Truy cập hiện tại

Đang có 61 khách và không thành viên đang online

Làm theo gương Bác Hồ

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm

(TGAG)- Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn: cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải hết sức nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhiệm vụ, công việc được giao, dù là việc lớn hay việc nhỏ, việc đơn giản hay phức tạp, nhiệm vụ bình thường hay quan trọng, bí mật...

Theo Người, nêu cao tinh thần trách nhiệm là: khi Đảng, Chính phủ, hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công. Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy,... là không có tinh thần trách nhiệm.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ kêu gọi, yêu cầu mọi người phải nêu cao tinh thần trách nhiệm. Cả cuộc đời của Người là tấm gương thể hiện một cách đầy đủ, trọn vẹn về nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với Tổ quốc, đối với Nhân dân. Tư tưởng, tấm gương đạo đức sáng ngời ấy cần được tất cả mọi người học tập và làm theo.

Ra đi tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh mang theo hoài bão, khát vọng giành lại nền độc lập cho Tổ quốc. Những hoạt động của Người trong thời gian tìm đường cứu nước (1911-1920) là công việc tự giác, là trách nhiệm của một người dân đối với Tổ quốc, đối với Nhân dân. Suốt gần mười năm trải qua bao gian khổ tìm tòi, chiêm nghiệm, khám phá…, cuối cùng Người đã tìm thấy chân lý, hoàn thành trách nhiệm đầu tiên do chính mình đặt ra.

Sau khi tìm được con đường cứu nước, Hồ Chí Minh tự xác định trách nhiệm thức tỉnh dân tộc Việt Nam, trước hết là lớp trí thức thanh niên yêu nước, về nhiệm vụ và con đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Đầu năm 1930, Người đã hoàn thành được một nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, đó là sáng lập ra đội tiền phong của giai cấp công nhân và của cả dân tộc - Đảng Cộng sản Việt Nam - để lãnh đạo toàn dân đấu tranh giành lại nền độc lập của Tổ quốc.

Vào đầu những năm 30 của thế kỷ trước, khi còn ở trong nhà tù Victoria của thực dân Anh ở Hồng Kông, Hồ Chí Minh không nề gian khổ, đau đớn, thậm chí hy sinh cả tính mạng của mình, mà nổi lo lớn nhất của Người là những công việc mình làm chưa xong, ai sẽ tiếp tục làm thay. Người tâm sự: Đối với người cách mạng, không gì khổ tâm bằng đã hoạt động được, lại mất liên lạc với đoàn thể lâu ngày. Điều đó làm cho người cách mạng đêm, ngày cô độc.

Khi trở lại Mát-cơ-va, Người được cử đi an dưỡng một thời gian để phục hồi sức khỏe. Tại Xô-chi trên bờ biển Đen, Người đặt kế hoạch tập luyện để phục hồi sức khỏe, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ mới. Trong thời gian nhận công tác tại Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa, Người trăn trở, sốt ruột về tình trạng “không hoạt động”, coi đó là một tình cảnh đau buồn, vì như “như là sống ở bên cạnh, ở bên ngoài của Đảng”. Người sốt sắng nêu yêu cầu được hoạt động, mong muốn nhanh chóng được trở về nước cùng Đảng ta lãnh đạo cách mạng.

Ngay sau khi về nước, đầy khó khăn, gian khổ…, Bác khẩn trương bắt tay vào thực hiện nhiều công việc quan trọng, chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Người kêu gọi nhân dân tham gia Mặt trận Việt Minh, coi trách nhiệm cứu quốc là việc chung, ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm. Người xác định trách nhiệm của mình: “Riêng phần tôi, xin đem hết tâm lực đi cùng các bạn, vì đồng bào mưu giành tự do độc lập, dầu phải hy sinh tính mệnh cũng không hề”.

 Người đã vượt qua 13 tháng bị đọa đày trong hơn 30 nhà giam của chính quyền Quốc dân Đảng Trung Quốc tại tỉnh Quảng Tây. Trong hoàn cảnh lao tù, Người xác định “Muốn nên sự nghiệp lớn, tinh thần càng phải cao”, “Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng”. Việc bị bắt, Người tự nhận là vì “hành động không đủ khôn khéo để đồng bào, đồng chí phải phiền lòng”.

Lời tâm sự của Người đã nói lên ý thức với tinh thần trách nhiệm cao cả: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của nhân dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó… Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi chỉ theo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân”.

Từ sau năm 1945, với cương vị là người đứng đầu Đảng và Nhà nước, trong hoàn cảnh cách mạng “ngàn cân treo sợi tóc” những năm 1945-1946, Người xác định trách nhiệm quan trọng nhất là cùng với Đảng với dân bảo vệ được nền độc lập dân tộc mới giành được, để xây dựng đất nước, mang lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

Trong quan hệ với Nhà nước và Nhân dân, Hồ Chí Minh nhận thức rõ đó là nhận sự ủy thác của quốc dân, đồng bào; hoàn thành trách nhiệm được Tổ quốc giao phó “cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận” nhằm làm cho “nước ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”; xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới…

Trong lãnh đạo cách mạng, có lúc Đảng phạm sai lầm, khuyết điểm. Hồ Chí Minh đã thể hiện tinh thần dám chịu trách nhiệm, không né tránh, thay mặt Đảng, Nhà nước xin lỗi nhân dân. Trong Thư gửi đồng bào nông thôn và cán bộ nhân dịp cải cách ruộng đất ở miền Bắc căn bản hoàn thành, sau khi nêu những khuyết điểm, sai lầm của Đảng, Người viết “Trung ương Đảng và Chính phủ đã nghiêm khắc kiểm điểm những sai lầm, khuyết điểm ấy và đã có kế hoạch kiên quyết sửa chữa, nhằm đoàn kết cán bộ, đoàn kết nhân dân, ổn định nông thôn, đẩy mạnh sản xuất”.

Để học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm, mỗi cán bộ, đảng viên phải quán triệt, thực hiện những lời dạy của Bác trong điều kiện và hoàn cảnh mới. Nhưng cái lớn nhất, xuyên suốt, không thay đổi là thực hiện lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Phải biến ý chí, tinh thần trách nhiệm trong sự nghiệp giành độc lập dân tộc, trong chiến đấu xóa nổi nhục nô lệ, lầm than thành ý chí tinh thần trách nhiệm trong xây dựng đất nước và xã hội mới, nhằm xóa nỗi nhục nghèo nàn, lạc hậu. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải xác định rõ cách thức và mức độ thể hiện tinh thần trách nhiệm, ý thức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân thông qua nhiệm vụ cụ thể, trong từng hoàn cảnh cụ thể. Khi mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thấm nhuần, quán triệt sâu sắc tư tưởng và tấm gương vì nước quên thân, vì dân phục vụ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chắc chắn có thể vận dụng và thực hành tốt trong mỗi vị trí công tác của mình./.

Văn Giàu
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40429805