Truy cập hiện tại

Đang có 207 khách và không thành viên đang online

"Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trên địa bàn tỉnh An Giang

(TGAG)- Nhằm đánh giá mức độ quan tâm của người dân về Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức điều tra xã hội học về kết quả sau 05 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; những chuyển biến về ý thức và thái độ của người dân trong việc mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước kể từ khi có cuộc vận động đến nay; đánh giá chung về hiệu quả thực hiện.

Cuộc điều tra đã được triển khai trên diện rộng với đối tượng và phạm vi điều tra là cán bộ, đảng viên, công chức - viên chức, công nhân, nông dân, tiểu thương, lao động làm thuê... Với số phiếu thu về hợp lệ là 968/991 phiếu, đạt tỷ lệ 97,67%; cuộc điều tra đã thu được những kết quả tích cực như 96,6% số người được hỏi trong cuộc khảo sát đã lựa chọn mức độ quan tâm là “rất quan tâm” và “quan tâm có mức độ” (rất quan tâm 68,1%; quan tâm có mức độ 28,5%); 3,0% người dân “ít quan tâm”. Qua các số liệu cho thấy, cứ 10 người được hỏi thì có đến 9 người trả lời “quan tâm” hoặc “rất quan tâm”; tỷ lệ người “ít quan tâm” hoặc “không biết có Cuộc vận động” là không đáng kể.

Đa số người được hỏi cho biết từ khi có Cuộc vận động đến nay, bản thân đã tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam chiếm tỷ lệ 58,7% và khuyên người thân trong gia đình, bạn bè, người quen nên mua hàng Việt Nam chiếm tỷ lệ 56,3%; đặc biệt có 30,4% cho biết trước đây có thói quen mua hàng hóa nước ngoài nay đã dừng hoặc ít mua lại, thay vào đó là mua hàng Việt Nam. Đây là kết quả tích cực thông qua Cuộc vận động cho thấy những chuyển biến về ý thức và thái độ của người dân trong việc mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước kể từ khi có Cuộc vận động đến nay.

Về phát huy vai trò của các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện Cuộc vận động: các số liệu cho thấy, trên 70% số người được hỏi cho rằng tổ chức chính quyền, Đảng, Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Công đoàn đã phát huy tốt vai trò của mình trong việc thực hiện Cuộc vận động, kế tiếp là Hội Nông dân và Hội Cựu chiến binh.

Trên cơ sở những kết quả thu được, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh đã đề xuất những kiến nghị và giải pháp thực hiện trong thời gian tới như sau:

Một là, trên cơ sở xác định Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển kinh tế nhanh, bền vững, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội; cần xác định rõ đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; là trách nhiệm, quyền lợi và thể hiện tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc của mỗi người dân Việt Nam; góp phần xây dựng và làm sâu sắc nét đẹp văn hóa của người tiêu dùng Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới, cùng nhau đoàn kết phấn đấu xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh.

Hai là, tuyên truyền, vận động, làm cho người tiêu dùng trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam; vận động người tiêu dùng Việt Nam sử dụng hàng Việt Nam khi tiêu dùng cá nhân.

Ba là, tổ chức rà soát, ban hành bổ sung các quy định, cơ chế; khuyến khích và định hướng tiêu dùng của nhân dân; kiểm soát chặt chẽ việc chi tiêu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn ngân sách nhà nước; xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân không gương mẫu thực hành tiết kiệm, lãng phí trong chi tiêu. Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc xây dựng và khuếch trương thương hiệu cho sản phẩm của mình. Nhiệm vụ này cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó cần triển khai các biện pháp hỗ trợ về thông tin, đào tạo và tiếp thị.

Bốn là, với tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, mỗi doanh nghiệp, doanh nhân, nhà sản xuất kinh doanh cần phát huy bản lĩnh trí tuệ Việt Nam, đi đầu trong thực hiện Cuộc vận động; cần đầu tư, đổi mới tư duy và công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh; ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ, kinh nghiệm quản lý tiên tiến vào sản xuất, không ngừng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trên thị trường; điều tra, khảo sát nắm chắc thị hiếu tiêu dùng và nhu cầu sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp trên thị trường; thiết lập hệ thống phân phối đưa hàng hóa, dịch vụ đến với người tiêu dùng và thực hiện các cam kết của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng.

Năm là, xây dựng văn hóa tiêu dùng hàng Việt Nam của người Việt Nam chính là phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc. Ý thức này phải được rèn luyện thường xuyên trong mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng... dần dần thẩm thấu thành nếp nghĩ, nếp sinh hoạt quen thuộc, tự giác./.

Phước Hùng

Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36728838