Truy cập hiện tại

Đang có 105 khách và không thành viên đang online

Văn hóa - Văn nghệ - Thể thao - Du lịch

Không có “vùng cấm” trong sáng tạo Văn học Nghệ thuật

Trong đời sống văn học nghệ thuật hiện nay, mối quan hệ giữa quản lý và tự do sáng tác là một trong những vấn đề rất quan trọng và nhạy cảm. Thời gian qua, đã có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật bị các cơ quan chức năng thổi còi, cấm biểu diễn, cấm xuất bản, gỡ bỏ… tạo dư luận trái chiều. Vậy, có hay không có “vùng cấm” trong sáng tạo văn học nghệ thuật?


Nghệ thuật, cho dù bay bổng đến đâu, cũng phải vì con người, tìm đến con người, hướng đến và tôn vinh những giá trị cao đẹp của cuộc sống, mang hơi thở của cuộc sống, của thời đại. Trước đây khi đất nước còn đang “tất cả cho tiền tuyến!”, thời buộc phải có những “trói buộc”, những cấm đoán cần thiết. Những  mơ mộng, lãng mạn riêng tư đều gác sang bên. Văn hóa văn nghệ phải là ngọn lửa hừng hực, hun đúc cho ý chí, tạo dựng niềm tin, khí thế cách mạng để dân tộc Việt Nam chung sức vượt qua những khó khăn, mất mát và cả sự hy sinh để đi đến một nền độc lập, tự do, một bến bờ vinh quang. Chiến tranh đã qua đi và thời kỳ của nền kinh tế tập trung, quan liêu bao cấp cũng đã lùi vào dĩ vãng. Đất nước bước vào giai đoạn mới, đó là giai đoạn của quá trình hội nhập và phát triển. Từ chỗ quản lý bằng bằng chỉ thị, mệnh lệnh chúng ta hướng đến quản lý bằng luật pháp nhưng vẫn bảo đảm quyền tự do sáng tác của văn nghệ sỹ. Hay nói cách khác, đã không còn “vùng cấm” trong sáng tạc văn học nghệ thuật.


Chính vì không còn “vùng cấm”, mà những Vượt Côn Đảo (tiểu thuyết của Phùng Quán), Mất hết (truyện của Hữu Mai), Người người lớp lớp (trường ca của Trần Dần), Học phí trả bằng máu (tiểu thuyết của Nguyễn Khắc Phục)… những tác phẩm một thời bị cấm, bị thu hồi, thậm chí bị xé, đốt, nay chúng ta được đọc lại. Nhà văn hôm nay có thể đụng chạm tới những vụ việc mà trước đây “không ai dám” như:  “Khoán 10” năm xưa, lối sống tiêu cực suy thoái của một số “ông quan” hôm nay…  để đưa ra nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật gây xôn xao dư luận như: Bí thư Tỉnh ủy (tiểu thuyết của Vân Thảo), Đàn Trời (tiểu thuyết của Cao Duy Sơn)... và cũng chính vì thế, các nhà văn Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm và rất nhiều văn nghệ sỹ một thời được xem là “có vấn đề” nhưng những tác phẩm có chất lượng của họ vẫn được xét tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.


Đời sống sáng tác hiện nay có đủ tất cả cung bậc, màu sắc, mùi vị của cuộc sống, được thể hiện không chỉ trong văn học, mà trên tất cả các lĩnh vực khác như điện ảnh, nhiếp ảnh, sân khấu, hội họa. Cao Ngọc khi viết về vở diễn Đường đua (Báo Sức khỏe đời sống) đã thốt lên: “… Ngay người trực tiếp tham gia ê kíp sáng tạo cũng thấy khá bất ngờ với sự cởi mở hiện nay…”. Nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng mới đây cũng đã viết trên tờ văn nghệ trẻ: “Dường như là không có “vùng cấm” trong tiểu thuyết trẻ”.


Tuy vậy, vẫn còn có những sai sót, yếu kém trong đời sống văn học nghệ thuật, đặc biệt là năng lực lãnh đạo, quản lý văn nghệ của một số cấp ủy đảng, cơ quan nhà nước mà qua tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về văn hóa đã chỉ rõ. Vì thế mới xảy ra những vụ đánh giá, thẩm định tác phẩm; kiểm điểm tác giả không đáng có ở một vài địa phương đơn vị như ở Đồng Nai với bài thơ: Lời những cây dầu cổ thụ ở trụ sở Ủy ban nhân dân của Đàm Chu Văn; Phú Yên với truyện ngắn Bóng anh hùng của Doãn Dũng; Cà Mau với truyện vừa Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư… và những điều như thế đã bị kẻ xấu lợi dụng rêu rao, bóp méo quan điểm lãnh đạo, quản lý văn học nghệ thuật của Đảng, Nhà nước. Và đâu đó vẫn còn những tác phẩm bị các cơ quan chức năng thổi còi, thu hồi hay gỡ bỏ… tất cả đều là do vi phạm những quy định cụ thể của pháp luật hiện hành, cụ thể hơn đó chính là Luật Xuất bản và Luật Báo chí.


Nghị quyết số 23-NQ/TW đã nhấn mạnh “phải tôn trọng, đảm bảo quyền tự do sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi phát huy tính độc lập, khơi dậy mọi nguồn lực sáng tạo của văn nghệ sỹ”. Rõ ràng là đã không còn cái gọi là “vùng cấm” nữa, văn nghệ sỹ hôm nay nếu có tài năng thực thụ thì “chân trời” luôn luôn ở trước mặt họ. Ở đây, cần thống nhất với nhau rằng, không còn “vùng cấm” trong văn học nghệ thuật không có nghĩa là văn nghệ sỹ hoàn toàn tự do tuyệt đối. Như mọi lĩnh vực khác, văn học nghệ thuật cần và phải có sự quản lý nhằm giúp tạo nên những tác phẩm có giá trị cao về nghệ thuật và nội dung tư tưởng. Mặt khác, văn nghệ sỹ cũng là một công dân, tức là ngoài tôn trọng đạo đức nghề nghiệp, họ đương nhiên và buộc phải tôn trọng và tuân thủ pháp luật. Cuối cùng, bên cạnh sự tự do sáng tạo, bên cạnh tài năng của người nghệ sỹ đó là trách nhiệm công dân trước Tổ quốc và dân tộc.


Trong bối cảnh hiện nay, hơn lúc nào hết Đảng và Nhà nước mong muốn các nghệ sỹ phát huy cao độ trách nhiệm công dân, trách nhiệm nghệ sỹ - chiến sỹ trước nhân dân và đất nước; hướng tới công chúng, sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, làm sao cho mỗi tác phẩm phải là một thông điệp gắn bó với sự nghiệp cách mạng, góp phần thúc đẩy phát triển văn hóa nước nhà, hình thành nhân cách con người Việt Nam trong thời đại mới.

Sự thật

Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37168323