Truy cập hiện tại

Đang có 99 khách và không thành viên đang online

Hoạt động khoa giáo

Đẩy mạnh xã hội hóa đào tạo nghề

(TGAG)- Thời gian qua công tác dạy nghề luôn được tỉnh quan tâm, huy động nhiều nguồn lực để nâng cấp các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện giúp các trường, trung tâm dạy nghề thực hiện tốt công tác dạy nghề; hỗ trợ kinh phí dạy nghề cho lao động nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là lực lượng lao động ở nông thôn góp phần giải quyết tình trạng thất nghiệp và giảm tỷ lệ hộ nghèo.


Nghề làm nhang

Hằng năm, ngoài nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ, tỉnh đã dành một khoản ngân sách để đầu tư cơ sở vật chất, giúp các trường, trung tâm dạy nghề từng bước hoàn thiện, đi vào hoạt động ổn định; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng để phát triển, nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên dạy nghề. Bên cạnh đó, qua tuyên truyền giáo dục, nhiều lao động, nhất là lao động nông thôn đã ý thức và chủ động đăng ký tham gia học các ngành nghề phù hợp. Nhiều lao động sau khi học nghề đã có thể tự tạo việc làm tại địa phương, tự tìm việc làm ở các cơ sở sản xuất kinh doanh hoặc được tư vấn giới thiệu việc làm ở các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh. Tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề: cao đẳng nghề đạt khoảng 80%, trung cấp nghề trên 70%, sơ cấp nghề và đào tạo nghề dưới 3 tháng đạt khoảng 65% .
Có thể nói, tỉnh An Giang đã triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc hỗ trợ người lao động học nghề, giải quyết việc làm, cụ thể như: thực hiện chính sách tín dụng và miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên; hỗ trợ tiền ăn cho các đối tượng đặc thù trong thời gian học nghề ngắn hạn; hỗ trợ sinh hoạt ban đầu khi làm việc ngoài tỉnh đối với số lao động thuộc gia đình chính sách, lao động hộ nghèo, hộ cận nghèo, dân tộc thiểu số... Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn được thực hiện dưới nhiều hình thức: dạy nghề chính quy tại cơ sở dạy nghề; dạy theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, liên kết với doanh nghiệp để dạy nghề; dạy nghề gắn ở các làng nghề; tổ chức dạy nghề lưu động tại các xã, phường, thị trấn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người lao động đăng ký tham gia học nghề. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường hơn, dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động và chất lượng dạy nghề được quan tâm hơn; công tác tuyển sinh học nghề đã góp phần nâng dần tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 28,76% của năm 2012 nâng lên 33,50% năm 2014.
Nhìn chung, công tác dạy nghề đã có bước phát triển hơn so với trước đây. Tuy nhiên, đối chiếu với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra vẫn còn nhiều khó khăn và hạn chế, đó là tuyển sinh trung cấp nghề, cao đẳng nghề tỷ lệ đạt rất thấp; do kinh tế khó khăn, nhiều học sinh nghỉ học phổ thông nhưng không đăng ký học nghề mà tham gia lao động để phụ giúp gia đình, việc phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông học nghề chưa hiệu quả. Công tác tuyên truyền vận động ở một số địa phương chưa được thường xuyên, sâu rộng; nhận thức về học nghề của người lao động chưa cao; công tác tuyển sinh của một số trường và cơ sở dạy nghề chưa phong phú nên chưa thu hút được sự quan tâm của học sinh và người lao động; năng lực điều hành, quản lý còn hạn chế; chưa có kế hoạch triển khai, đưa vào khai thác, sử dụng đối với các thiết bị dạy nghề đã được đầu tư, gây lãng phí. Các khu công nghiệp trong tỉnh chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư; nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hiện nay chủ yếu tuyển dụng lao động phổ thông; ngành nghề ở các địa phương chậm phát triển, một số doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế.
Nhiều địa phương chưa chọn được mô hình dạy nghề có hiệu quả để nhân rộng trên địa bàn; tiến độ mở lớp dạy nghề theo đề án dạy nghề cho lao động nông thôn ở nhiều huyện có chiều hướng chậm lại do khó chọn được nghề gắn với giải quyết việc làm ổn định lâu dài; giá gia công sản phẩm thấp, đầu ra của sản phẩm gặp khó khăn, thu nhập thấp, việc làm không ổn định… nên người lao động không gắn bó với nghề đã học.

Nghề đan

Để hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ dạy nghề, giải quyết việc làm, tỉnh An Giang tích cực tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, của xã hội và người lao động về vai trò của đào tạo nghề đối với việc tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương. Triển khai thực hiện tốt “Chính sách hỗ trợ thực hiện cơ chế đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của các đơn vị sử dụng lao động” theo Quyết định mới ban hành của Ủy ban nhân dân tỉnh đến các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh để sớm khắc phục tình trạng dạy tràn lan, không tìm được việc làm.
Tăng cường công tác quản lý đối với tài sản, thiết bị dạy nghề đã được ngân sách đầu tư phục vụ cho hoạt động dạy nghề, tránh gây lãng phí, sử dụng không hiệu quả. Đẩy mạnh xã hội hóa dạy nghề, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập cơ sở dạy nghề; huy động các cơ sở dạy nghề tư thục, các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn. Mở rộng liên kết giữa các cơ sở dạy nghề để hỗ trợ nhau về chuyên môn, trang thiết bị dạy nghề; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề, đặc biệt là ở các trường trung cấp nghề mới được nâng cấp để đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng và cơ cấu ngành nghề đào tạo; phối hợp công tác kiểm tra, giám sát tình hình dạy nghề để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy nghề trong thời gian tới./.

Bài, ảnh: Nguyễn Hùng

Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37177006