Truy cập hiện tại

Đang có 115 khách và không thành viên đang online

Tăng cường công tác tham vấn, chia sẻ dữ liệu nguồn nước sông Mê Công

(TGAG)- Ngày 08-12, tại thành phố Long Xuyên, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam tổ chức hội nghị toàn thể Ủy ban sông Mê Công Việt Nam nhằm đánh giá lại toàn diện những hoạt động của ủy ban, việc thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch hành động của UB sông Mê Công đến năm 2020, kiện toàn bộ máy ủy ban, báo cáo kết quả tham vấn dự án thủy điện Bắc Beng của Lào... Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam cùng lãnh đạo Bộ ngành liên quan, Ban Giám đốc điều hành Ban thư ký Ủy hội sông Mê Công và lãnh đạo UBND 17 tỉnh thành lưu vực sông Mê Công cùng tham dự.


Theo Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, thời gian qua nhiều vấn đề nóng liên quan đến sông Mê Công đã có những tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội lưu vực sông Mê Công trên lãnh thổ Việt Nam. Trong đó, vùng ĐBSCL ảnh hưởng nhiều khi các dự án chuyển nguồn nước và nhất là xây dựng hàng loạt đập thủy điện khu vực thượng nguồn khiến tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, biển diễn ra thường xuyên, phức tạp và nghiêm trọng hơn. Tình trạng thiếu hụt nguồn phù sa, cát sỏi, bùn đáy... đang khiến tự nhiên thay đổi nghiêm trọng. Song song đó, việc dự báo kém trong các diễn biến bất thường của tự nhiên liên quan đến sông Cửu Long, hệ thống chia sẻ thông tin về xả lũ của các đập thủy điện của các nước trong lưu vực cũng chưa được hiệu quả, dẫn đến bị động trong khâu ứng phó và người dân lẫn chính quyền các tỉnh trong hạ lưu bị ảnh hưởng tác động nặng nề.

Tại hội nghị, các đại biểu thống nhất cao với Đề án kiện toàn Ủy ban sông Mekong Việt Nam, bao gồm phương án hợp nhất với Ủy ban sông Cửu Long, đề xuất một Phó Thủ tướng Chính phủ đảm nhận vai trò Chủ tịch vào Ủy ban sông Mekong Việt Nam để tăng tiếng nói, hiệu quả hoạt động. Thảo luận kế hoạch hành động của Ủy ban đến năm 2020, các đại biểu đề nghị cần nâng cao vai trò của Ủy ban sông Mekong Việt Nam trong công tác phối hợp với Ủy hội sông Mekong quốc tế. Qua đó, đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao đối với hoạt động chuyển nước trên dòng Mekong ở Thái Lan, tham vọng xây thêm đập thủy điện ở Lào, kế hoạch xây đập thủy điện của Campuchia…

Việc khai thác, sử dụng nước thượng nguồn sông Mekong thiếu bền vững, vì lợi ích cục bộ của từng quốc gia đang gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân vùng ĐBSCL, khiến tác động của biến đổi khí hậu nghiêm trọng hơn, tình hình sạt lở diễn biến phức tạp… Ủy ban sông Mekong Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong việc phân tích, đánh giá tình hình khai thác, sử dụng dòng Mekong. Qua đó, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam thực hiện tốt công tác phối hợp quốc tế, đề ra giải pháp cùng các quốc gia thượng nguồn sử dụng bền vững dòng Mekong, hoài hòa lợi ích của các nước trong lưu vực.

Thực hiện kế hoạch hành động cho gian đoạn 2018-2020, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam sẽ tiếp tục hướng hoạt động vào chiều sâu, khoa học, trong đó tập trung thực hiện hiệu quả công tác tham vấn, nghiên cứu tác động của hoạt động phát triển thượng nguồn và xây dựng Đề án tổng thể về thủy điện dòng chính. Thúc đẩy việc lồng ghép hiệu quả các hoạt động hợp tác Mê Công vào hoạt động trong nước, hỗ trợ quản lý tổng hợp tài nguyên nước và tổ chức lưu vực sông tại vùng Tây Nguyên và ĐBSCL nằm trong lưu vực sông Mê Công.


Phát biểu chỉ đạo nhiệm vụ cho Ủy ban trong giai đoạn tiếp, Bộ Trưởng Bộ TN-MT - Trần Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đề nghị: “Ủy ban cần duy trì những hoạt động quan trọng như nghiên cứu tác động công trình, đề xuất những vấn đề cụ thể, thiết thực đến công tác tham vấn, thống kê, đề xuất lên quan đến nguồn nước, khoáng sản, phù sa... trong đó, đặc biệt ủy ban sông Mê Công Việt Nam cùng Ủy hội sông Mê Công thực hiện tốt công tác tham vấn. Rà soát mạng lưới trạm quan trắc xuyên biên giới để cung cấp, chia sẻ thông tin cho các địa phương nằm trong lưu vực sông Cửu Long trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Điều phối các dự án của những tổ chức quốc tế trong hỗ trợ địa phương trong vùng. Cùng chính phủ đề xuất các quốc gia thượng nguồn chia sẻ nguồn dự liệu chung, đề xuất quy chế, thỏa thuận để tiết chế, vận hành hồ đập thủy điện phía thượng nguồn. Ủy ban cần thể hiện vai trò hơn nữa trong đấu tranh ngoại giao vấn đề chia sẻ nguồn nước, chuyển nguồn nước... đây là những vấn đề ảnh hưởng sống còn với Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội nhất là an ninh nguồn nước và an ninh lương thực cùng nhiều yếu tố xã hội khác. Việc xây dựng các dòng sông nhánh làm hồ thủy lợi trữ nước cũng cần xem xét thêm các yếu tố liên quan khác để không ảnh hưởng đến yếu tố tự nhiên, xã hội...”.

Bảo Trị
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37186637