Truy cập hiện tại

Đang có 134 khách và không thành viên đang online

Xây dựng Đảng

Chú trọng rèn luyện đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên

(TGAG)- Đạo đức cùng với tài năng tạo nên nhân cách của mỗi người, mỗi cán bộ, đảng viên. Trong mỗi tổ chức đảng nhân cách của từng đảng viên, của cấp ủy, nhất là người đứng đầu phản ánh diện mạo đạo đức, nhân cách của Đảng. Do vậy việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong mọi thời kỳ cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Người coi đạo đức là gốc của người cách mạng và nhiều lần chỉ rõ “Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa”, người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, nếu không có đạo đức làm nền tảng, làm cái căn bản thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Đạo đức cách mạng giúp cho người cán bộ, đảng viên luôn có suy nghĩ, nhận thức và hành động đúng đắn, cư xử đúng mực trong các mối quan hệ xã hội; giúp cho người cán bộ, đảng viên luôn giữ được nhân cách, bản lĩnh trong mọi hoàn cảnh, không dễ bị thay đổi trước mọi khó khăn, thách thức cống hiến sức mình cho sự nghiệp cách mạng.

Hiện nay, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn. Nguyên nhân sâu xa, chủ yếu của tình trạng suy thoái trước hết là do bản thân một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng; sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân. Điều này làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Đại hội lần thứ XII của Đảng đã đặt vấn đề xây dựng Đảng về mặt đạo đức cùng với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Trước những yêu cầu đổi mới hiện nay, việc tăng cường rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý là một yêu cầu khách quan, cấp thiết trong công tác xây dựng Đảng. Vì vậy, để rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên cần tập trung một số vấn đề có tính nguyên tắc sau:

Trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hiện lời nói đi đôi với việc làm và luôn là tấm gương sáng về đạo đức, lối sống. Kiên quyết khắc phục tình trạng nói nhiều, làm ít, nói mà không làm, nói một đằng, làm một nẻo. Nói đi đôi với làm phải gắn với nêu cao tinh thần trách nhiệm và chống chủ nghĩa cá nhân. Theo Hồ Chí Minh, một tấm gương sống còn hơn nhiều bài diễn văn tuyên truyền. Trong đó, đặc biệt chú trọng tới việc nêu gương về đạo đức, lối sống. Trong gia đình cha mẹ là tấm gương cho các con; ông bà làm gương cho các cháu... Trong tổ chức Đảng đó là sự nêu gương của người đứng đầu, của cấp trên đối với cấp dưới; đảng viên làm gương cho quần chúng.  Người nói: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ yêu mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”.

Thứ hai, kết hợp chặt chẽ “xây đi đôi với chống”. Cùng với việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng phải kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, phê phán đấu tranh loại bỏ chủ nghĩa cá nhân vì nó sinh ra “hàng trăm thứ bệnh” dẫn đến “sự suy thoái”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và là vật cản nguy hiểm cho việc xây dựng đạo đức cách mạng. Theo Người “muốn xây phải chống, chống nhằm mục đích xây”. Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn thể, tính tổ chức và tính kỷ luật. Nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm và bảo vệ người thẳng thắn, dám đấu tranh.

Thứ ba, phải tự giác rèn luyện và tu dưỡng đạo đức suốt đời. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Tự tu dưỡng, rèn luyện hằng ngày có vai trò rất quan trọng. Theo Người, đã là người thì ai cũng có chỗ hay, chỗ dở, chỗ tốt, chỗ xấu, ai cũng có thiện, có ác ở trong mình. Vấn đề là dám nhìn thẳng vào con người mình, không tự lừa dối, huyễn hoặc; thấy rõ cái hay, cái tốt, cái thiện để phát huy và thấy rõ cái dở, cái xấu, cái ác để khắc phục. Cho nên, rèn luyện tu dưỡng đạo đức cách mạng là phải được thực hiện thường xuyên, suốt đời trong quá trình hoạt động cách mạng.

Vì thế, để rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, mỗi cán bộ, đảng viên cần có ý thức tự giác, gương mẫu, bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm thật sự tiêu biểu cho đạo đức cách mạng trong sáng, chí công vô tư, toàn tâm toàn ý vì nhân dân và dân tộc, có như vậy Đảng ta mới thật sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng, trong sạch về đạo đức và lối sống, đủ sức lãnh đạo đưa đất nước ngày càng phát triển, xứng đáng với lòng tin yêu của nhân dân. Đây cũng là nội dung quan trọng trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mà toàn Đảng, toàn dân ta đang ra sức thực hiện.
                                                                 
HUỲNH HOA
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40073751