Truy cập hiện tại

Đang có 172 khách và không thành viên đang online

Hoạt động khoa giáo

Đồng bằng Sông Cửu Long bàn chuyện thích ứng biên đổi khí hậu

(TGAG)- Ngày 21/10, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với UBND tỉnh An Giang tổ chức Hội nghị giao ban Khoa học và Công nghệ vùng Đồng bằng Sông Cửu Long với sự tham gia của 13 tỉnh, thành phố ở khu vực.
Tham dự Hội nghị có ông Trần Việt Thanh - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN); ông Võ Anh Kiệt - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Lê Văn Nưng - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng lãnh đạo các cục, vụ, viện trực thuộc Bộ KH&CN; lãnh đạo các Sở KH&CN 13 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long gồm Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có nền kinh tế năng động và phát triển; là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, trái cây, nuôi trồng thủy sản của Việt Nam. Trong giai đoạn 2011-2015, kinh tế xã hội của vùng đạt được nhiêu kết quả tích cực, tăng trưởng kinh tế duy trì ổn định ở mức khá cao, tăng trưởng GDP bình quân của cả vùng đạt 8,87%/năm.
Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng, lợi thế lớn Vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang đối mặt với nhiều nguy cơ thách thức lớn. Theo dự báo Vùng Đồng bằng sông Cửu Long là một trong 10 vùng chịu ảnh hưởng nạng nề nhất; dự báo đến cuối thế kỷ XXI, mực nước biển sẽ dâng 1 mét và khoảng 40% diện tích Vùng Đồng bằng sông Cửu Long bị ngập, ảnh hưởng đến sinh kế của gần 55% dân số của vùng, đến an ninh lương thực của Việt Nam và thế giới..

Hội nghị giao ban Khoa học và Công nghệ vùng Đồng bằng Sông Cửu Long là dịp để các tỉnh cùng nhìn lại những lợi thế, khó khăn và trao đổi kinh nghiệm về tổ chức, quản lý hoạt động KH&CN, thảo luận các biện pháp để giải quyết những vấn đề vướng mắc trong quá trình triển khai để phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong bối cảnh hạn hán, xâm nhập mặn và nước biển dâng ngày càng tác động mạnh mẽ lên cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
 
Các ý kiến tại hội nghị chi rõ, để đảm bảo sự phát triển bền vững của vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới rất cần các giải pháp khoa học công  nghệ mang tính đột phá, nhằm giảm tập trung nước vào các tháng đầu mùa mưa và chống hạn vào mùa khô kết hợp nâng cao hiệu quả sử dụng đất mùa lũ, bảo vệ phù sa… Mặt khác phải có sự đột phá trong công tác nghiên cứu, lai tạo giống; nhất là giống lúa-phải có được một số giống lúa có khả năng chống chịu đa tác nhân sinh học và điều kiện bất thuận như chịu được ngập, mặn, hạn hán, rét đậm rét hại và kháng sâu bệnh năng suất cao, chất lượng tốt.
Bên cạnh đó, cần kết hợp nhiều mô hình canh tác theo hướng áp dựng khoa học công nghệ cao, nhằm giảm chi phí đầu tư, kiểm soát tốt dịch bệnh và tăng lợi nhuận cho người nông dân, sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng, An Giang là một trong bốn tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó lúa gạo, cá tra - ba sa được ưu tiên phát triển theo Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020. Hiện nay, tỉnh đang tập trung thực hiện chương trình đầu tư công nghệ sinh học và công nghệ sau thu hoạch để nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm phù hợp nhu cầu trên thị trường.

Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh An Giang đã xây dựng 7 chương trình KH&CN trên các lĩnh vực: Công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển nông nghiệp bền vững, du lich, phát triển bền vững vùng sinh thái thuộc lưu vực sông Tiền, sông Hậu, vùng Bảy Núi và Tứ giác Long Xuyên trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu; dược liệu và y học cổ truyền...

Trong thời gian tới, An Giang mong muốn cùng các tỉnh bạn hợp tác về lĩnh vực KH&CN nhằm giải quyết những khó khăn do biến đổi khí hậu gây ra và phát huy những lợi thế trong vùng ĐBSCL để thúc đẩy sự phát triển chung của vùng và cả nước.


Đánh giá cao những kết quả tích cực và hoạt động KH&CN được triển khai toàn diện trên mọi lĩnh vực ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng như ghi nhận sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo các tỉnh đối với hoạt động KHCN, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công Nghệ Trần Việt Thanh nhấn mạnh, hoạt động KH&CN trong vùng thời gian qua đã đưa nhanh các tiến bộ KH&CN vào sản xuất những sản phẩm chủ lực theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn và nước biển dâng. Những mô hình như “Cánh đồng lớn sản xuất lúa gạo chất lượng cao”, “nuôi tôm siêu thâm canh”, “sản xuất cây ăn quả đặc sản, chất lượng cao,.... Từ đó, hình thành các chuỗi giá trị của sản phẩm chủ lực theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, giá trị cao, gắn với thị trường tiêu thụ, đổi mới công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm làm tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần đưa KH&CN của vùng sánh vai với các vùng phát triển của đất nước và từng bước hội nhập quốc tế.

Theo ông Thanh, Việt Nam đang hội nhập tích cực vào các hiệp định thương mại tự do FTA. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức sự phát triển kinh tế của vùng, đặc biệt là với doanh nghiệp. Một bối cảnh khác mà các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang phải đối mặt là sự tác động của biến đổi khí hậu, hạn hán xâm nhập mặn, khai thác ở thượng lưu sông Mekong đang có nhiều tác động đến khu vực hạ lưu. Vì vậy, Đảng, chính phủ đã chỉ đạo sát sao việc tái cơ cấu nền kinh tế để phát huy lợi thế vùng không để biến đổi khí hậu tác động xấu đến phát triển kinh tế.

Trong giai đoạn 2016 - 2018, vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực KH&CN để có được sự năng động, toàn diện trong phát triển kinh tế. Các Sở KH&CN các tỉnh cần nghiên cứu định hướng hoạt động KHCN trong thời kỳ hội nhập để tham mưu, tư vấn cho lãnh đạo các tỉnh thành phố. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh các hoạt động liên quan đến đổi mới, ứng dụng phát triển công nghệ để tạo ra doanh nghiệp công nghệ, phát triển sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, tạo liên kết doanh nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm.

Đã đến lúc, Các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, trong đó phân định rõ vai trò của Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân; chuyển đổi cơ cấu cây trồng và cơ cấu giống lúa theo hướng tạo ra giá trị gia tăng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân tham gia đầy đũ vào chuỗi sản xuất;  xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm gạo của vùng là yêu cầu cấp thiết, đây là khâu đột phá trong phát triển thị trường./.

Ngọc Minh – Công Mạo


Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37183369