Truy cập hiện tại

Đang có 69 khách và không thành viên đang online

Công tác nội chính

Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới trên địa bàn tỉnh

(TUAG)- Một trong những thành tựu rất quan trọng trong thời kỳ đổi mới là công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng như là một tất yếu khách quan. Nhận thức, lý luận về vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ngày càng sâu sắc; đây là một quá trình phức tạp, chúng ta vừa nghiên cứu, xây dựng bám sát thực tiễn đất nước, vừa tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam.



Trong những năm qua, cùng với cả nước, tỉnh An Giang đã tích cực thực hiện, đạt được nhiều kết quả quan trọng trong việc góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân tại địa phương. Hệ thống chính trị không ngừng được củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh đến cơ sở ngày càng được nâng cao. Phương thức lãnh đạo của Tỉnh ủy có nhiều đổi mới; tổ chức và hoạt động của hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp có chuyển biến tích cực. Văn bản ban hành từng bước được hoàn thiện, phù hợp với quy định chung của pháp luật và thực tiễn cuộc sống; công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật từng bước nâng lên, việc triển khai và tổ chức thực hiện được quan tâm. Cải cách hành chính, cải cách tư pháp có bước đột phá trên một số lĩnh vực.

Hằng năm, trên cơ sở Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh, các cơ quan tư pháp tỉnh và cơ quan có liên quan đã triển khai thực hiện nghiêm túc, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị về tầm quan trọng của công tác cải cách tư pháp trong tình hình mới. Các cấp ủy đảng và chính quyền đã xác định tầm quan trọng của công tác tư pháp, thực hiện tốt công tác cải cách tư pháp sẽ tạo những tác động tốt cho quá trình phát triển kinh tế và thực hiện cải cách hành chính; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; khẳng định vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác nội chính nói chung và hoạt động của các cơ quan tư pháp nói riêng; từng bước đề cao trách nhiệm và sự chuyển biến đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các cấp ủy đảng, các ngành, các địa phương về công tác tư pháp.

Công tác phối hợp giữa các cơ quan tư pháp và giữa các cơ quan tư pháp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý được đẩy mạnh, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Chất lượng tranh tụng tại phiên tòa tiếp tục được nâng lên. Hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư, công chứng, thừa phát lại... dần đi vào nền nếp, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân và yêu cầu cải cách tư pháp. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm sát các hoạt động tư pháp và bổ trợ tư pháp tiếp tục được tăng cường.

Tuy nhiên, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương mặc dù đã cố gắng hoàn thiện nhưng vẫn còn một số quy định chưa đảm bảo tính thống nhất, chưa bao quát và ban hành kịp thời. Tổ chức bộ máy hành chính nhà nước vẫn chậm được điều chỉnh theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả hoạt động; năng lực thi hành pháp luật trong hệ thống các cơ quan hành chính, cơ quan điều tra, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án và tổ chức pháp chế các sở, ngành trên địa bàn tỉnh có mặt còn hạn chế; cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, vai trò giám sát của Nhân dân chưa được phát huy mạnh mẽ.

Nguyên nhân khách quan của những hạn chế, bất cập nêu trên là do việc triển khai các nội dung liên quan về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đôi lúc phải chờ sự hướng dẫn thông suốt của cấp trên; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của địa phương phụ thuộc rất lớn vào Trung ương, trong khi hệ thống pháp luật còn có những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu thống nhất. Về nguyên nhân chủ quan do việc lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền trong thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra; việc thi hành, chấp hành pháp luật, trật tự kỷ cương có lúc còn bị xem nhẹ; tính chuyên môn trong đội ngũ cán bộ công chức, cơ sở, vật chất thiết bị còn trong giai đoạn củng cố và tiếp tục hoàn thiện.

Thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và Kế hoạch số 11-KH/TW, ngày 28/11/2022 của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 22-CTr/TU, ngày 26/4/2023 về việc thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, trong đó, xác định mục tiêu nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh và hiệu quả quản lý Nhà nước; hoàn thiện hệ thống chính trị mà trọng tâm là cơ quan nhà nước ở địa phương; tiếp tục kiện toàn, sắp xếp cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị hành chính; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, từng bước xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, thật sự chuyên nghiệp, liêm chính; triển khai và tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời, nhất quán hệ thống pháp luật; rà soát và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của địa phương.

Chương trình hành động số 22-CTr/TU, đã đề ra 08 nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới trên địa bàn tỉnh: (1) Ðẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; (2) Bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân; (3) Tiếp tục tham gia xây dựng hệ thống pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển của địa phương; (4) Tiếp tục đổi mới tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân; (5) Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của ủy ban nhân dân các cấp; xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân, chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; (6) Xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; (7) Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; (8) Tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tóm lại, công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới nói chung và trên địa bàn tỉnh An Giang nói riêng là vấn đề lâu dài, có ý nghĩa sâu sắc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, đòi hỏi quyết tâm của cả hệ thống chính trị, mà trước hết là tinh thần trách nhiệm của tất cả cấp ủy và người đứng đầu trong xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện nghiêm túc, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình của Tỉnh ủy đã đề ra.

LÊ TRUNG HIẾU
Phó Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40053859