Truy cập hiện tại

Đang có 313 khách và không thành viên đang online

Công tác Khoa giáo

Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo đáp ứng nhu cầu thịt heo an toàn cho người dân

(TGAG)- Cùng với TP. HCM, An Giang là tỉnh đầu tiên trên cả nước thực hiện mô hình quản lý và truy xuất nguồn gốc thịt heo. Gần 2 năm thực hiện đã đạt nhiều kết quả nổi bật, được xem là giải pháp đột phá về cung cấp thịt heo an toàn, được Trung ương, lãnh đạo tỉnh, doanh nghiệp và nhân dân đánh giá rất cao. Đến nay, mô hình truy xuất thịt heo đã phát triển được 8 cửa hàng kinh doanh: heo được niêm phong vòng nhận diện tại trang trại; heo được kiểm soát giết mổ; heo được vận chuyển và đưa đến cửa hàng vẫn còn niêm phong vòng nhận diện; heo được bán cho người tiêu dùng có dán tem truy xuất...

Phóng viên có cuộc phỏng vấn Phó Giám đốc Sở Công thương Phan Lợi xoay quanh về kết quả này và giải pháp kinh doanh cho ngành hàng thịt heo đáp ứng nhu cầu thịt heo an toàn của người dân.

P.V: Thưa ông, mô hình truy xuất nguồn gốc thịt heo được Sở Công thương tỉnh triển khai thực hiện như thế nào?

Ông Phan Lợi: Heo kinh doanh theo mô hình sẽ được quản lý chặt chẽ, thông qua vòng nhận diện. Vòng này sẽ được đeo vào chân heo, định danh từ trang trại cung ứng, đến điểm giết mổ và nơi bán. Trong quá trình giết mổ heo, rồi vận chuyển, vòng này vẫn được niêm phong xuyên suốt đến khi giao heo cho các điểm bán truy xuất nguồn gốc. Tại các điểm bán, thịt heo sẽ được phân, xẻ nhỏ để bán cho người tiêu dùng, khi bán sẽ dán tem truy xuất và người tiêu dùng sẽ quét mã QR-Code trên tem để truy xuất tất cả các thông tin về nguồn gốc chăn nuôi, cơ sở giết mổ, cửa hàng kinh doanh…

Các đơn vị tham gia mô hình như: chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh, chúng tôi có sự lựa chọn rất kỹ và cam kết một cách tốt nhất về chất lượng đối với người tiêu dùng. Cụ thể heo tham gia mô hình đều đạt chứng nhận VietGAP.

Thit-heo-an-toan-1.jpg
Heo được pha lóc tại cửa hàng kinh doanh

P.V: Vậy, mô hình triển khai đã đạt được kết quả gì, thưa ông?

Ông Phan Lợi: Theo dự án được UBND tỉnh phê duyệt, giai đoạn thí điểm, đến cuối năm 2019 phát triển từ 6-8 cửa hàng kinh doanh thịt heo truy xuất nguồn gốc. Đến nay, có 8 cửa hàng được xây dựng và phát triển trên địa bàn tỉnh, như: Cửa hàng thịt heo Sáu Cúc-chợ Mỹ Bình, Cửa hàng thịt heo Trung Tâm-chợ Bình Khánh, Cửa hàng thịt heo Phố Thị- phường Đông Xuyên, Cửa hàng thịt heo Hoài Vũ-chợ Cái Dầu, Cửa hàng Thịt heo Năm Lượng-chợ Vịnh Tre (huyện Châu Phú), Cửa hàng Thịt heo Thanh Nga, Ngọc Bích, Ngân Huỳnh-chợ Cái Sao, phường Mỹ Thới, Siêu thị MM Mega Market.          

Ngoài mục tiêu quản lý, nhận diện, truy xuất nguồn gốc thịt heo được kinh doanh trên thị trường, dự án kỳ vọng sẽ góp phần tạo dựng thương hiệu ngành hàng thịt heo, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

P.V: Được biết, mô hình truy xuất nguồn gốc thịt heo do Sở Công thương An Giang xây dựng là một mô hình mới trong cả nước. Vậy, theo ông khó khăn lớn nhất khi triển khai xây dựng là gì?

Ông Phan Lợi: Từ trước đến nay, người tiêu dùng ít quan tâm về nguồn gốc chăn nuôi, giết mổ heo và nếu có quan tâm tìm hiểu cũng không có điều kiện để nhận biết. Ngay cả chủ các điểm, sạp, quầy thịt heo tại chợ cũng không biết rõ nguồn gốc thịt heo mình đang kinh doanh là từ đâu cung ứng. Bởi, thương lái mua heo từ khắp nơi mang về giết mổ, rồi cung cấp ra thị trường. Chính vì yếu tố kinh doanh theo kiểu truyền thống này, động lực cho các đơn vị chủ động xây dựng thương hiệu trong kinh doanh thịt heo là khó khăn.

Từ đầu năm đến nay, tình hình dịch tả heo Châu Phi lan rộng, cũng như không ít các trường hợp hay vụ việc thịt heo kém chất lượng được phát hiện, xử lý và công khai trên báo chí trong thời gian vừa qua đã tác động rất lớn đối với tâm lý người tiêu dùng.

Trước thực tế đó, Sở Công thương tỉnh sẽ tham mưu UBND tỉnh tiếp tục triển khai mô hình truy xuất nguồn gốc thịt heo. Tuy nhiên, đối mặt 2 khó khăn lớn khi triển khai xây dựng mô hình: Thứ nhất, giá bán thịt heo tại các cửa hàng, sạp kinh doanh thịt heo truy xuất nguồn gốc có giá bằng hoặc cao hơn (tùy thời điểm) so với thịt heo kinh doanh theo kiểu truyền thống. Thứ hai, quá trình vận động các hộ kinh doanh thịt heo thay đổi theo hướng áp dụng kinh doanh truy xuất nguồn gốc chưa được thuận lợi. Do các hộ đã quen với cách kinh doanh cũ trước đây, thay đổi mô hình kinh doanh cũng đồng nghĩa với thay đổi các quan hệ kinh tế.

Thit-heo-an-toan-2.jpg
Cửa hàng Thịt heo Sáu Cúc- Chợ Mỹ Bình

P.V: Thưa ông, để khắc phục các khó khăn, sắp tới Sở Công thương có giải pháp gì kinh doanh cho ngành hàng thịt heo đáp ứng nhu cầu thịt heo an toàn của người dân?

Ông Phan Lợi: Sẽ tiếp tục tuyên truyền rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân về tiêu thụ thịt heo có truy xuất nguồn gốc, tập trung phát triển thêm hệ thống các cửa hàng kinh doanh thịt heo truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, tiếp tục làm việc với hệ thống các cửa hàng kinh doanh nông sản, thực phẩm trên địa bàn tỉnh để đưa thịt heo truy xuất nguồn gốc được kinh doanh tại hệ thống các cửa hàng này, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và thúc đẩy phát triển kinh tế ngành thịt heo cho bà con trong tỉnh góp phần đảm bảo thực phẩm an toàn và sức khỏe người dân.

P.V: Xin cảm ơn ông!

HẠNH CHÂU (thực hiện)

Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37065530