Truy cập hiện tại

Đang có 155 khách và không thành viên đang online

Công tác Khoa giáo

Công tác phòng, chống HIV/AIDS hiện nay

(TGAG)- HIV/AIDS vẫn đang là một đại dịch nguy hiểm, đe dọa tính mạng, sức khỏe con người và tương lai nòi giống của các quốc gia, các dân tộc trên toàn cầu. Nó tác động mạnh mẽ đến sự phát triển về kinh tế, văn hóa, an ninh trật tự và an toàn xã hội... đe dọa sự phát triển bền vững của tất cả các quốc gia trên thế giới.

Năm 1990, ở nước ta phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh. Thời điểm đó, những hiểu biết về HIV/AIDS chưa được nhiều. Người ta coi “HIV/AIDS là đại dịch thế kỷ”, “căn bệnh vô phương cứu chữa”, “AIDS là chết”... Sự kỳ thị phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS là rào cản làm ảnh hưởng nặng nề đến công cuộc phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta.

Trước tình hình HIV/AIDS đang gia tăng trên cả nước, năm 1994 Chính phủ đã nâng cấp Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS từ trực thuộc Bộ Y tế thành một Ủy ban trực thuộc Chính phủ do một Phó Thủ tướng làm Chủ tịch. Chính phủ cũng xác định được HIV/AIDS không chỉ là vấn đề y tế mà còn là vấn đề xã hội cấp bách và quan trọng.

Trong lúc chưa tìm ra được vắc-xin để phòng ngừa HIV/AIDS thì việc trang bị kiến thức đầy đủ cho các tầng lớp nhân dân về HIV/AIDS, về cách thức phòng ngừa và truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thực hiện các hành vi an toàn được coi như là loại “vắc-xin” hữu hiệu nhất ngăn ngừa sự lây nhiễm HIV. Bên cạnh đó, tăng cường sự cam kết chính trị và hoàn thiện khung pháp lý về phòng, chống HIV/AIDS; từng bước xóa bỏ sự kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS, hoàn thiện và xây dựng bộ máy phòng, chống AIDS cũng như tăng cường nguồn lực cho phòng chống AIDS. Đó là những vấn đề có ý nghĩa quyết định sự thành bại của công cuộc phòng chống AIDS ở nước ta.

Ở mọi tuyến đường, ở các tỉnh thành, thôn xóm các khẩu hiệu, những pa-nô, áp phích đã đồng loạt thay đổi tạo nên cách hiểu, cách nhìn mới với dịch bệnh, với những người nhiễm HIV/AIDS và những người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Các nhóm bạn giúp bạn, các nhóm giáo dục đồng đẳng đã được ra đời và mạng lưới các nhóm này ngày càng được mở rộng ở các tỉnh, thành như: Hà Nội, thành phố Hồ chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thái Bình, Cần Thơ, An Giang...

Trong phòng, chống AIDS yếu tố nguồn lực tài chính giữ một vai trò quan trọng. Sở dĩ công cuộc phòng, chống AIDS trên toàn cầu thu được những kết quả to lớn trong thời gian qua, bên cạnh sự cam kết mạnh mẽ về chính trị của các quốc gia còn do nguồn lực cho phòng, chống HIV/AIDS toàn cầu đã tăng từ 3 tỷ USD năm 2001 lên 15 tỷ USD năm 2015 và dự kiến 25 tỷ USD năm 2025 để kết thúc đại dịch vào năm 2030. Hiểu được tầm quan trọng của việc đầu tư nguồn lực cho phòng, chống HIV/AIDS, Chính phủ đã tăng đầu tư từ 15 tỷ đồng năm 1993 lên 50 tỷ rồi 150 tỷ đồng những năm đầu năm 2000. Bên cạnh việc tăng cường đầu tư bằng nguồn kinh phí trong nước, chúng ta đã kêu gọi viện trợ và hỗ trợ quốc tế.

Hiện nay, viện trợ quốc tế cho phòng, chống AIDS đang giảm dần và chấm dứt viện trợ từ 2018 đến năm 2020. Hơn 10 năm qua, trên 80% nguồn lực cho phòng, chống AIDS dựa vào viện trợ nước ngoài với tổng kinh phí viện trợ hằng năm lên đến 80 - 90 triệu USD tương đương trên 1.600 tỷ đồng. Từ năm 2016, kinh phí dành cho công tác tuyên truyền, giáo dục về HIV/AIDS giảm đáng kể so với vài năm trước đây.

Tại An Giang, tính đến ngày 30/9/2017 tổng số các trường hợp nhiễm HIV/AIDS/tử vong lũy tích từ năm 1993 được phát hiện trong toàn tỉnh là 11.037 người nhiễm HIV, trong đó có 8.649 trường hợp đã chuyển thành bệnh nhân AIDS và 5.021 trường hợp tử vong. Số liệu mới phát hiện và quản lý bệnh nhân HIV/AIDS hằng năm đều có xu hướng giảm so năm trước và 9 tháng đầu năm 2017 cũng giảm so cùng kỳ.

Hiện nay, các nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế đã cắt giảm nên mức độ bao phủ của chương trình can thiệp giảm hại vẫn còn ở mức khiêm tốn. Phần lớn kinh phí cho hoạt động can thiệp giảm tác hại từ nguồn hợp tác quốc tế, nhân lực triển khai tiếp cận cộng đồng chủ yếu dựa vào những đồng đẳng viên. Kể từ ngày 01/01/2017, các chương trình dự án đã ngưng không hỗ trợ sinh phẩm xét nghiệm CD4 cho bệnh nhân, nên gặp nhiều khó khăn trong công tác điều trị.

Hiện tại, các phòng khám đã thực hiện việc sáp nhập vào hệ thống khám chữa bệnh của bệnh viện. Từ năm 2018, việc chi trả khám và điều trị HIV/AIDS qua hệ thống bảo hiểm y tế sẽ được thực hiện. Tuy nhiên, đa số bệnh nhân thuộc nhóm đối tượng này lại có thu nhập dưới mức trung bình, trong khi việc xây dựng quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS chưa được thực hiện để giúp cho bệnh nhân trong việc đồng chi trả trong khám và điều trị.

Đến nay, khi chúng ta đã đạt được nhiều thành quả trong phòng chống HIV/AIDS, bên cạnh những nhân tố quan trọng mang tính quyết định cho sự thành bại của công cuộc phòng, chống AIDS như đã nêu trên thì cũng cần quan tâm đến khía cạnh không vì một khó khăn nào đó mà cắt giảm nguồn lực đầu tư cho phòng, chống AIDS để ngăn chặn nguy cơ làn sóng lây nhiễm HIV/AIDS mới sẽ gây ảnh hưởng cho sự tồn tại và phát triển của đất nước trong tương lai.

THÁI THÚY XUÂN
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
39935663