Truy cập hiện tại

Đang có 178 khách và không thành viên đang online

Công tác Khoa giáo

Thực hiện công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ở An Giang

(TGAG)- Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, ở Việt Nam, ngay từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Đảng và Nhà nước ta đặt quyết tâm phát triển hệ thống an sinh xã hội để thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền cơ bản của người dân, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và tiếp cận dần với chuẩn mực quốc tế. Trong hệ thống an sinh xã hội thì Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm y tế giữ vai trò trụ cột, bền vững nhất, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng, đảm bảo ổn định chính trị, xã hội và phát triển kinh tế.

Chính vì vậy, ngày 22/11/2012, Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 - 2020; Tỉnh ủy An Giang có Chương trình hành động số 23-CTr/TU, ngày 16/5/2013 để thực hiện Nghị quyết này.

Ngoài ra, vấn đề Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế cũng được Luật hóa và thay đổi, bổ sung theo từng thời điểm. Hiện nay, hiện hành Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016; Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung số 46/2014/QH13 ngày 13/6/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015.

Thời gian qua, chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế của cả nước đã từng bước được hoàn thiện và đạt được những kết quả nhất định. Đối tượng tham gia và thụ hưởng các chế độ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, các chính sách này cũng còn bộc lộ những khó khăn, bất cập.

Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, đến hết tháng 9/2017, số người tham gia Bảo hiểm y tế của cả nước đạt 79,08 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 84,9% dân số so với lộ trình Đề án Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đạt mục tiêu Bảo hiểm y tế toàn dân vào năm 2020; số người tham gia Bảo hiểm xã hội là 14,6 triệu người, chiếm hơn 30,5% lực lượng lao động trong độ tuổi so với mục tiêu Nghị quyết số 21- NQ/TW của Bộ Chính trị đặt ra là đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia Bảo hiểm xã hội.

Theo Bảo hiểm xã hội An Giang, số người tham gia Bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh tính đến hết tháng 11/2017 là 1.644.662 người, đạt tỷ lệ bao phủ 76,02% dân số; số người tham gia Bảo hiểm xã hội là 102.586 người, chỉ chiếm 8,5% lực lượng lao động trong độ tuổi và chiếm 28,58% lực lượng lao động phi nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Qua đó cho thấy, An Giang nói riêng và nói rộng hơn là Việt Nam ta có tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm xã hội thấp so với các nước trên thế giới. Mặt khác, Quỹ Bảo hiểm xã hội vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối trong trung và dài hạn, nhất là trong bối cảnh về già hóa dân số, sự chuyển dịch cơ cấu lao động, việc làm do tác động của yếu tố hội nhập kinh tế, biến đổi khí hậu và cách mạng công nghiệp 4.0. Các chế độ Bảo hiểm xã hội còn chưa đa dạng và linh hoạt nên thiếu hấp dẫn; thủ tục thực hiện chưa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người lao động...

Đáng chú ý là Việt Nam hiện có khoảng 11,2 triệu người cao tuổi (từ 60 trở lên), chiếm 12% dân số; dự báo Việt Nam sẽ trở thành nước có “dân số già” vào khoảng năm 2032 khi chạm “ngưỡng” tỷ lệ 20%. Tuy nhiên, mới có khoảng hơn 50% số người cao tuổi này được hưởng lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội và trợ cấp xã hội hằng tháng của Nhà nước; số còn lại không có lương hưu, đồng thời không có hỗ trợ nào khác từ ngân sách Nhà nước. Trong khi đó, tình trạng người lao động (trong doanh nghiệp, lao động nữ) khi bị ngừng việc không muốn kéo dài quá trình tham gia Bảo hiểm xã hội nữa, mà chỉ muốn được hưởng Bảo hiểm xã hội một lần hiện nay đang phổ biến... Đây là những thách thức liên quan đến vấn đề an sinh xã hội của nhóm người này nói riêng và là thách thức liên quan đến vấn đề phát triển bền vững của đất nước nói chung.

Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế giai đoạn 2012- 2020; Chương trình hành động số 23-CTr/TU, ngày 16/5/2013 của Tỉnh ủy An Giang, các giải pháp đặt ra là:

Một là, cấp ủy đảng, chính quyền xác định việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chính sách, chế độ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và xem đây là một trong những chỉ tiêu kế hoạch hàng năm tại đơn vị, địa phương.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, giáo dục với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thiết thực nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, chủ sử dụng lao động, người lao động về ý nghĩa và tuân thủ chính sách pháp luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế.

Ba là, đơn vị sử dụng lao động phải thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế cho người lao động theo quy định của pháp luật. Phát huy vai trò các tổ chức đoàn thể nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.
   
Bốn là, tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ và công tác thực hiện các chế độ, chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế. Đổi mới phương thức hoạt động của hệ thống Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế theo hướng cải cách mạnh thủ tục hành chính; tinh thần, thái độ phục vụ, xem người tham gia như khách hàng để từ đó có phương thức phục vụ chu đáo, kịp thời, bảo đảm quyền lợi người tham gia bảo hiểm. Đổi mới công tác quản lý lao động và Quỹ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, ứng dụng tối đa công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành.
   
Năm là, tăng cường và chủ động trong phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế  và cơ quan tổ chức thực hiện với các ngành, các cấp chặt chẽ hơn trong công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế; trong xử lý các trường hợp vi phạm; trong triển khai thực hiện và giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế.

THÁI THÚY XUÂN
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy


Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
39936668