Truy cập hiện tại

Đang có 240 khách và không thành viên đang online

Công tác Khoa giáo

An Giang: Công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến nghị quyết, chính sách, pháp luật góp phần phát triển bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

(TGAG)- Với sự quan tâm đặc biệt của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (BHXH, BHYT) trong hệ thống chính sách an sinh xã hội, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020. Do vậy, việc phổ biến, tuyên truyền và tổ chức quán triệt học tập Nghị quyết số 21- NQ/TW, ngày 22-11-2012 của Bộ Chính trị có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhất là việc đề cao vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp trong việc lãnh đạo công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, chế độ về BHXH, BHYT để cán bộ, đảng viên và nhân dân thấy rõ vai trò, ý nghĩa của bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong hệ thống an sinh xã hội; quyền lợi và nghĩa vụ của người dân khi tham gia BHXH, BHYT. Trong hoạt động này, không thể thiếu vai trò phối hợp giữa cơ quan Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Bảo hiểm Xã hội tỉnh và các ngành, đoàn thể.
       
Trước tiên, với chức năng tham mưu trong việc tổ chức quán triệt, triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phối hợp với Bảo hiểm Xã hội tỉnh và các cơ quan liên quan tham mưu Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 23-CTr/TU, ngày 16-5-2013 thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020”. Đồng thời, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện trong hội nghị cán bộ chủ chốt toàn tỉnh nội dung Nghị quyết số 21-NQ/TW và Chương trình hành động số 23-CTr/TU.

Bên cạnh đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị định hướng công tác tuyên truyền hằng tháng với các cơ quan báo chí trong tỉnh. Từng thời điểm có lồng ghép nội dung công tác BHXH, BHYT trong nội dung hội nghị; chỉ đạo cho các cơ quan truyền thông đại chúng dành thời lượng, chuyên trang, chuyên mục để tuyên truyền thường xuyên về các chính sách an sinh xã hộ, trong đó có BHXH, BHYT.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng thường xuyên tuyên truyền, cung cấp các thông tin về chủ trương, chính sách mới về BHXH, BHYT cho đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh thông qua Hội nghị báo cáo viên định kỳ. Các nội dung tuyên truyền về BHXH, BHYT còn được thường xuyên đăng tải bằng các bài viết về các tập thể, cá nhân có cách làm hay, mô hình hoạt động hiệu quả… trong Bản tin Thông tin công tác tư tưởng, Trang thông tin điện tử của Tuyên giáo An Giang để các chi bộ dùng làm tài liệu tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên.

Hoạt động phối hợp nổi bật nhất trong công tác tuyên truyền là hằng năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Bảo hiểm Xã hội tỉnh phối hợp với ban tuyên giáo các huyện, thị, thành ủy tuyên truyền kịp thời các chỉ thị, nghị quyết, phổ biến pháp luật, chính sách, chế độ về BHXH, BHYT mới ban hành đến lực lượng báo cáo viên, lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện; thường trực đảng ủy cấp xã; bí thư, phó bí thư khóm, ấp; các doanh nghiệp lớn trên địa bàn… Kết quả từ năm 2013 đến nay, đã phối hợp mở 41 lớp, với trên 4.280 lượt đại biểu tham dự tập huấn, tuyên truyền. Và thông qua lực lượng này tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đến người dân rất hiệu quả và kịp thời.

Bên cạnh đó, Bảo hiểm Xã hội tỉnh chủ động xây dựng và ký kết quy chế phối hợp, kế hoạch liên tịch, hợp đồng tuyên truyền và tổ chức triển khai thực hiện với 27 sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh để tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, đặc biệt tuyên truyền sâu rộng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHXH, Luật BHYT năm 2014.

Để tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ động phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân, Liên đoàn Lao động và Bảo hiểm xã hội tỉnh tổ chức đoàn khảo sát việc triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại các huyện và một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh, nhất là công tác vận động, tuyên truyền, thuyết phục, qua đó nhằm tiếp tục củng cố, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người lao động và nhân dân về quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật đối với công tác BHXH, BHYT hiện nay, góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng đã tham gia cùng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và Bảo hiểm xã hội tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện công tác phối hợp kiểm tra, giám sát chuyên đề và thực hiện truyền thông về chính sách BHXH, BHYT với các cơ quan, hội, đoàn thể tỉnh (Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Tỉnh đoàn), nhằm đẩy mạnh truyền thông, đối thoại trực tiếp đến khu dân cư, doanh nghiệp, người lao động trên địa bàn tỉnh. Kết quả trong năm 2017, toàn tỉnh tổ chức được 680 cuộc tuyên truyền, đối thoại trực tiếp về chính sách BHXH, BHYT với công nhân lao động, hội viên các hội, đoàn thể, bí thư đoàn xã, ấp và người dân chưa tham gia BHYT, thu hút trên 31 ngàn lượt người tham dự.

Thông qua công tác tuyên truyền đã góp phần tạo ra bước chuyển mới trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về BHXH, BHYT, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền đối với việc tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT. Chính vì vậy, kết quả thực hiện các chỉ tiêu ngày càng tăng, cụ thể đến cuối năm 2017 như sau: 

- Đối với chính sách BHXH: toàn tỉnh có số người tham gia BHXH bắt buộc là 99.684 người, tăng 14.864 người so với năm 2013 (năm 2013 là 84.820 người); BHXH tự nguyện là 5.659 người.

- Đối với chính sách BHYT: số người tham gia BHYT là 1.655.442 người, đạt 76,52% dân số, tăng 404.851 người so với năm 2013, tức tăng 18,5 % (năm 2013 là 1.250.591 người, chiếm 58,02% dân số).

Để có được những kết quả nói trên là do trong thời gian qua, công tác phối hợp tuyên truyền BHXH, BHYT luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và sự phối hợp, giúp đỡ hết sức có hiệu quả của các ban, ngành, đoàn thể của lãnh đạo các địa phương từ huyện đến xã phường, khóm ấp, và có sự đóng góp quan trọng của đội ngũ những người làm công tác tuyên giáo từ tỉnh đến cơ sở. Sự quan tâm chỉ đạo của Ban Tuyên giáo các cấp trong chỉ đạo, định hướng công tác tuyên truyền thực hiện chính sách BHXH, BHYT.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh An Giang vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm khắc phục trong công tác tuyên truyền, đó là: (1) Nhận thức của một bộ phận nhân dân, nhất là vùng nông thôn còn hạn chế, hệ thống chính trị tuy có vào cuộc nhưng có nơi chưa thật quyết liệt; (2) Các cơ sở y tế cấp huyện, xã chỉ mới đáp ứng được yêu cầu cơ bản phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh thông thường; (3) Một số cơ sở, doanh nghiệp còn thờ ơ với chính sách BHXH, BHYT, tình hình nợ BHXH, BHYT vẫn còn ở mức cao; (4) Việc chậm đóng từ nguồn ngân sách nhà nước cho các nhóm đối tượng theo quy định còn khá cao và diễn ra thường xuyên.

Nguyên nhân khó khăn, tồn tại nêu trên là: (1) Đời sống một bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, còn tâm lý ỷ lại, trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước; (2) Mệnh giá thu bình quân trên thẻ BHYT thấp, chỉ có hơn 6% số người tham gia đóng theo lương, còn lại 94% đóng theo mệnh giá 4,5% lương cơ sở; (3) Đại lý thu BHYT và cộng tác viên xã, phường hầu hết là kiêm nhiệm, hạn chế về kỹ năng trong công tác vận động, tuyên truyền, thuyết phục; (4) Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế còn thiếu; trình độ, năng lực của đội ngũ y, bác sĩ ở một số nơi chưa tạo được lòng tin ở nhân dân trong khám, chữa bệnh BHYT; (5) Công tác thanh tra xử lý chưa nghiêm; (6) Cải cách thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh trái tuyến, ngoại trú vượt tuyến (tuyến tỉnh và tuyến Trung ương) không được thanh toán bảo hiểm y tế... đó là những nguyên  nhân, lý do chưa tạo được sức hấp dẫn để người dân tham gia BHYT, nhất là những gia đình có mức sống cao.

Trong thời gian tới, cần quan tâm khắc phục những yếu kém trong công tác tuyên truyền như đã nêu trên. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Hướng dẫn 152, ngày 05-5-2015 của Ban Tuyên giáo Trung ương về “Tăng cường công tác tuyên truyền về BHXH cho mọi người lao động và BHYT toàn dân”. Theo đó, muốn làm tốt công tác tuyên truyền BHXH, BHYT, chúng ta cần thực hiện các nội dung và giải pháp chủ yếu, đó là: phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành chức năng trong công tác tuyên truyền thực hiện chính sách BHXH, BHYT; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tuyên truyền; phối hợp chặt chẽ và phát huy vai trò của các cơ quan thông tin đại chúng; đổi mới phương pháp, hình thức tuyên truyền; nâng cao chất lượng hoạt động tuyên truyền miệng, tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh cơ sở, tuyên truyền trực quan, tuyên truyền lưu động…   

Và để tăng cường công tác tuyên truyền, việc mở rộng các hình thức tuyên truyền, nâng cao trình độ chuyên môn và khả năng tuyên truyền phục vụ đối tượng tham gia BHXH, BHYT cho cấp uỷ, các đoàn thể, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp là nhiệm vụ quan trọng trong tình hình hiện nay. Công tác phối hợp tuyên truyền giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Bảo hiểm Xã hội tỉnh sẽ là một kênh thông tin để tiếp tục truyền tải những quan điểm Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị sâu rộng đến từng cán bộ, đảng viên, nhân dân về vị trí, vai trò, ý nghĩa của BHXH, BHYT trong hệ thống an sinh xã hội, góp phần nâng cao tỉ lệ người dân tham gia, từ đó đảm bảo ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội.

Nguyễn Đăng Giai


Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40501184