Truy cập hiện tại

Đang có 201 khách và không thành viên đang online

Công tác Khoa giáo

Nghề Thầy thuốc: cần cái nhìn công bằng, không định kiến

(TGAG)- Ai đó đã nói rằng, cái tốt có thể không để lại ấn tượng lâu hơn cái đau đớn, tiếc nuối thì với nghề Thầy thuốc điều đó không sai. Tuy thầm lặng nhưng nghề Thầy thuốc rất nhạy cảm với dư luận xã hội. Bao đóng góp cải thiện sức khỏe của người bệnh sẽ lu mờ đôi khi chỉ vì những sự cố đáng tiếc hoặc bất khả kháng. Những người Thầy thuốc rất cần xã hội, cộng đồng cùng chung tay chia sẻ và hơn hết là cái nhìn công bằng, không định kiến.

Nguyên nhân nghề Thầy thuốc chịu sức ép nặng nề của dư luận xã hội do phải tiếp xúc với người bệnh, là người có tổn thương về thể chất và tinh thần, người bệnh luôn lo lắng bức xúc với tình trạng bệnh tật của mình vì vậy họ buồn phiền, cáu gắt dễ có phản ứng phức tạp, nếu như trình độ nhận thức hiểu biết chưa tốt, thiếu bản lĩnh thì họ sẽ có những hành vi không đúng mức với Thầy thuốc - những người đang tìm cách cứu sống họ. Ngoài tiếp xúc với người bệnh, Thầy thuốc còn phải tiếp xúc với người nhà bệnh nhân, những người cũng có tâm trạng lo lắng bức xúc như chính bệnh nhân, họ coi trách nhiệm của bệnh viện và Thầy thuốc là phải đáp ứng nhu cầu của họ mà không thấy trách nhiệm của mình là phải hợp tác với bệnh viện, với Thầy thuốc để tìm mọi cách tốt nhất điều trị bệnh. Do đó dễ gây thắc mắc, căng thẳng giữa bệnh nhân, người nhà bệnh nhân với Thầy thuốc.      

Và chúng ta phải hiểu rằng con người, không ai không có sai sót. Sai sót trong ngành y là không thể tránh khỏi. Tất cả các kỹ thuật điều trị, ngay cả khi thực hiện đúng vẫn có một tỉ lệ biến chứng, tai biến, không lường trước được. Thật ra, người làm việc ở bất cứ lãnh vực nào, ngành nào cũng đều có thể sai sót. Nhưng một sai sót hay biến chứng trong y khoa có thể dẫn đến hậu quả rất nặng nề. Hầu như không có người Thầy thuốc nào muốn và cố ý làm sai hay muốn bệnh nhân của mình bị biến chứng. Họ luôn được dạy và cố gắng học hành để làm đúng chức trách và điều trị tốt nhất cho người bệnh.

Không may là trong hoàn cảnh chung hiện nay, các sai sót, biến chứng lại được nhiều phương thông tin đại chúng khai thác triệt để vì nhiều mục đích. Thật nguy hiểm là khi chưa hiểu rõ sự thật, thì hầu hết dư luận đều rất dễ đi đến thống nhất là lỗi ở những người Thầy thuốc. Những việc này vô tình dẫn đến việc Thầy thuốc và người bệnh mất dần niềm tin lẫn nhau, do đó ngày nay không ít bệnh nhân đến gặp Thầy thuốc để chữa bệnh với một tâm trạng hoài nghi.

Trong thời gian qua, chúng ta không phủ nhận trong đội ngũ những người Thầy thuốc, vẫn còn những điều vướng bận ở nơi này hay nơi khác, nhưng chúng ta cũng không thể bác bỏ những đóng góp và hy sinh thầm lặng của người Thầy thuốc cho sự nghiệp bảo vệ và nâng cao sức khỏe của nhân dân, cho sự phát triển đi lên của toàn xã hội. Trước những thách thức của cuộc sống, bệnh tật ngày càng nhiều, cần sự tận tình, chia sẽ nhiều hơn nữa của xã hội đối với của đội ngũ điều dưỡng, y tá, y sĩ, bác sĩ… để họ có thể yên tâm về tinh thần mà hết lòng khám, chữa bệnh cho người dân.

Nhà báo Hữu Thọ đã từng phát biểu: “Truyền thông cần như thế nào để người dân có cái nhìn đúng đắn và khách quan đối với ngành y tế. Mặt khác, báo chí mới chỉ đề cập tới sự mệt mỏi của người dân khi đi khám bệnh, nhưng ít ai nhắc tới sự mệt nhọc về cả thể xác lẫn tinh thần của người Thầy thuốc khi đối mặt với người bệnh và sự quá tải. Có rất ít người tĩnh lặng, dừng lại một chút để phản ánh đến độc giả sự mệt mỏi, vất vả của đội ngũ y sĩ, bác sĩ trong công việc của mình”.
 
Thật vậy, Thầy thuốc cũng là con người. Đặc biệt, hành nghề Y ở Việt Nam vất vả hơn rất nhiều lần so với ở nước ngoài. Trung bình một ngày, một bác sĩ phải thăm khám cho hơn 100 người bệnh. Đứng trước một khối lượng công việc khổng lồ và căng thẳng, chịu trách nhiệm sinh-tử của bệnh nhân; đội ngũ Thầy thuốc phải chiến đấu với chính bản thân mình để có thể luôn đứng vững.

Có thể dùng cụm từ “Sự hy sinh thầm lặng” để nói đến công việc của những người Thầy thuốc và cũng chính là một thông điệp giúp xã hội nhìn nhận công tâm hơn nữa về những người Thầy thuốc. Nó vừa mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, vừa soi sáng những điều tốt đẹp bị che khuất của ngành Y, vừa góp phần khôi phục những phẩm chất cao đẹp của dân tộc như tình thương, sự hy sinh, lòng vị tha, nhân ái. Bản chất nghề Thầy thuốc đã là một công việc quá đỗi nhọc nhằn và vất vả, cũng như cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng cho tất cả mọi người, hy vọng rằng mọi người sẽ thêm phần thông cảm với những người Thầy thuốc những con người hàng ngày phải gánh vác nhiệm vụ cứu người to lớn, cao cả nhưng vô cùng khó khăn. /

Ngọc Hân
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37042893