Truy cập hiện tại

Đang có 239 khách và không thành viên đang online

Viện phí tăng, chất lượng phải tăng

Dự kiến, từ ngày 15/11 tới, giá 1.800 dịch vụ y tế sẽ tăng trung bình 2- 7 lần so với giá viện phí hiện hành. Vậy điều này có ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của người dân? Giá dịch vụ y tế tăng liệu có đi đôi với việc nâng cao chất lượng phục vụ hay không? Những vấn đề trên đã được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời trong Chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” tối ngày 1/11.

Chia sẻ về việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các đối tượng, nhất là đối với người dân nghèo, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Liên Bộ Tài chính, Y tế cùng với Bảo hiểm xã hội Việt Nam dự kiến sẽ ban hành thông tư về điều chỉnh giá dịch vụ y tế (DVYT) và dự định thực hiện vào cuối năm nay dựa trên một số căn cứ. Thứ nhất là Luật BHYT quy định liên Bộ Tài chính-Y tế phải ban hành một thông tư điều chỉnh giá DVYT thống nhất đối với các BV đồng hạng trong toàn quốc. Thứ hai là theo Nghị quyết TƯ số 63, khóa XI, thì ngân sách cấp cho bệnh viện chuyển sang mua thẻ BHYT và hỗ trợ cho người nghèo, đối tượng thuộc diện chính sách. Thứ ba là Nghị định 16/NĐ-CP của Chính phủ ban hành tháng 2/2015 đã giao quyền tự chủ cho các bệnh viện và giá DVYT trong lộ trình điều chỉnh từ năm 2015 đến năm 2020 thì tất cả các yếu tố giá DVYT phải tính đúng, tính đủ.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, giá dịch vụ y tế bao gồm 7 yếu tố chính với các chi phí trực tiếp như: thuốc, vật tư tiêu hao điện, nước, xử lý chất thải, sửa chữa, bảo hành, bảo trì, lương, phụ cấp, khấu hao tài sản cố định, đào tạo nghiên cứu khoa học.

Hiện nay, giá dịch vụ y tế mới tính 3/7 yếu tố đó; một số địa phương chỉ đạt 60% - 70% giá trị thực trong 3 yếu tố đó. Vì thế, liên Bộ Tài chính - Y tế đã xây dựng Thông tư về điều chỉnh giá dịch vụ thống nhất các bệnh viên đồng hạng trên toàn quốc với 1.800 giá dịch vụ, chủ yếu điều chỉnh ở tiền khám bệnh và tiền giường sẽ phân hạng bệnh khác nhau.
 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Ảnh: VGP/Thúy Hà

Theo lộ trình này thì trước mắt chỉ điều chỉnh giá dịch vụ đối với những bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế, còn chưa điều chỉnh giá đối với những người chưa có thẻ BHYT. Tiếp theo, từ nay đến hết năm 2015 sẽ phải điều chỉnh giá dịch vụ để tính đủ chi phí trực tiếp mà chi phí điều chỉnh này đã ban hành từ năm 2012 đến nay vẫn chưa đủ, cộng thêm phụ cấp đặc thù như tiền trực 24/24h, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật. Từ năm 2016, giá đó cộng thêm tiền lương của người lao động và đến năm 2020 thì phải tính đúng 7 yếu tố giá dịch vụ đó.

Như vậy, khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế thì người nghèo được hưởng lợi rất nhiều. Bởi thay vì trước kia tất cả các cấu thành không được kết cấu vào giá thì người bệnh và người nghèo phải trả thêm phần chưa được tính giá và tự bỏ tiền túi ra. Hiện nay, theo Luật Bảo hiểm (sửa đổi), người nghèo được Nhà nước mua 100% thẻ bảo hiểm và không phải đồng chi trả. Tất cả mức chi bảo hiểm y tế được thanh toán 100%. Còn đối với các đối tượng diện chính sách và trẻ em dưới 6 tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số và người dân vùng biển đảo, vùng núi, vùng sâu, vùng xa cũng được hưởng như người nghèo. Đối với người cận nghèo, Nhà nước hỗ trợ 70% và rất nhiều địa phương đã mua nốt 30% cho đối tượng cận nghèo. Như vậy, đồng chi trả hiện nay cũng chỉ còn 5%, nên việc điều chỉnh này cũng không ảnh hưởng nhiều đến người cận nghèo.

Tuy nhiên, tác động lớn nhất trong việc điều chỉnh này là đối với người chưa có thẻ bảo hiểm y tế đến năm 2016 và cuối năm 2016 tùy theo tình hình, nếu như điều chỉnh cả giá dịch vụ đối với những người không có thẻ bảo hiểm thì đây là vấn đề lớn.
Đối với bệnh viện khi giá dịch vụ tính đúng, tính đủ mới có đủ nguồn để chi phí trực tiếp và các chi phí khác, thì chất lượng khám chữa bệnh bắt buộc phải tăng lên và có điều kiện để đầu tư máy móc và mua đủ trang thiết bị, không bắt buộc người dân phải mua bổ sung thêm phần không được tính. Tiếp đến, thay vì phải bao cấp những chi phí chưa được tính vào giá cho cả người giàu và người nghèo, thì dùng tiền đó để mua thẻ bảo hiểm cho người nghèo, cận nghèo và những chính sách xã hội khác. Như vậy, cũng làm tăng thêm quyền lợi cho những người nghèo, diện chính sách và những đối tượng cần được bảo trợ khác.

Đề cập đến một số giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ trong đề án đổi mới phong cách và thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, khi điều chỉnh giá dịch vụ tăng lên theo phương hướng tính đúng, tính đủ thì chắc chắn là chất lượng dịch vụ y tế sẽ phải tăng lên.

Thêm vào đó, Bộ Y tế đã và đang thực hiện những giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh gồm: quyết liệt giảm tải và nâng cao cơ sở vật chất, trang thiết bị; ban hành những tiêu chuẩn về chất lượng và các bệnh viện phải tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng này; cải cách các thủ tục hành chính, giảm bớt thời gian chờ đợi cho bệnh nhân; đổi mới toàn diện thái độ, phong cách phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh; tập huấn toàn bộ hệ thống từ giám đốc bệnh viện cho đến nhân viên thu tiền và bảo vệ, về quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp trên tinh thần "bệnh nhân đến niềm nở, bệnh nhân ở tận tình, bệnh nhân về phải chu đáo”; thành lập các phòng công tác xã hội, các đơn vị chăm sóc khách hàng để hướng dẫn và thực hiện các công tác xã hội cho người bệnh….

Một giải pháp khá cơ bản và căn cơ đó là khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế, trong đó có tính phụ cấp đặc thù và tiền lương thì phải nâng cao trách nhiệm của cán bộ y tế vì thu nhập của họ được cải thiện tăng thêm để đảm bảo tái tạo sức lao động như vậy trách nhiệm cũng tăng thêm.

Mặt khác, khi bệnh viện (BV) tự chủ và giá dịch vụ tăng lên sẽ tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị y tế công lập với nhau, và giữa đơn vị y tế công lập và ngoài công lập nên bắt buộc BV phải nâng cao chất lượng thì mới thu hút được bệnh nhân. BV nào phục vụ tốt thì BHXH mới ký hợp đồng, nếu không sẽ giảm nguồn thu của BV. Khi cán bộ y tế được trả lương từ nguồn thu BHYT thì bắt buộc phải đổi mới toàn diện về phục vụ và đổi mới về tư duy từ chỗ ban ơn thành người phục vụ bệnh nhân, coi bệnh nhân là trung tâm của sự phục vụ.

Bộ trưởng Y tế cũng cho biết, đối với giảm tải bệnh viện thì giải pháp đầu tiên phải tăng số giường bệnh trên 10 nghìn dân. Thứ hai là phải có chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới để các tuyến bệnh viện tỉnh, huyện làm được các ca đòi hỏi kỹ thuật cao thì bệnh nhân sẽ không phải đi xa, đỡ tốn thời gian phiền phức và cả tiền bạc mà vẫn được thụ hưởng các dịch vụ cao ngay tại địa phương mình. Tiếp đến là phân tuyến kỹ thuật, thông thường mà chất lượng tốt thì người ta có thể khám chữa bệnh ngay ở trạm y tế xã, phường và Bệnh viên huyện. Ví dụ như sinh đẻ thường không cần phải chuyển lên tuyến trên, vừa tốn kém, mất thời gian, vừa nhiễm trùng chéo bệnh viện, đặc biệt là nhiễm khuẩn chéo bệnh viện là một trong những nguyên nhân gây tử vong và kéo dài thời gian điều trị như hiện nay. Đây không chỉ là thách thức đối với các nước đang phát triển, mà còn đối với các nước đã phát triển./.

Đỗ Thoa (lược ghi)
Theo: ĐCSVN
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40455812