Truy cập hiện tại

Đang có 74 khách và không thành viên đang online

Một số kết quả điều tra xã hội học trong công tác cải cách hành chính của tỉnh giai đoạn 2011 - 2015

(TGAG)- Chương trình cải cách hành chính là một trong 6 chương trình trọng điểm của tỉnh, được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo. Thời gian qua, công tác cải cách hành chính của tỉnh không ngừng được đẩy mạnh, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của bộ máy hành chính các cấp, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, tích cực góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Qua kết quả điều tra xã hội học do Sở Nội vụ phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thực hiện, nhằm đánh giá kết quả cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2015 trên địa bàn tỉnh cho thấy: sau 5 năm thực hiện Chương trình Cải cách hành chính đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Qua đó, đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong công tác cải cách hành chính, được nội bộ và nhân dân đồng tình hưởng ứng. Theo kết quả điều tra, thì công tác cải cách hành chính của tỉnh đã khá tốt hơn trước, đạt tỷ lệ rất cao 97.2%. Hầu hết các huyện, thị, thành phố đều được đánh giá có chuyển biến tích cực, nhất là các đơn vị: Phú Tân, Thoại Sơn, Châu Thành, Châu Đốc, Chợ Mới, Tịnh Biên. Các lĩnh vực được cải cách nhiều nhất là tư pháp, hộ tịch, công chứng, chứng thực (75.8%); cấp, đổi giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu, hộ chiếu (74%); đăng ký kinh doanh (70%); cấp, đổi giấy phép lái xe ô tô, mô tô (69.3%); đất đai (60%). Đánh giá về hiệu quả triển khai ở 6 lĩnh vực cải cách hành chính (cải cách thủ tục hành chính; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; hiện đại hóa nền hành chính và cải cách tài chính công) thì ý kiến đánh giá tốt và khá đạt cao tỷ lệ ý kiến 76.1% đến 86.1%. Trong khi tỷ lệ ý kiến đánh giá mức độ hiệu quả triển khai yếu, kém của các lĩnh vực trên chỉ đạt 0.8% đến 2.9%. 

Cũng theo kết quả điều tra đánh giá của nội bộ và nhân dân về sự chỉ đạo, điều hành công tác cải cách hành chính của chính quyền các cấp thời gian qua cho thấy, tỷ lệ đánh giá tốt và khá đạt tỷ lệ tương đối cao (cấp tỉnh 90.8%; cấp huyện 83.4%; cấp xã 71.8%); có 69.6% ý kiến đánh giá cấp tỉnh đạt hiệu quả và rất hiệu quả trong công tác kiểm tra, giám sát cải cách hành chính, trong khi, cấp huyện là 60.4% và cấp xã là 51.2%; thái độ giao tiếp, phong cách phục vụ của cán bộ, công chức tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính có tỷ lệ đánh giá tốt là 80.1%. Nhiều lĩnh vực khác của công tác cải cách hành chính cũng có chuyển biến tốt được nội bộ và nhân dân ghi nhận.


Sự hài lòng của người dân trong công tác cải cách hành chính là rất quan trọng, vì mục đích của công tác cải cách hành chính là phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Do đó, đánh giá về mức độ hài lòng của người dân về công tác cải cách hành chính phải dựa trên cơ sở khách quan, trung thực, nghiêm túc. Qua kết quả điều tra, đánh giá về mức độ hài lòng của nội bộ và nhân dân trong việc thực hiện cải cách hành chính của các cấp thời gian qua cho thấy, tỷ lệ hài lòng đạt rất cao. Cụ thể là, mức độ tương đối hài lòng đến rất hài lòng ở cấp tỉnh đạt 97.7%; cấp huyện là 95.1% và cấp xã là 89%. Qua đây cho thấy, công tác cải cách hành chính của các cấp đã có chuyển biến tích cực và tạo được niềm tin, sự hài lòng của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Tuy nhiên, công tác cải cách hành chính của tỉnh thời gian qua cũng còn một số bất cập, hạn chế cần giải quyết. Đó là, việc để người dân phải đi lại nhiều lần để giải quyết các thủ tục hành chính (có tới 59% ý kiến); phải qua nhiều cửa, nhiều khâu, nhiều cơ quan (38.3% ý kiến); quy trình giải quyết, nội dung thủ tục hành chính còn rườm rà, không phù hợp với thực tế; sự hiểu biết về công tác cải cách hành chính của người dân còn thấp; công tác kiểm tra, giám sát ở cơ sở còn lỏng lẻo; đội ngũ cán bộ, công chức cấp huyện và xã chưa nghiêm chỉnh chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính; phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ của cán bộ trực tiếp thực hiện công tác hành chính một số nơi còn hạn chế; tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà trong giải quyết thủ tục hành chính ở các cấp vẫn còn diễn ra, nhất là cấp huyện, xã...

Xác định cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời cải cách hành chính là điều kiện cần thiết để tăng cường mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân; tăng cường sự tham gia quản lý Nhà nước của nhân dân nhằm góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Do đó, để công tác cải cách hành chính ngày càng tốt hơn thì phải có những biện pháp căn cơ, hiệu quả giải quyết các vấn đề còn tồn đọng, hạn chế. Vì thế, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ngành chức năng cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm, đồng bộ trong công tác cải cách hành chính của tỉnh trong thời gian tới.

Nguyễn Toàn
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36732095