Truy cập hiện tại

Đang có 71 khách và không thành viên đang online

Công tác dân vận - mặt trận - đoàn thể

Gần 40 mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu được đăng ký từ cơ sở trong năm 2023

(TUAG)- Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở về mục đích, ý nghĩa tầm quan trọng của công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay. Ngay từ đầu năm 2023, Ban Dân vận Tỉnh ủy An Giang phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao; tiến hành cho các đơn vị, địa phương đăng ký mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu trong năm 2023, kết quả có gần 40 mô hình “Dân vận khéo” được đăng ký thuộc 04 lĩnh vực: Kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.


Trao nhà “Nghĩa tình dân vận” - Một trong những mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu được Ban Dân vận Tỉnh uỷ An Giang triển khai năm 2022

Triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với các phong trào thi đua, yêu nước, các cuộc vận động, các chương trình của Trung ương và của tỉnh. Đặc biệt là Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi,… và được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội như: kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị. Tùy mỗi lĩnh vực tập thể, cá nhân sẽ thực hiện chủ đề “khéo” khác nhau để phù hợp và hiệu quả nhất. Cụ thể:

Trên lĩnh vực kinh tế: “Khéo” trong vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây đem lại kinh tế cao; ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất nông nghiệp sạch; liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; “Khéo” trong vận động đóng góp ngày công; hiến làm đường, tự tháo dỡ tường rào, cổng ngõ để mở rộng, nâng cấp đường, xây dựng cầu giao thông nông thôn thuận lợi cho trao đổi hàng hóa; “Khéo” trong vận động thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, câu lạc bộ,… giúp giải quyết việc làm ổn định cho lao động nông thôn; “Khéo” trong vận động thành lập “quỹ hỗ trợ” đoàn viên, hội viên và nhân dân vay vốn khởi nghiệp; “Khéo” trong vận động tham gia thực hiện Chương trình OCOP;...

Đối với lĩnh vực kinh tế có các mô hình: Bê tông đường ra cánh đồng từ Mương số 2 đến cống Cá Chày Bắc + đường HTX Phú Yên, với tổng kinh phí thực hiện 07 tỷ 800 triệu đồng (trong đó vốn Nhà nước đầu tư 05 tỷ 550 triệu đồng, Nhân dân đóng góp 2 tỷ 250 triệu động) tại xã Phú Lộc, thị xã Tân Châu; Tổ Phụ nữ chạy xe Honda đầu của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã An Hảo, thị xã Tịnh Biên; Hỗ trợ 02 thanh niên được vay vốn khởi nghiệp, lập nghiệp, làm kinh tế và 01 dự án khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên của Thị Đoàn Tịnh Biên; Vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng (cây sầu riêng) ở xã Bình Chánh và mô hình Hợp tác chăn nuôi ếch (ếch thái) ở xã Khánh Hoà, huyện Châu Phú; Đội dặm vá đường từ thiện Hội Mái ấm tình thương và Chuyển đổi đất ruộng kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, hoa màu ở xã Định Thành, huyện Thoại Sơn; mô hình “Nuôi ốc bưu đồng thương phẩm” đạt hiệu quả của thành phố Long Xuyên; Trồng cây chanh, lá mối công nghệ cao ở xã Vĩnh Gia và trồng cây tầm vông, sản phẩm từ tầm vông ở xã Lương Phi, huyện Tri Tôn.

Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội: “Khéo” trong tuyền truyền, vận động tham gia nhân dân, nhất là vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo, các tổ chức, cá nhân tiêu biểu trong tôn giáo dân tộc và các nhà hảo tâm tham gia hoạt động xã hội, từ thiện; “Khéo” trong việc đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động chăm sóc gia đình chính sách, người nghèo, người neo đơn, cơ nhỡ, người cao tuổi, người tàn tật, nạn nhân chất độc da cam; “Khéo” trong vận động tham gia bảo vệ môi trường “nói không với rác thải nhựa”; xây dựng đô thị “xanh - sạch - đẹp”, “Thắp sáng đường giao thôn nông thôn”; “Khéo” trong phong trào xây dựng khu dân cư tiên tiến, phong trào xây dựng đời sống văn hoá, loại bỏ các hủ tục lạc hậu; giữ gìn và phát huy thuần phong, mỹ tục, bản sắc văn hóa dân tộc; “Khéo” trong vận động xã hội hoá giáo dục, hướng nghiệp, dạy nghề, tạo việc làm; trong xây dựng “gia đình hiếu học”, xây dựng xã hội học tập, vận động học sinh không bỏ học.

Các mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu: Vận động cất 10 căn nhà cho hộ nghèo (mỗi căn trị giá 50 triệu đồng, với tổng số tiền 500 triệu đồng) ở xã Phú Hữu, thị xã Tân Châu; Lắp đặt đèn hoa trong xây dựng đô thị văn minh từ ngã ba Đường Đắp, khóm Xuân Hoà đến ngã ba Tà Lá, khóm Xuân hiệp, thị trấn Tịnh Biên (chào mừng ngày thành lập thị xã Tịnh Biên) ở phường Tịnh Biên, thị xã Tịnh Biên; mô hình “CLB Ứng cứu bạn đường” (Câu lạc bộ tình nguyện hỗ trợ các tình huống trên đường như: Sửa xe, vá xe, thay lốp, đổ xăng, chuyển thương… miễn phí) của thành phố Châu Đốc; Thắp sáng lộ nông thôn của Thành Đoàn Châu Đốc; Giới thiệu việc làm cho hội viên Hội Phụ nữ của thị trấn Cái Dầu, xã Thạnh Trung và Mỹ Đức (huyện Châu Phú); Hướng dẫn xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình của xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú; Vận động nông dân trồng cây dược liệu của Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Phú Thạnh và mô hình “Đồng hành cùng người bán vé số kiến thiết dạo” trên địa bàn xã Phú Long, huyện Phú Tân; Nhận đỡ đầu phụ nữ đơn thân, trẻ em khuyết tật của Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú Hiệp, huyện Phú Tân; Đội dặm vá đường từ thiện Hội Mái ấm tình thương của xã Định Thành, huyện Thoại Sơn; Không gian tuổi trẻ tại phố đi bộ Hai Bà Trưng và Hộp cơm 2.000đ của Thành Đoàn Long Xuyên; Gắn đèn năng lượng mặt trời trên các tuyến đường ở địa phương ở xã Kiến An và mô hình “Vận động bê tông hóa đường giao thông nông thôn” ở thị trấn Hội An, huyện Chợ Mới; các mô hình nuôi trẻ mồ côi, tặng quà cho hộ nghèo của thị trấn Cô Tô, tiết kiệm chi tiêu hỗ trợ hộ nghèo ở xã An Tức và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên Công đoàn ở xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn.

Trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh: “Khéo” trong việc nắm tình hình cán bộ, đảng viên và Nhân dân, định hướng tư tưởng, hành động, tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia bảo vệ an ninh trật tự an toàn xã hội, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, xây dựng đơn vị an toàn, địa bàn an toàn; “Khéo” trong tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đoàn viên, hội viên và Nhân dân, để đoàn viên, hội viên và Nhân dân hiểu chấp hành và thực hiện nghiêm; “Khéo” trong tranh thủ sự ủng hộ của chức sắc, chức việc các tôn giáo, người có uy tín; triển khai nhân rộng các hình thức tự quản trong Nhân dân, góp phần nâng cao ý thức cảnh giác, năng lực tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải, để Nhân dân đồng tình ủng hộ và tích cực tham gia góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo, trật tự an toàn xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới.

Nhiều mô hình tiêu biểu được đăng ký ở lĩnh vực này: Cẩm nang phòng, chống tội phạm và áp phích tuyên truyền trong khu du lịch quốc gia Núi Sam  của Công an Thành phố Châu Đốc; Vận động mua bảo hiểm y tế cho lực lượng dân quân, dân phòng ở xã An Bình, huyện Thoại Sơn; Xe hỗ trợ y tế và cấp cứu người bị tai nạn giao thông của thành phố Long Xuyên; mô hình Tự quản đường biên, cột mốc ở xã Vĩnh Gia và mô hình Vận động phụ nữ tham gia xây dựng và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới ở xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn.

Trên lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh: “Khéo” trong vận động Nhân dân, tổ chức, cá nhân trong việc góp ý xây dựng Đảng, chính quyền và giám sát đối với các hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước; “Khéo” trong việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao tinh thần, trách nhiệm phục vụ Nhân dân. Tập trung giải quyết kịp thời, bức xúc, kiến nghị của Nhân dân liên quan đến các lĩnh vực: Đất đai, xây dựng, an ninh trật tự,... “Khéo” trong xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức thực sự là công bộc của Nhân dân, vì Nhân dân phục vụ, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo phương châm “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với Nhân dân”. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời xử lý nghiệm cán bộ, công chức, viên chức có hành vi của quyền, tham nhũng, lãng phí, gây phiền hà cho dân, xâm phạm đến quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân.

Với các mô hình tiêu biểu như: Diễn đàn “Lắng nghe dân nói”, “Đi từng ngõ, rõ từng nhà” ở huyện Châu Thành; Phối hợp vận động, hỗ trợ người dân và cán bộ, công chức mở tài khoản trên cổng dịch vụ công Quốc gia của Văn phòng - Thống kê xã Tân Trung, huyện Phú Tân; Ứng dụng phần mềm Zalo phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử của thị trấn Phú Hòa, huyện Thoại Sơn; Xây dựng góc thư viện điện tử ở thành phố Long Xuyên; Bộ phận một cửa “Sáu biết”: Biết chào, biết cười, biết lắng nghe, biết cảm ơn và biết xin lỗi (thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn).

Các đơn vị, địa phương trong tỉnh tổ chức phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong năm 2023 phải thiết thực, hiệu quả tạo khí thế thi đua sôi nổi, cổ vũ tinh thần quyết tâm đoàn kết của toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, công chức, viên chức, người lao động về công tác dân vận nói chung và phong trào “Dân vận khéo” nói riêng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phong, an ninh trật tự an toàn xã hội ở cơ quan, đơn vị, địa phương.

Phong trào thi đua phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương và gắn với các phong trào thi đua, các cuộc vận động khác. Những mô hình, điển hình “Dân vận khéo” phải đảm bảo tính bền vững, có sức lan tỏa và khả năng nhân rộng. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua nhân rộng tạo sự lan tỏa rộng khắp trên địa bàn tỉnh./.

Thanh Tiền
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40692347