Truy cập hiện tại

Đang có 71 khách và không thành viên đang online

Những âm mưu làm thay đổi bản chất chế độ xã hội chủ nghĩa

Dự thảo văn kiện Báo cáo chính trị Đại hội XII của Đảng được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng (ngày 15-9-2015) nhằm giới thiệu quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng ta với nhân dân, đồng thời tranh thủ ý kiến đóng góp của toàn dân cho văn kiện. Ngay sau khi công bố Dự thảo văn kiện, nhiều cuộc hội thảo, hội nghị đã được tổ chức.

 
Tuyệt đại đa số các ý kiến đều thể hiện tinh thần trách nhiệm, cởi mở, chân thành mong muốn Đại hội XII sẽ là một Đại hội đổi mới mạnh mẽ, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà cả trong chính trị, xã hội bao gồm cả lĩnh vực dân chủ, nhân quyền và quan hệ quốc tế… hướng tới mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Có ý kiến cho rằng không vì những khó khăn nhất thời của công cuộc đổi mới, không vì những vấn đề “nóng” trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo mà dao động về con đường đi lên CNXH, về chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Báo cáo còn phản ánh sự lo lắng, bức xúc của người dân về tình trạng tham nhũng chưa được đẩy lùi; tệ nạn xã hội có khuynh hướng gia tăng; tình trạng người dân vẫn phải sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm không an toàn; tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái phép vẫn diễn biến phức tạp; tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn tiếp diễn…

Về việc bảo vệ quyền con người, cử tri và nhân dân đề nghị: Tăng cường các biện pháp phòng, chống oan sai, làm rõ trách nhiệm bồi thường đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân vi phạm và bảo đảm bồi thường cho người bị thiệt hại...Cử tri mong muốn thực hiện tốt Hiến pháp 2013, xây dựng Luật về hội, Luật trưng cầu ý dân, Luật biểu tình.

Thế nhưng lợi dụng việc góp ý kiến cho Dự thảo văn kiện Đại hội XII, có người đã “bày tỏ sự thất vọng” đối với Dự thảo văn kiện. Theo họ, Dự thảo Báo cáo chính trị “không có gì mới so với trước, Đảng vẫn chưa thoát khỏi một lối “tư duy chính trị” lạc hậu và do đó cần phải có một nhân tố mới, như một nhà lãnh đạo có tư duy cải tổ”…Có kẻ còn viết bài phân tích có “bài bản” gợi ý lợi dụng cơ hội biến góp ý cho Dự thảo văn kiện trở thành cuộc vận động cho “một cuộc cách mạng nhung”(!). Chẳng hạn, họ cho rằng hiện nay xã hội ta đã hình thành, xuất hiện “tình huống của cuộc cách mạng”. Họ viết: Cùng với nguy cơ về chủ quyền biển đảo, “Việt Nam đang ở bên bờ hủy diệt…Các số liệu cho thấy nền kinh tế và chính trị Việt Nam đều có thể sụp đổ bất cứ lúc nào” (!?). Về lực lượng cách mạng, họ cho rằng đã “có ngay trong thể chế” của xã hội, đó là: “Tầng lớp cấp tiến, bao gồm nhiều nhân sĩ trí thức, các tổ chức xã hội dân sự”. Về người lãnh đạo, họ phân tích người này gợi ý người kia, nhằm gây rối, chia rẽ nội bộ Đảng ta. 

Mục tiêu của cuộc “cách mạng nhung” theo họ là “thực hiện cấp bách một cuộc cải cách thể chế…, “chỉ cần Đảng bớt độc quyền, độc đoán, độc tài mà hãy vì nhân dân, vì Tổ quốc mở rộng tự do, dân chủ, tôn trọng nhân quyền”. Ai cũng biết cái gọi là “ thể chế” của họ là mô hình “đa nguyên chính trị-đa đảng đối lập” mà những người “bất đồng chính kiến” đã đề cập từ lâu, nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chẳng hạn cách đây không lâu, có người đã “kiến nghị”: “Việt Nam cần có một cuộc đổi mới thứ hai và cải cách thể chế”.

Vậy thực chất kịch bản chính trị này là gì? Tính hiện thực của nó ra sao?

Trước hết phải nói rằng, “kịch bản cách mạng nhung” ở Việt Nam là một cách nhìn kỳ thị, qua lăng kính “cận thị”, đen tối, nếu không nói rằng đó là một ý đồ chính trị thâm độc. Không phủ nhận rằng Việt Nam đang phải đối diện với các nguy cơ, nhiều khó khăn thách thức. Bốn nguy cơ mà Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng (năm 1994) nêu lên vẫn tồn tại, thậm chí có mặt diễn biến phức tạp, như nguy cơ “diễn biến hòa bình”, nay còn có thêm nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng và Nhà nước. Niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng, chế độ có mặt bị giảm sút; kinh tế phát triển chưa bền vững…Tuy nhiên không thể vì những khó khăn thách thức đó mà phủ nhận được những thành quả to lớn hơn 30 năm đổi mới.

Cho đến nay, nền kinh tế nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, quy mô và tiềm lực được nâng lên; kinh tế vĩ mô dần ổn định, lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng kinh tế tuy thấp hơn 5 năm trước, nhưng vẫn đạt tốc độ khá và có chiều hướng phục hồi. Chính trị-xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; đến nay Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 180 quốc gia, trong đó có quan hệ tốt với 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Điều đó có nghĩa chế độ xã hội ta đã được xác lập, đứng vững trong lòng dân tộc và được cộng đồng quốc tế tin cậy, đánh giá cao.

Đường lối đối ngoại và quốc phòng của Việt Nam dựa trên sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, với chiến lược “đa phương hóa, đa dạng hóa” quan hệ quốc tế, không phân biệt sự khác biệt về ý thức hệ, vì lợi ích của các bên. Đường lối đó cũng không hạn chế Việt Nam tăng cường hợp tác toàn diện, kể cả an ninh, quốc phòng với các quốc gia, kể cả Hoa Kỳ.

Có thể nói, Dự thảo Văn kiện Đại hội XII đã thể hiện được thành quả về lý luận của 30 năm đổi mới. Nhìn một cách tổng thể so với mô hình XHCN kiểu cũ, mô hình xã hội ta ngày nay là một mô hình xã hội hiện đại, phù hợp với xu thế của thời đại. Về chính trị, đó là nền dân chủ XHCN, với nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; về kinh tế-đó là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; về đối ngoại, Việt Nam không chỉ “mở cửa” mà đã trở thành thành viên của nhiều tổ chức Liên hợp quốc, trong đó có Hội đồng nhân quyền (nhiệm kỳ 2014-2016).

Đại hội XII sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa. Chẳng hạn về kinh tế sẽ tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Về chính trị, xã hội, nhà nước ta đã và đang triển khai tích cực Hiến pháp 2013 dựa trên thể chế chính trị XHCN, tôn trọng và bảo đảm các quyền con người; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; hội nhập quốc tế sâu rộng hơn…Những nội dung trên cho thấy không có chuyện Dự thảo văn kiện chỉ toàn là “tư duy chính trị cũ, lạc hậu”, không có chuyện “Việt Nam cần có một cuộc cải cách thể chế”, một cuộc “đổi mới thứ hai”. Càng không có chuyện Việt Nam cần một cuộc “cách mạng nhung” để bảo vệ chủ quyền biển đảo và phát triển đất nước.

Con đường đi lên CNXH của dân tộc ta không chỉ được lựa chọn trong lịch sử của thế kỷ XX mà còn đang được đổi mới, hoàn thiện, phù hợp với xu thế của thời đại, vì lợi ích của nhân dân ta.

Bắc Hà/QĐND
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40592777