Truy cập hiện tại

Đang có 168 khách và không thành viên đang online

Làm theo gương Bác Hồ

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh: Khắc phục bệnh nói dài trong hội nghị

(TGAG)- Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “Cần, kiệm, liêm, chính” là phẩm chất đạo đức gắn liền với hoạt động hằng ngày của mọi người; là một trong bốn chuẩn mực cơ bản của nền đạo đức mới, đạo đức cách mạng Việt Nam.

Bác dạy: “Kiệm” tức là tiết kiệm, tiết kiệm tiền bạc, tiết kiệm thì giờ, của cải của nhân dân, nhà nước, bản thân mình...  Thời giờ cũng cần phải tiết kiệm như của cải. Của cải nếu hết, còn có thể làm thêm. Khi thời giờ đã qua rồi, không bao giờ kéo nó trở lại được. Có ai kéo lại ngày hôm qua được không? Tục ngữ có câu: “Thời giờ là tiền bạc”.

Bác Hồ xem thời gian như tiền bạc, của cải. Bác quý thời gian của mình, quý thời gian của người khác. Học tập và làm theo gương Bác, để tiết kiệm thời gian trong các hội nghị, chúng ta phân tích, tìm nguyên nhân vì sao bệnh nói dài bộc phát? thuốc nào chữa trị?

Trước nhất, bệnh nói dài khởi phát từ sự yếu kém về lý luận: thiếu học tập, thiếu kiến thức, chưa đủ trình độ để trình bày lý giải sự việc, vấn đề mà mình muốn nêu ra; nên nói lòng vòng, trùng lấp, không rõ ràng, không mạch lạc, mất thời gian.

Thứ hai, bệnh nói dài thuộc về những người lý luận suông: họ dùng ngôn từ hoa mỹ, trích dẫn kinh điển, nói y như sách vở; họ không nắm thực tiễn, phát biểu không nhằm vào giải quyết công việc của hội nghị, mà cốt để khoe tài ăn nói, khoe kiến thức, trình độ, thành tích của mình. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, kiểu có lý luận ấy như “có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên” thì kiểu phát biểu đó cũng vô ích, chỉ gây lãng phí thời gian hội nghị.

Thứ ba, bệnh nói dài là bệnh của người không chuẩn bị trước khi phát biểu: trước khi đưa ra chính kiến, ý tưởng, ý kiến ủng hộ hay bác bỏ một vấn đề, đều phải có sự chuẩn bị, ít nhất là có cơ sở thực tiễn hoặc cơ sở lý luận (tốt nhất là có cả hai) để đồng tình hay phản đối; lý giải, bảo vệ quan điểm của mình. Không có sự chuẩn bị cần thiết thì không thể nói rõ và ngắn được. Cũng có người tuy thông thái, nhưng do không chuẩn bị bố cục nội dung phát biểu, mà nhớ đâu nói đấy, thích việc nào nói việc nấy nên thường bị sa đà vào vụ việc, bức xúc cá nhân, quên đi chủ ý muốn diễn đạt; nói không vào trọng tâm, dài dòng, lãng phí thời gian.

Đối với các đồng chí được phân công triển khai nội dung hội nghị, do chủ quan hoặc thiếu thời gian, không chuẩn bị đề cương trình bày, không chuẩn bị lý luận để nêu bật được những nội dung quan trọng; vào hội nghị chỉ đọc nguyên văn báo cáo viết sẵn; hoặc phát biểu lòng vòng vừa thừa vừa thiếu; mất thời gian.

Với lãnh đạo chủ trì hội nghị, nếu không có đầu tư trí tuệ, chuẩn bị trước nội dung chủ yếu, định hướng chỉ đạo những vấn đề cốt lỏi; thì không thể nào kết luận hội nghị đủ, rõ, ngắn, tiết kiệm thời gian được.

Nếu chủ trì cuộc họp không tập trung theo dõi lắng nghe các nội dung hội nghị triển khai, không nắm đầy đủ các ý kiến phát biểu đóng góp thảo luận; không có sự đầu tư suy nghĩ, lý giải, đúc kết thì cũng không thể nào kết luận hội nghị ngắn, đủ, thỏa mãn các ý kiến trái nhau... hoặc kết luận không đầy đủ, hoặc kết luận dài dòng lãng phí thời gian.

Nếu đơn vị nào cứ tiếp tục không chuẩn bị chu đáo cho các phiên họp mà mình triệu tập; cứ kéo dài sự yếu kém về lý luận, mãi lý luận suông, thì kết quả hội họp ở đơn vị đó sẽ đạt được “nhiều cũ, ít mới”: hội nghị sơ kết quý sau gần giống quý trước, hội nghị tổng kết năm trước cũng gần giống năm sau; bệnh nói dài ngày càng nặng hơn, lan ra nhiều người hơn; đại biểu dự họp sẽ nhiều uể oải và thưa dần; thời gian bị lãng phí nghiêm trọng... là con đường chắc chắn đưa đơn vị đi tới mục tiêu yếu kém.

Muốn chữa bệnh nói dài, người xưa dạy: trước khi nói phải “uốn lưỡi”, trước khi phát biểu trong hội nghị phải có sự chuẩn bị: ý tưởng, bố cục diễn đạt nội dung muốn nói, lập luận để lý giải sự việc...

Muốn khắc phục bệnh nói dài do yếu kém lý luận thì phải học tập nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước; học tập công tác tư tưởng lý luận...

Muốn khắc phục bệnh nói dài do lý luận suông thì phải học tập lý luận gắn liền với thực tiễn công tác, thực tiễn phong trào cách mạng, thực tiễn cuộc sống...

Muốn chữa tận gốc bệnh nói dài, phải làm theo lời Bác dạy: Học tập, nâng cao trình độ nhận thức, lý luận, học đi đôi với hành, lý luận liên hệ với thực tế; tự học tập tu dưỡng rèn luyện; tự chữa các căn bệnh: tự cao, yếu kém lý luận, coi thường lý luận, lý luận suông... của mình; xem nhiệm vụ học tập lý luận gắn với thực tiễn cách mạng, phục vụ cho sự nghiệp cách mạng là trách nhiệm suốt đời của cán bộ, đảng viên.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về tiết kiệm chống lãng phí thời gian đã đi vào cuộc sống, được đưa vào “Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”. Bác dạy: “Muốn tiết kiệm thời giờ, thì việc gì ta cũng phải làm cho nhanh chóng, mau lẹ. Tiết kiệm thời giờ là tiết Kiệm và cũng là Cần. Bất kỳ làm việc gì, khi đã làm thì phải hăng hái, chăm chỉ, chuyên chú, làm cho ra trò. Tiết kiệm thời giờ của mình, lại phải tiết kiệm thời giờ của người khác. Không nên ngồi lê, nói chuyện phiếm, làm mất thời giờ người khác”.

Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, chúng ta phải nổ lực khắc phục tình trạng viết báo cáo dài, triển khai dài, phát biểu dài, chỉ đạo, kết luận dài...; nỗ lực chữa cho thật hiệu quả “bệnh nói dài”, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thời gian trong các phiên họp!

Hòa Bình


Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40127430