Truy cập hiện tại

Đang có 74 khách và không thành viên đang online

Nguyên tắc lý luận phải gắn với thực tiễn

(TGAG)- Đầu những năm kháng chiến chống Pháp gian khổ, giữa núi rừng Việt Bắc, Bác Hồ viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”. Trong tác phẩm đã chỉ ra một trong những nguyên tắc cơ bản của giáo dục lý luận chính trị là lý luận phải gắn với thực tiễn.

Mở đầu tác phẩm, Người đã phê bình: “Cán bộ và đảng viên ta, vì bận việc hành chính hoặc quân sự, mà xao nhãng việc học tập. Đó là một khuyết điểm rất to. Khác nào người thầy thuốc chỉ đi chữa người khác, mà bệnh nặng trong mình thì quên chữa.

“Từ nay, chúng ta cần phải thiết thực học tập, sửa chữa các khuyết điểm. Vì có tẩy sạch khuyết điểm, công việc mới có thể tiến bộ.

“Nếu không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của ta, thì cũng như giấu giếm tật bệnh trong mình, không dám uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy đến tính mệnh”.

Người còn chỉ ra: Khuyết điểm có nhiều thứ, nhưng cần thấy trước nhất là khuyết điểm về tư tưởng, tức là bệnh chủ quan. Nguyên nhân của bệnh chủ quan là do kém lý luận, hoặc khinh lý luận, hoặc lý luận suông.

Lý luận là đem thực tế trong lịch sử, trong kinh nghiệm, trong các cuộc tranh đấu, xem xét, so sánh thật kỹ lưỡng rõ ràng, làm thành kết luận. Rồi lại đem nó chứng minh với thực tế. Đó là lý luận chân chính. Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi.

Ngay từ những năm tháng đó, Người đã đặt vấn đề: “Hiện nay, phong trào cách mạng rất cao. Nhưng thử hỏi cán bộ và đảng viên ta đã mấy người biết rõ lý luận và biết áp dụng vào chính trị, quân sự, kinh tế, và văn hoá? Đã mấy người hiểu "biện chứng" là cái gì?

“Vì kém lý luận, cho nên gặp mọi việc không biết xem xét cho rõ, cân nhắc cho đúng, xử trí cho khéo. Không biết nhận rõ điều kiện hoàn cảnh khách quan, ý mình nghĩ thế nào làm thế ấy. Kết quả thường thất bại”.

Người còn chỉ rõ trong thực tế có những cán bộ, những đảng viên công tác nhiều năm, làm được việc, có kinh nghiệm, là những đồng chí rất quý báu cho Đảng. Nhưng lại mắc phải cái bệnh khinh lý luận; quên rằng: nếu đã có kinh nghiệm mà lại biết thêm lý luận thì công việc tốt hơn nhiều. Có kinh nghiệm mà không có lý luận, cũng như một mắt sáng, một mắt mờ. Những đồng chí đó cần phải nghiên cứu thêm lý luận, mới thành người cán bộ hoàn toàn.

Mặt khác, có những người xem được nhiều sách. Siêng xem sách và xem nhiều sách là một việc đáng quý. Nhưng thế không phải đã là biết lý luận. Lý luận cốt để áp dụng vào công việc thực tế. Lý luận mà không áp dụng vào thực tế là lý luận suông. Dù xem được hàng ngàn hàng vạn quyển sách, nếu không biết đem ra thực hành, thì khác nào một cái tủ đựng sách. Xem nhiều sách để mà loè, để làm ra ta đây, thế không phải là biết lý luận. Những đồng chí này cần phải ra sức thực hành mới thành người biết lý luận. Điều cần nhấn mạnh là một số người có lý luận, lại dựa vào nó, đâm ra kiêu ngạo, lên mặt. “Chứng kiêu ngạo lên mặt rất có hại cho họ. Nó ngăn trở họ tiến bộ”.

Từ đó Người kết luận: “… mỗi cán bộ, mỗi đảng viên phải học lý luận, phải đem lý luận áp dụng vào công việc thực tế. Phải chữa cái bệnh kém lý luận, khinh lý luận và lý luận suông”.

Gần đây, Bộ Chính trị có Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 9/10/2014 về công tác lý luận. Nghị quyết có đánh giá: “công tác lý luận còn có những hạn chế, khuyết điểm. Nhìn chung, lý luận còn lạc hậu, tính dự báo thấp, kết quả nghiên cứu lý luận chưa đáp ứng tốt yêu cầu của thực tiễn… Thiếu gắn bó mật thiết giữa nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn”.

Trước đó, Bộ Chính trị cũng đã có Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 26/5/2014 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý. Nghị quyết đã đánh giá: “Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị còn một số hạn chế, yếu kém. Việc mở rộng quy mô đào tạo, bồi dưỡng chưa gắn liền với nâng cao chất lượng. Nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng chậm được đổi mới, bổ sung, cập nhật, còn trùng lặp, chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn”. “Phương pháp giảng dạy, học tập chậm được đổi mới, nặng về truyền đạt kiến thức, chưa phát huy được tính tích cực, sáng tạo của học viên”. Điều hết sức nguy hiểm là: “Nhiều cán bộ, đảng viên coi mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị là để có bằng cấp, chứng chỉ theo tiêu chuẩn chức danh”.

Vì thế sắp tới cần tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, lấy người học làm trung tâm, người học tham gia tích cực vào quá trình đào tạo; giúp học viên tiếp tục tự học, bổ sung, mở rộng và nâng cao kiến thức, rèn luyện về phương pháp tư duy, khả năng vận dụng giải quyết tình huống thực tiễn./.

TRUNG THÀNH
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40455661