Truy cập hiện tại

Đang có 134 khách và không thành viên đang online

Công tác kiểm tra

Công tác kiểm tra, giám sát - Giải pháp quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng

(TGAG)- Công tác kiểm tra, giám sát là một bộ phận quan trọng của công tác xây dựng Đảng, là nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng, là nhân tố quan trọng cấu thành toàn bộ công tác xây dựng Đảng, đan xen, hòa quyện vào các lĩnh vực lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đường lối của Đảng. Công tác kiểm tra, giám sát là một phương thức hữu hiệu để xây dựng và hình thành nhân cách người cán bộ, đảng viên, hạn chế những sai lầm khuyết điểm. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra”.

Để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng, về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng cần chú trọng hơn nữa vào các vấn đề sau:

Một là, các cấp ủy, tổ chức đảng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và phải coi đây là biện pháp quan trọng để thực hiện thành công Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, trước hết phải coi trọng việc tổ chức học tập Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Quán triệt sâu sắc mục tiêu và thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong thời gian tới là ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Qua học tập Nghị quyết, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ làm công tác kiểm tra phải nhận diện đúng các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ để kịp thời đấu tranh với những sai phạm. Phải nhận thức sâu sắc rằng, “Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”. Nhận diện đúng những biểu hiện trên, mỗi cán bộ, đảng viên có cơ sở để tự phê bình và phê bình, tự răn mình và tự sửa chữa những biểu hiện đó khi còn manh nha; đồng thời, những biểu hiện này là căn cứ để thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng.

Điều quan trọng hơn là nhận thức đó phải được biến thành hành động cụ thể, tự giác của các cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp, thông qua việc xác định, xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình kiểm tra, giám sát thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ và nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đẩy mạnh công tác kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, kết luận của Đảng. Người đứng đầu cấp ủy phải đích thân tổ chức thực hiện các cuộc kiểm tra, giám sát; thường xuyên kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức đảng ở những vị trí quan trọng, lĩnh vực nhạy cảm, lĩnh vực dễ xảy ra vi phạm. Xử lý nghiêm minh các tập thể, cá nhân ban hành văn bản không đúng, không phù hợp hoặc thực hiện không nghiêm túc các nội dung nghị quyết, kết luận của Đảng. Mọi vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên đều phải được xem xét, xử lý công khai, minh bạch, khách quan, dân chủ, thận trọng và chặt chẽ theo đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục của Đảng. Qua kiểm tra, giám sát phải chú trọng phát hiện những nhân tố tích cực trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của toàn Đảng nói chung và của từng cấp ủy, tổ chức đảng nói riêng để nhân rộng, lấy cái tích cực lấn át cái tiêu cực.

Hai là, trọng tâm của công tác kiểm tra, giám sát ở các cấp trong thời gian tới là phục vụ có hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, với phương châm: “kết hợp giữa “xây” và “chống”; “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách”.

Công tác kiểm tra, giám sát phải xuất phát từ nhiệm vụ chính trị, phục vụ nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng, coi đó là nguyên tắc bảo đảm cho việc thực hiện đúng mục tiêu, quan điểm, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng. Đại hội XII của Đảng đã xác định: “Chú trọng kiểm tra, giám sát người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không để người thân trong gia đình lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi. Tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các ban cán sự đảng, đảng đoàn, các tổ chức đảng ở các cơ quan nhà nước, các đơn vị kinh tế và các lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm”. Các cấp ủy, tổ chức đảng cần căn cứ vào nội dung trên và các nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và đặc điểm của địa phương, đơn vị mình để lãnh đạo, chỉ đạo, lựa chọn lĩnh vực, đối tượng kiểm tra, giám sát cho phù hợp. Cần tập trung vào những vấn đề sau:

Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “sân sau”, trục lợi trong quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, vốn đầu tư, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, phân bổ, quản lý và sử dụng biên chế..., nhất là các vụ, việc gây bức xúc trong dư luận để củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, kết luận của Đảng; mở rộng đối tượng, nội dung kiểm tra theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII.

Kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ, việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với thái độ công tâm, khách quan, trong sáng, không chịu bất kỳ một sức ép của bất cứ tổ chức, cá nhân nào, không có vùng cấm, không “nhẹ trên, nặng dưới”. Quá trình tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng phải bám sát các quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và phải có chương trình, kế hoạch công tác cụ thể.

Ba là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng.

Để nâng cao chất lượng hiệu quả và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác kiểm tra, giám sát, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành tương đối đồng bộ các văn bản của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, giúp cho các cấp ủy, tổ chức đảng, bước đầu khắc phục được những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng.

Cần thiết phải có cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả đối với cán bộ, đảng viên có chức vụ, quyền hạn, một mặt, bảo đảm đầy đủ điều kiện để thực thi trách nhiệm, quyền hạn một cách hiệu quả; mặt khác, kiềm chế để quyền lực không bị bóp méo, không trở thành công cụ để mưu lợi cá nhân, làm phương hại đến quyền lợi của nhân dân, sự tồn vong của Đảng và chế độ. Thực hiện các biện pháp ngăn ngừa sự tha hóa quyền lực của một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý là yêu cầu cấp bách hiện nay, để không có cơ hội câu kết, hình thành “nhóm lợi ích” tiêu cực, tham nhũng; tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước trong hoạt động của xã hội. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng và đảng viên. Mọi tổ chức đảng và đảng viên đều được kiểm tra, giám sát và chịu sự kiểm tra, giám sát của Đảng, dù bất kỳ người đó là ai, giữ chức vụ gì nhằm ngăn ngừa nguy cơ “tha hóa” quyền lực.

Bốn là, để hoàn thành các nội dung nêu trên, điều quan trọng và tiên quyết là phải tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp, đáp ứng yêu cầu “Xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ; có phẩm chất đạo đức cách mạng, có bản lĩnh chính trị, kinh nghiệm, tính chiến đấu cao, có kỹ năng nghiệp vụ thuần thục, phương pháp công tác khoa học, công tâm, khách quan, sâu sát, thận trọng và ứng xử có văn hóa”.

Nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát trong thời gian tới hết sức nặng nề; cán bộ kiểm tra luôn phải đối mặt, đấu tranh với những sai phạm, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, thậm chí là những người thân. Đó là những thách thức không nhỏ đối với cán bộ kiểm tra. Vì thế, từ tính chất công việc có tính đặc thù đó, cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp phải thường xuyên đổi mới công tác tuyển chọn, quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo, bổ nhiệm, đề bạt, bố trí, luân chuyển, sử dụng, khen thưởng, kỷ luật để xây dựng và củng cố đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp. Phối hợp với các cơ quan liên quan đổi mới chương trình và giáo trình đào tạo; tập trung đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ kiểm tra các cấp, không chỉ về phương pháp công tác, các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mà còn phải tăng cường nghiên cứu về lý luận chính trị, để có đủ kiến thức, trình độ đáp ứng cho hoạt động kiểm tra, giám sát, đấu tranh với những suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng góp phần tích cực vào xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân kỳ vọng vào thành công của việc thực hiện Nghị quyết này. Ủy ban kiểm tra và đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp phải xác định quyết tâm, phát huy cao độ vai trò, trách nhiệm của mình trước Đảng và Nhân dân. Chỉ có như vậy, mới góp phần giải quyết hiệu quả vấn đề quan trọng nhất đặt ra trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII./.

Hòa Bình
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36725166