Truy cập hiện tại

Đang có 71 khách và không thành viên đang online

Công tác Khoa giáo

Công tác lãnh đạo của các cấp ủy đảng và kết quả bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh

(TGAG)- Công tác bảo vệ môi trường ở An Giang đã có những tiến bộ khá rõ nét, nhất là từ khi triển khai, thực hiện Kế hoạch số 62-KH/TU, ngày 26/8/2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”.

Công tác lãnh đạo của cấp ủy đảng, chỉ đạo của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở được tăng cường và có nhiều chuyển biến tích cực, hiệu quả cao. Đã chủ động cụ thể hóa các chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước thành các nội dung, nhiệm vụ về quản lý phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường ở địa phương. Các nội dung, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ môi trường đã có chiều sâu; công tác phòng ngừa, kiểm soát bảo vệ đến việc xử lý khắc phục ô nhiễm trong lao động sản xuất và các hoạt động dễ phát thải ô nhiễm môi trường được chú ý. Công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật về môi trường được quan tâm nhiều hơn.

Quy hoạch, kế hoạch bảo vệ môi trường được chú trọng. Môi trường tại các khu công nghiệp được quan tâm nhiều hơn, một số doanh nghiệp đã đầu tư đổi mới công nghệ, xây dựng các công trình xử lý chất thải, góp phần hạn chế được mức độ gia tăng ô nhiễm và từng bước cải thiện chất lượng môi trường ở một số khu vực trọng điểm.

Các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trong tỉnh đã và đang từng bước được triển khai xây dựng nhằm góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường; chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng hố xí hợp vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh, chương trình phòng ngừa dịch hại tổng hợp đạt được một số kết quả nhất định; tình hình phá rừng, cháy rừng được hạn chế, nhiều diện tích rừng được tái sinh.

Công tác giáo dục tuyên truyền nâng cao ý thức và huy động lực lượng của các doanh nghiệp, tổ chức cơ quan đơn vị và tầng lớp nhân dân về bảo vệ môi trường được chú trọng. Hình thành cơ chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang trong việc thực hiện công tác tập huấn, tuyên truyền về bảo vệ môi trường hằng năm.

Hoạt động phối hợp nổi bật, thường xuyên giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang đó là hằng năm thông qua hệ thống ban tuyên giáo các huyện, thị, thành ủy đã tuyên truyền kịp thời các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường mới ban hành đến lực lượng báo cáo viên, lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện, thường trực đảng ủy cấp xã, bí thư, phó bí thư khóm, ấp và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh... Kết quả từ năm 2013 đến năm 2017 đã phối hợp mở 53 lớp, với trên 4.047 đại biểu tham dự, tạo được bước chuyển biến nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và người dân về tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường đối với sự phát triển bền vững của đất nước, bước đầu hình thành ý thức bảo vệ môi trường trong các tầng lớp nhân dân.

Nhận thức bảo vệ môi trường không chỉ dừng lại ở các sinh hoạt mang tính văn hóa, xã hội và nhân văn mà còn là yếu tố quan trọng thúc đẩy tiến trình xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường. Hằng năm, các ngành và các địa phương đều tổ chức các sự kiện, chiến dịch truyền thông về môi trường; phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh công tác giáo dục, đào tạo và nâng cao nhận thức môi trường cho cộng đồng. Năng lực tham mưu, đề xuất, quản lý của các cơ quan chuyên môn các cấp được tăng cường. Thực hiện khá tốt xã hội hóa về bảo vệ môi trường, nên ở nhiều nơi môi trường đã có sự cải thiện rõ rệt.

Thông qua các hoạt động truyền thông, tuyên truyền, ý thức bảo vệ môi trường của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, các cấp, các ngành và toàn xã hội đã có những chuyển biến rõ rệt, góp phần tích cực thúc đẩy công tác bảo vệ môi trường. Nhiều mô hình tốt, nhiều gương người tốt, việc tốt trong lĩnh vực hoạt động bảo vệ môi trường đã xuất hiện.

Bên cạnh đó, công tác bảo vệ môi trường thời gian qua cũng còn tồn tại, hạn chế, đó là: các cấp ủy đảng, chính quyền từng lúc, từng nơi chưa nhận thức đầy đủ, đúng mức về tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường đối với sự nghiệp phát triển bền vững; còn khoảng cách khá lớn giữa nhận thức và hành động, giữa cam kết và thực hiện. Đặc biệt, trong chỉ đạo, điều hành, tư tưởng “nặng về kinh tế”, xem nhẹ yêu cầu bảo vệ môi trường còn phổ biến ở một số địa phương, đơn vị.

Ý thức về bảo vệ môi trường vẫn chưa thành thói quen, nếp sống của đa số dân cư. Ý thức của các hộ sản xuất kinh doanh, nhất là các hộ sản xuất kinh doanh thuộc các làng nghề về giữ gìn vệ sinh môi trường chưa cao. Còn một bộ phận không nhỏ có tư duy thiếu tôn trọng thiên nhiên, hành vi ứng xử, lối sống, tiêu dùng thiếu thân thiện với môi trường, ý thức bảo vệ tài nguyên, môi trường còn thấp. Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật chưa sâu. Thực hiện xã hội hóa về bảo vệ môi trường chưa mạnh. Việc kiểm tra, thanh tra xử lý các vi phạm chưa thật kiên quyết. Tổ chức bộ máy, lực lượng cán bộ, cơ sở vật chất kỹ thuật, kinh phí đầu tư còn thiếu nên công tác còn nhiều tồn tại và bất cập.

Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ của toàn xã hội, của các cấp, các ngành, các tổ chức, các doanh nghiệp, cộng đồng và từng người dân. Chỉ có sự tham gia tích cực của mọi tổ chức, mọi gia đình và mỗi người dân, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý của chính quyền và sự phối hợp của các đoàn thể thì công tác bảo vệ môi trường mới đem lại hiệu quả thiết thực. Do đó, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường của cộng đồng xã hội trong thời gian tới.

NGUYỄN ĐĂNG GIAI

Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
39939411