Truy cập hiện tại

Đang có 186 khách và không thành viên đang online

Làm theo gương Bác Hồ

Hồ Chí Minh với việc chỉ đạo xây dựng và kiện toàn Ủy ban nhân dân các cấp sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945

(TGAG)- Một trong những hoạt động trọng tâm của Hồ Chí Minh trong năm đầu tiên (9/1945 - 12/1946) trên cương vị người đứng đầu nhà nước Việt Nam mới là lãnh đạo xây dựng và kiện toàn hệ thống ủy ban nhân dân các cấp. Đây cũng là giải pháp được Hồ Chí Minh thực thi một cách mạnh mẽ, thường xuyên và hiệu quả góp phần vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ ra đời từ cuộc cách mạng mùa thu vĩ đại.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 gột rửa tất cả những đau đớn, bất công của kiếp sống nô lệ, mang lại cho nhân dân Việt Nam vị thế của người làm chủ đất nước. Ấy thế mà chẳng bao lâu sau, nhà nước dân chủ nhân dân - nơi thể hiện rõ ràng nhất vị thế làm chủ đất nước của nhân dân Việt Nam - đứng trước những khó khăn trầm trọng. Với tính chất chống đế quốc triệt để, với vị trí tiên phong trong phong trào chống chủ nghĩa thực dân tại một địa bàn chiến lược quan trọng, cách mạng Việt Nam trở thành đối tượng chống phá quyết liệt của các thế lực đế quốc và phản động quốc tế. Bọn chúng cố dàn xếp những mâu thuẫn về quyền lợi hòng chĩa mũi nhọn xóa bỏ nền độc lập cùng chính quyền cách mạng mà nhân dân ta vừa giành được và thiết lập nên, ngăn chặn làn sóng cách mạng lan sang các nước Đông Nam Á. Vì vậy, chỉ trong vòng 20 ngày sau tổng khởi nghĩa tháng Tám, quân đội các nước đồng minh đã ồ ập kéo đến. Lấy vĩ tuyến 16 làm ranh giới, quân đội Tưởng Giới Thạch ồ ạt tiến vào phía Bắc, quân Pháp núp bóng thực dân Anh trở lại xâm lược ở phía Nam. Các thế lực nội phản nổi dậy. Những khó khăn nảy sinh bởi nạn đói, nạn dốt lại như tiếp sức cho các thế lực thù địch trong âm mưu hiện thực hóa mục tiêu lật đổ chính quyền cách mạng. Tất cả các khó khăn trên đẩy chính quyền cách mạng lâm vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Lịch sử đặt ra cho Hồ Chí Minh trên cương vị người chèo lái chính quyền cách mạng phải thể hiện một cách nhanh chóng nhất và đầy đủ nhất tính ưu việt vượt trội của một nhà nước dân chủ nhân dân. Vì bởi giữ chính quyền còn khó hơn cả việc giành lấy nó nhất là trong điều kiện chính quyền ấy đang ở tình thế ngàn cân treo sợi tóc càng khiến cho yêu cầu đó trở nên cấp bách, cũng lại càng bật lên ý nghĩa to lớn của nhiệm vụ trọng đại này.

Trên cơ sở nhận thức sâu sắc điều đó, Hồ Chí Minh đã thi hành nhiều quyết sách nhằm xây dựng và kiện toàn hệ thống ủy ban nhân dân các cấp như là một phần quan trọng của việc xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng đồng bộ từ trung ương đến địa phương. Cơ sở để Người đề ra quyết sách xuất phát từ tầm nhìn chiến lược và khả năng phân tích sâu sắc thực tiễn hoạt động của ủy ban nhân dân các cấp trong thời gian đầu ngay sau khi nó được thành lập. Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, nhất là kinh nghiệm của Lênin trong những năm đầu sau cách mạng tháng Mười, là cơ sở lý luận soi đường cho Hồ Chí Minh trong công vụ này.

Hồ Chí Minh quan niệm “Ủy ban nhân dân (làng, huyện, tỉnh, thành phố) là hình thức Chính phủ trong các địa phương…”  do toàn thể nhân dân Việt Nam (trừ bọn Việt gian bị tước công quyền) từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt trai gái, giàu nghèo, Việt Minh hay không Việt Minh ứng cử hoặc bầu cử vào. Ủy ban nhân dân thực hiện hình thức của một chính phủ ở địa phương nên vị trí, vai trò của nó đối với địa phương cũng như vai trò của chính phủ đối với toàn thể bộ máy chính quyền. Người cũng khẳng định tính chất dân chủ nhân dân của ủy ban nhân dân khi khẳng định ủy ban đó do toàn thể nhân dân đủ tiêu chuẩn ứng cử hoặc bầu cử ra. Từ đây, hoạt động xây dựng và kiện toàn ủy ban nhân dân các cấp được Hồ Chí Minh lãnh đạo thực hiện trên hai phương diện: 1. Hoàn thành đúng vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của ủy ban nhân dân các cấp; 2. Xây dựng quan hệ tốt đẹp giữa cơ quan chính quyền (ở đây là ủy ban nhân dân) với nhân dân cùng hướng vào việc thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng trong thời gian này.

Để ủy ban nhân dân hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, Hồ Chí Minh chú trọng đến việc tuyển chọn người tham gia vào. Quan điểm nhất quán của Người là “toàn thể nhân dân Việt Nam (trừ bọn Việt gian bị tước công quyền)) từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt trai gái, giàu nghèo, Việt Minh hay ngoài Việt Minh, ai cũng có quyền ứng cử hay bầu cử người vào các Ủy ban này” . Điều đó cho thấy Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc phát huy dân chủ trong xây dựng và kiện toàn hệ thống ủy ban nhân dân các cấp. Trong điều kiện chính quyền cách mang đang gặp phải khó khăn chồng chất thì càng phải phát huy dân chủ. Nhưng dân chủ mà Hồ Chí Minh nhấn mạnh cần phải phát huy là dân chủ có chọn lọc. Toàn thể nhân dân Việt Nam mà Người nói đến lại cần phải chú ý đến ba thành phần. Những kẻ bị tước công quyền vì các lý do khác nhau, phần nhiều là do phản bội Tổ quốc thì kiên quyết không cho tham gia vào các ủy ban. Những người không bị tước công quyền nhưng chưa xứng đáng đảm nhiệm trọng trách nhân dân giao phó thì kiên quyết không để cho họ “nhờ tiền tài hay một thế lực gì khác mà chui tọt vào” . Trái lại, Hồ Chí Minh yêu cầu “phải chọn những người có công tâm, trung thành, sốt sắng với quyền lợi dân chúng, có năng lực làm việc, được đông đảo dân làng tín nhiệm” . Để có thể chọn lựa tốt không gì khác hơn là phải phát huy dân chủ, khai thác sự sáng suốt trí tuệ của nhân dân. 

Việc dùng người tham gia công việc của Ủy ban nhân dân được tiến hành theo phương châm “tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy”. Có điều, người cán bộ ủy ban nhân dân “chăm chỉ làm việc chưa đủ, cần phải biết làm việc cho có phương pháp. Phải cần và phải cẩn nữa”. Hơn thế, cần phải có tinh thần “tự chỉ trích” để cán bộ ngày càng tốt hơn. Tinh thần tự động, tức là “tự mình biết biến báo xoay sở, tự mình biết thực hành công tác theo nhiều hình thức mới mẻ, phong phú”, cũng là yêu cầu mà Hồ Chí Minh chỉ ra cho cán bộ ủy ban nhân dân. Nhưng “tinh thần tự động mạnh mẽ” không thể đi đôi với “tính cái gì cũng tự tiện”. Cán bộ như thế không phải chỉ chăm chăm giải quyết những công việc sự vụ mà phải đem hết tâm lực hoàn thành toàn diện lĩnh vực mình phụ trách. Dù phải thừa nhận là cán bộ thiếu rất nhiều nhưng Hồ Chí Minh vẫn thể hiện tinh thần “cần” đi đôi với “cẩn” trong lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ cho các ủy ban nhân dân.

Thiếu óc tổ chức là một khuyết điểm lớn trong các ủy ban nhân dân. Để minh chứng cho khẳng định của mình, Hồ Chí Minh chỉ ra những khiếm khuyết về tổ chức của các ủy ban nhân dân như: “Chia công việc không khéo thành ra bao biện… Có kế hoạch làm việc nhưng sắp đặt công việc không khéo, phân công không sáng suốt…, kế hoạch đã sơ sài, phân công đã không sáng suốt, rồi sau làm lại không kiểm điểm lại” . Thế nên, Hồ Chí Minh viết hẳn bài “Cách tổ chức các ủy ban nhân dân”. Người cho rằng mỗi ủy ban có từ 5 đến 7 người thì phải cử ra một chủ tịch, một phó chủ tịch, một thư ký và 4 ủy viên phụ trách các lĩnh vực chính trị, kinh tế tài chính, quân sự, xã hội. Mỗi vị trí làm các công việc khác nhau như sau:

Chủ tịch là người đứng đầu Ủy ban, có nhiệm vụ đốc suất, củ soát, liên lạc với cấp bộ cấp trên và các tổ chức trong địa phương, chiêu tập và điều khiển các cuộc họp.

Phó Chủ tịch giúp đỡ và thay Chủ tịch khi anh này bận hay đi vắng.

Thư ký giữ sổ sách, làm biên bản trong các cuộc họp.

Ủy viên phụ trách chính trị có nhiệm vụ thành lập toàn án dân chúng trừng trị những kẻ phạm tội, trái luật, do thám, tiễu trừ Việt gian. Tuyên truyền hay huấn luyện chính trị cho nhân dân, làm cho họ đoàn kết chặt chẽ xung quanh Chính phủ.

Ủy viên phụ trách kinh tế tài chính có nhiệm vụ giữ và dùng quỹ địa phương, quyên tiền, thu thuế lợi tức lũy tiến,… Khuyếch trương nền kinh tế địa phương; nâng cao trình độ nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp và cải thiện đời sống cho dân.

Ủy viên phụ trách quân sự có nhiệm vụ đốc suất tự vệ giữ vững sự an toàn cho nhân dân; võ trang và huấn luyện quân sự cho nhân dân; động viên họ lên đường tranh đấu du kích chống xâm lược.

Ủy viên phụ trách xã hội có nhiệm vụ tổ chức và giám đốc các cơ quan y tế, vệ sinh, cứu tế, bài trừ hủ tục,…; tổ chức và điều khiển những cuộc giải trí công cộng, du lịch, ca kịch, chiếu bóng, hội hè, kỷ niệm; Tổ chức và trông coi công cuộc giáo dục nhân dân: mở trường học, chống nạn mù chữ, mở thư viện,…
   
 Người cũng chỉ rõ “Chủ tịch, Phó Chủ tịch và thư ký có thể kiêm phụ trách hoặc kinh tế, tài chính, hoặc tuyên truyền huấn luyện, hoặc quân sự, hoặc xã hội” . Ba chức danh này họp thành ban thường vụ để chỉ huy công tác hằng ngày của ủy ban. Ít nhất mỗi tuần một lần, ban thường vụ phải họp, nửa tháng ít nhất một lần toàn thể ủy ban phải họp. Trước ngày họp, Chủ tịch là người tiếp nhận mọi đề nghị, chất vấn.

Để giúp việc cho mình, những ủy viên phụ trách, nếu cần, có thể lấy một số người ngoài ủy ban lập ra các tiểu ban tuyên truyền huấn luyện, tiểu ban tư pháp, tiểu ban quân sự,… mà trong đó ủy viên phụ trách sẽ làm trưởng ban.

Cách thức tổ chức và hoạt động như trên theo Hồ Chí Minh là “tổ chức và làm việc theo một tinh thần mới, một chế độ dân chủ mới, khác hẳn các cơ quan do bọn thống trị đặt ra”.

Xây dựng ủy ban nhân dân khác về chất so với hội đồng kỳ mục của chế độ cũ là điều mà Hồ Chí Minh hướng đến. Người khẳng định “ủy ban nhân dân làng trái với các hội đồng kỳ mục cũ thối nát” vì nó hết sức tránh bắt bớ đánh đập độc đoán, những cuộc tịch thu tài sản không đúng lý. Để ủy ban tương phản hoàn toàn với cơ quan của chế độ cũ, Hồ Chí Minh đặt ra tiêu chuẩn cốt yếu là phải làm những việc có lợi cho dân. Mọi biểu hiện sai trái gây tổn hại đến lợi ích của dân, phá vỡ mối quan hệ giữa ủy ban với nhân dân được Hồ Chí Minh quan tâm tổng kết, nêu ra nhắc nhở, chấn chỉnh. Những lỗi lầm của Ủy ban nhân dân các cấp như trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo khiến “dân chúng tín nhiệm ở Chính phủ Trung ương nhiều hơn các ủy ban địa phương” . Mất tín nhiệm của nhân dân, các ủy ban mất đi nền tảng để tồn tại, để rồi chính quyền cách mạng khi mất đi các ủy ban cũng có nghĩa là mất đi bộ máy ở cơ sở. Điều này hết sức nguy hiểm. Cần phải khắc phục ngay nguy cơ đó, Hồ Chí Minh chú tâm phổ biến phương thức lấy được lòng dân, kể cả viết riêng bài “Sao cho được lòng dân?” gửi các cấp ủy ban. Phương thức đó phải được thể hiện bằng hành động cụ thể theo phương châm “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh... Chú ý giải quyết hết các vấn đề dầu khó đến đâu mặc lòng…”.

Vì bởi cho rằng “không sợ có khuyết điểm… chỉ sợ không có quyết tâm sửa đổi”  nên Hồ Chí Minh rất nhiệt thành trong hướng dẫn các cán bộ ủy ban. Người kêu gọi: “Trong công tác, có vấn đề gì khó giải quyết, các đồng chí cứ viết thư thảo luận với tôi. Tôi rất sẵn sàng giúp ý kiến”. Để sửa chữa những khiếm khuyết đó cần phải vừa học, vừa làm theo đúng chính sách của Chính phủ. Cán bộ ủy ban “phải tỏ cho mọi người biết rằng công việc là công việc chung, thiếu người ra gánh vác thì mình ra, nếu có người thay, mình sẽ nghỉ để làm việc khác, sẵn sàng nhường lại cho ai muốn làm và làm được”.
   
Hồ Chí Minh còn phát hiện ra một biểu hiện cụ thể của lòng nhiệt tình nhưng thiếu hiểu biết thành ra hỏng việc của một số ủy ban nhân dân. Trong bài viết “Bỏ cách làm tiền ấy đi!”, Người nói về một chủ tịch ủy ban nhân dân xã rất trách nhiệm và nhiệt thành trong kiếm tiền cho dân. Điều này là đáng tuyên dương vì đã góp phần chăm lo đời sống vật chất của nhân dân. Thế nhưng, quan điểm của vị chủ tịch này lại là “miễn sao có tiền cho dân là được?”, không chú ý đến cách làm đúng hay sai nên đã bán các thứ vị như chánh phó lý, khán thủ… Hồ Chí Minh phê phán kịch liệt phương thức đó. Người nói: “Làm tiền bằng cách bán ngôi thứ tức là làm cho dân chúng có óc hiếu danh, trong khi cần phải trừ tiệt óc đó để gây cho mọi người có óc thiết thực, góp sức vào công cuộc giữ gìn và xây dựng đất nước”.

Cũng như việc chú trọng xây dựng và kiện toàn ủy ban nhân dân các cấp trong mối quan hệ với nhân dân thì Hồ Chí Minh cũng chú tâm đến trách nhiệm của người dân đối với ủy ban. Đây là cái nhìn hai chiều thể hiện tư duy biện chứng của Hồ Chí Minh. Về phía người dân, Hồ Chí Minh chú tâm phát huy quyền dân chủ trong ứng cử, bầu cử, quyền giám sát, bãi miễn, tóm lại là tham gia góp công sức, kinh phí, trí tuệ giúp cho ủy ban nhân dân đứng vững. Việc Hồ Chí Minh chú trọng ngay từ đầu đến tổ chức bầu cử hội đồng nhân dân các cấp cũng là nhằm huy động sức dân tham gia kiện toàn hệ thống ủy ban. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm chăm lo, củng cố đời sống nhân dân nhưng không có nghĩa là nhân dân trông đợi một cách thụ động. Cần hăng hái từ ủng hộ đến tham gia thực hiện chính sách của ủy ban là điều mà Hồ Chí Minh nhắn nhủ với nhân dân.

Những hoạt động không mệt mỏi của Hồ Chí Minh khi lãnh đạo xây dựng và kiện toàn ủy ban nhân dân các cấp đã góp phần xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng trong năm đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám năm 1945. Một điều dễ nhận thấy là nếu không có hệ thống ủy ban nhân dân ngày càng hoạt động hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân thì không thể có khối đại đoàn kết toàn dân vững chắc, không thể phát huy được sức mạnh toàn dân tham gia xây dựng và bảo vệ chính quyền non trẻ. Để là một chính quyền của dân, trước hết, bộ máy chính quyền cấp cơ sở - nơi gần dân nhất - phải hiểu dân, yêu dân, làm được việc cho dân và vận động, phát huy sức dân giúp chính quyền làm việc cho dân. Đó là điều mà Hồ Chí Minh nhất quán trong lãnh đạo xây dựng và kiện toàn hệ thống ủy ban nhân dân các cấp đương thời./.

Nguyễn Phương An
Trường Chính trị Tôn Đức Thắng

_____________

Tham khảo: Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 4, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000

Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37116330