi ích của quần chúng, vì cần cho quần chúng”. Do vậy, đội ngũ cán bộ phải luôn sâu sát quần chúng, xuất phát từ quần chúng để rèn luyện, điều chỉnh tác phong, phương pháp làm việc của mình.
- Thứ ba, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn luôn gương mẫu trong công tác và đời sống sinh hoạt hàng ngày.
Cán bộ, đảng viên với tư cách là những người lãnh đạo, quản lý, ví như “cái đầu”, “bộ óc” của quần chúng nhân dân. Do vậy, cán bộ, đảng viên phải là người tiên phong gương mẫu trong mọi hoàn cảnh. Tiên phong, gương mẫu đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải miệng nói, tay làm, thống nhất lời nói với hành động, thực hiện lý luận gắn với thực tiễn. Đây là những biểu hiện không thể thiếu của tác phong sâu sát thực tế, là yếu tố tạo nên niềm tin của quần chúng. Cơ sở tạo nên sự bền vững của mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và Nhân dân./.
Văn Giàu