Truy cập hiện tại

Đang có 74 khách và không thành viên đang online

Chung tay bảo vệ môi trường

Một số giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long mùa khô 2021 - 2022

(TUAG)- Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng kinh tế nông nghiệp quan trọng của cả nước, đóng góp khoảng 33,54% GDP nông nghiệp cả nước và 30% GDP của vùng. Vùng ĐBSCL có hệ thống sông suối, kênh rạch chằng chịt bao gồm: sông Tiền và sông Hậu, phân lưu ra các cửa sông kế tiếp nhau là sông Cổ Chiên, sông Hàm Luông, sông Ba Lai, sông Cửa Đại và Cửa Tiểu. ĐBSCL được xếp vào một trong năm đồng bằng bị tổn thương do biến đổi khí hậu trên thế giới, trong đó, dự báo nước biển dâng, thời tiết cực đoan liên quan đến hạn hán, xâm nhập mặn là vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Nông nghiệp được dự báo là một trong những ngành bị tác động nghiêm trọng nhất do biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, đặc biệt là lĩnh vực trồng trọt.


Hạn hán, xâm nhập mặn đang tiến sâu vào một số khu vực tại tỉnh Tiền Giang.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, hạn hán, xâm nhập mặn vùng ĐBSCL trong mùa khô năm 2021 - 2022 sẽ ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như mùa khô năm 2019 - 2020. Mực nước các trạm trên dòng chính sông Mekong biến đổi chậm và ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,1 - 1m. Mực nước trên sông Tiền, sông Hậu cũng được dự báo sẽ biến đổi chậm, cao nhất tuần tại Tân Châu là 1,55m; tại Châu Đốc 1,70m, ở mức cao hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 0,2 - 0,3m. Theo nhận định ban đầu, các đợt xâm nhập mặn cao nhất ở cửa sông Cửu Long có khả năng tập trung vào cuối tháng 2 và tháng 3; các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3 và tháng 4 (khoảng từ ngày 14 - 19/3, 28/3 - 03/4 và 12 - 17/4). Vào tháng 3/2022, ranh mặn sẽ tiếp tục vào sâu thêm từ 10 - 20km, lên tới 57 - 110km ở trên các nhánh sông. Xâm nhập mặn không diễn ra gay gắt như các năm 2015 - 2016 và 2019 - 2020, nhưng vẫn có thể cao hơn trung bình nhiều năm.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lũ năm 2021 ở vùng ĐBSCL nhỏ, dòng chảy sông Mekong hiện đang ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Biển Hồ (Campuchia), cung cấp nước ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Dòng chảy trên dòng chính sông Mekông giảm nhanh, lượng nước về ĐBSCL các tháng đầu mùa khô năm 2022 khả năng ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm và phụ thuộc vào vận hành hồ chứa thủy điện ở thượng nguồn. Xâm nhập mặn trong mùa khô năm nay có khả năng ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, ảnh hưởng đến việc vận hành lấy nước của các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Để chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh mùa khô năm 2021 - 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Chỉ thị số 8712/CT-BNN-TCTL ngày 22/12/2021 về việc triển khai các giải pháp ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2021 - 2022 vùng ĐBSCL, đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL cần thực hiện tốt một số biện pháp sau:

(1) Chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, tình hình xâm nhập mặn; xây dựng các kịch bản ứng phó, triển khai kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cho mùa khô năm 2021 - 2022 trước tác động của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; chủ động bố trí ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác để triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

(2) Khoanh vùng các khu vực có khả năng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn để xây dựng, thực hiện giải pháp ứng phó phù hợp. Ưu tiên nguồn nước để cấp nước phục vụ sinh hoạt, đời sống của người dân, chăn nuôi gia súc và tưới cho cây trồng.

(3) Bố trí cơ cấu cây trồng, mùa vụ phù hợp, đẩy nhanh tiến độ xuống giống sớm vụ Đông Xuân 2021 - 2022 ở các vùng ven biển, hạn chế ảnh hưởng của xâm nhập mặn; ưu tiên sử dụng các giống lúa thơm, đặc sản, chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn, nhóm giống chịu mặn, phèn để thuận tiện cho việc cung cấp nước tưới, bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

(4) Tăng cường thực hiện việc nạo vét kênh, rạch, đào ao, giếng, đắp đập tạm để trữ nước ngọt và ngăn mặn...; tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, nhất là các công trình giữ ngọt, kiểm soát mặn, hệ thống kênh mương, đường ống dẫn nước ở các vùng có nguy cơ cao xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn;

(5) Quan trắc, theo dõi, giám sát kịp thời tình hình xâm nhập mặn tại các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng, đảm bảo nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho người dân; sử dụng các trang thiết bị để cấp và trữ nước trong các hộ gia đình ở những khu vực bị hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người dân vùng ĐBSCL trong việc chủ động ứng phó những tác động do hạn hạn, xâm nhập mặn gây ra ở mùa khô 2021 - 2022, công tác tuyên truyền cần chú trọng một số nội dung sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Khẳng định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị; là trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự tham gia, giám sát của toàn xã hội.

Hai là, thông tin thực trạng và dự báo vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn vùng ĐBSCL đến đông đảo người dân vùng ĐBSCL và chính quyền các cấp để có giải pháp ứng phó kịp thời, phù hợp với diễn biến tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở địa phương vùng ĐBSCL.
    
Ba là, tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân chủ động điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp; rà soát, điều chỉnh kế hoạch sản xuất. Tuân thủ các khuyến cáo của cơ quan chuyên môn liên quan đến thời vụ và tổ chức sản xuất để hạn chế nguy cơ thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; chủ động tích trữ nước trong các hồ, ao, vùng trũng thấp, kênh rạch,... để sử dụng trong thời kỳ cao điểm hạn hán, xâm nhập mặn.

Trúc Quỳnh
_____________
Nguồn: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
39934116