Truy cập hiện tại

Đang có 78 khách và không thành viên đang online

Xây dựng Đảng

Bàn về sức sống của văn hóa chính trị Việt Nam

Văn hóa chính trị làm cho sự tác động của chính trị đến đời sống xã hội giống như sức mạnh nội sinh của văn hóa. Đó là loại sức mạnh không dựa vào quyền lực hay ép buộc là chủ yếu, mà chủ yếu là được tạo dựng từ sự đồng thuận xã hội thông qua cảm hóa, khơi dậy tinh thần sáng tạo, ý thức tự giác của các tầng lớp nhân dân.

1. Cơ sở hình thành và phát triển của văn hóa chính trị Việt Nam

Thứ nhất, công cuộc xây dựng đất nước, sự gắn bó giữa con người với thiên nhiên, với quê hương xứ sở và lịch sử đấu tranh chống thiên tai.

Đây là cơ sở chung của tình yêu đất nước đối với nhân dân của mọi quốc gia - dân tộc; đồng thời cũng là cơ sở chung của văn hóa chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại.

Việt Nam với vị trí địa lý và đặc điểm về địa hình, khí hậu, tài nguyên, sinh thái, là một thiên nhiên nhiệt đới gió mùa phong phú, đa dạng, chứa đựng nhiều tiềm năng to lớn nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với con người. Trong quá trình dựng nước và giữ nước, con người vừa thích nghi, vừa khai phá tài nguyên và mặt thuận lợi của thiên nhiên để mở mang đồng ruộng, xóm làng, phát triển kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước kết hợp với các nghề thủ công, chăn nuôi, đánh bắt, buôn bán... Mặt khác, con người cũng phải liên kết lại trong cuộc đấu tranh khắc phục những trở ngại của thiên nhiên, chống thiên tai... Từ rất sớm, nhân dân ta đã biết đắp đê sông, đê biển để chống lũ lụt, bão tố; đào kênh, khơi mương, làm thủy lợi để chống hạn hán, tưới tiêu cho đồng ruộng. Công cuộc xây dựng đất nước, phát triển kinh tế, xã hội trong những đặc điểm của thiên nhiên Việt Nam đã sớm tạo nên sự gắn bó cộng đồng, sự gắn bó với quê hương, xứ sở. Đó chính là cơ sở của tình yêu đất nước, của tình cảm và là cơ sở hình thành, phát triển của văn hóa chính trị Việt Nam.

Thứ hai, lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc.

Tính đặc thù và đặc biệt của chống ngoại xâm trong lịch sử Việt Nam biểu thị tập trung ở chỗ: Hiếm có dân tộc nào trên thế giới phải chống ngoại xâm nhiều lần như Việt Nam. Kể từ kháng chiến chống Tần thế kỷ III TCN đến kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ và các thế lực ngoại xâm khác… trong hơn 23 thế kỷ, tính ra thời gian kháng chiến giữ nước và đấu tranh chống đô hộ ngoại bang với những cuộc khởi nghĩa và những cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, đã lên đến trên 12 thế kỷ. Điều đáng lưu ý ở đây là độ dài thời gian, tần số xuất hiện, độ chênh lệch, cường độ, số lượng các cuộc kháng chiến và khởi nghĩa, chiến tranh giải phóng quá lớn so với các nước khác trên thế giới.

Do đó, con đường sống còn và chiến thắng của dân tộc Việt Nam là phải biết huy động sức mạnh của toàn dân, của cả đất nước, sức mạnh vật chất và tinh thần của toàn thể dân tộc. Lịch sử chống ngoại xâm với những đặc điểm trên đã tác động sâu sắc đến toàn bộ tiến trình lịch sử và sự phát triển của tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết dân tộc, ý chí quật cường bất khuất, niềm tự tôn dân tộc, văn hóa chính trị của dân tộc Việt Nam.

Thứ ba, sự tiến triển của các hình thái kinh tế - xã hội trong lịch sử Việt Nam.

Sự phát triển xã hội luôn luôn diễn ra trong sự tiến triển của các hình thái kinh tế - xã hội. Trong quy luật vận động chung của xã hội loài người, sự tiến triển của các hình thái kinh tế - xã hội của mỗi nước mang những nét đặc thù có ảnh hưởng đến sự phát triển văn hóa, ý thức, trong đó có văn hóa chính trị.

Trong thời cổ đại, Việt Nam không trải qua thời kỳ phát triển của chế độ chiếm hữu nô lệ. Quan hệ nô tỳ, tức chế độ nô lệ gia trưởng có phát triển trong mức độ nào đó, nhưng không bao giờ trở thành quan hệ chi phối, thống trị của xã hội và nô tỳ chưa bao giờ giữ vai trò lực lượng sản xuất chủ yếu của xã hội.

Chế độ phong kiến Việt Nam cũng mang đặc điểm của chế độ phong kiến phương Đông và khác với chế độ phong kiến phương Tây. Trong thời kỳ phong kiến, ở Việt Nam không có thời kỳ tồn tại của chế độ lãnh địa với quan hệ lãnh chúa - nông nô, không trải qua thời kỳ phân quyền cát cứ lâu dài. Đặc điểm này cũng ảnh hưởng đến sự cố kết cộng đồng và sự phát triển của tinh thần, ý thức dân tộc và văn hóa chính trị Việt Nam.

Thứ tư, sự thống nhất trong tính đa dạng của nền văn hóa dân tộc.

Những kết quả nghiên cứu khảo cổ học gần đây cho phép xác nhận trong thời cổ đại, trên lãnh thổ Việt Nam hiện nay hình thành ba trung tâm văn hóa - văn minh dẫn đến sự ra đời của ba nhà nước sơ khai: văn hóa Đông Sơn với nước Văn Lang - Âu Lạc ở miền Bắc, văn hóa Sa Huỳnh với vương quốc Champa cổ, văn hóa óc Eo với vương quốc Phù Nam. Trải qua nhiều biến thiên lịch sử, ba dòng văn hóa và lịch sử đó hòa nhập vào dòng chảy chung của Việt Nam, lấy dòng văn hóa Đông Sơn với nước Văn Lang - Âu Lạc làm dòng chủ lưu.

Việt Nam là một nước gồm nhiều thành phần tộc người mà ta quen gọi chung là nhiều dân tộc, là một quốc gia đa tộc người với 54 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó dân tộc Kinh (Việt) chiếm 87% dân số. Các dân tộc thiểu số phần  lớn sống ở vùng trung du và miền núi, cũng sống xen kẽ với nhau. Mỗi dân tộc có vốn văn hóa riêng, tạo nên những vùng địa - tộc người rất phong phú, đa dạng. Nhưng do sự gắn bó lâu đời trong một quốc gia thống nhất, do yêu cầu chống thiên tai, chống ngoại xâm và do sự giao lưu, hội nhập văn hóa, cả cộng đồng dân tộc Việt Nam vẫn có mẫu số chung của một nền văn hóa thống nhất trong tính đa dạng, một ý thức chung về vận mạng cộng đồng.

Việt Nam bao gồm nhiều vùng địa lý với những đặc điểm khác nhau về địa hình, khí hậu, môi trường, sinh thái. Những điều kiện tự nhiên đó kết hợp với hoàn cảnh lịch sử cụ thể, tạo nên những vùng địa - văn hóa khác nhau cũng góp phần tăng thêm tính đa dạng của văn hóa Việt Nam. Với vị trí đầu mối giao thông tự nhiên của Đông Nam Á, Việt Nam vừa nối liền với đại lục vừa nhìn ra đại dương và hải đảo, một khu vực giao tiếp của nhiều nền văn minh trên thế giới. Văn hóa Việt Nam qua giao lưu và tiếp biến, đã tiếp nhận nhiều ảnh hưởng văn hóa bên ngoài làm phong phú văn hóa dân tộc, nhưng vẫn giữ bản sắc văn hóa của mình. Đó là tính thích nghi, hội nhập, tiếp biến và bản lĩnh của văn hóa Việt Nam.

Tinh thần yêu nước, ý thức về độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia  là một bộ phận tạo thành của văn hóa Việt Nam, vừa kết tinh những giá trị tiêu biểu, vừa chi phối sự phát triển của nền văn hóa dân tộc nói chung và văn hóa chính trị Việt Nam nói riêng.

Thứ năm, quá trình thống nhất quốc gia và hình thành sớm của dân tộc Việt Nam.

Nhà nước Việt Nam ra đời không chỉ trên cơ sở phân hóa xã hội, phân hóa giai cấp, mà chủ yếu còn do yêu cầu của lịch sử , đó là phải có một tổ chức đứng ra để tập hợp lực lượng, để chỉ huy dân tộc xây dựng và quản lý các công trình đê điều, thủy lợi và yêu cầu tự vệ chống ngoại xâm. Quá trình hình thành, phát triển của nhà nước gắn liền với quá trình thống nhất quốc gia.

Việc sử dụng quyền lực nhà nước ở thời kỳ dựng nước cũng không phải chủ yếu là để thống trị giai cấp, mà chủ yếu là để cố kết dân tộc, tập hợp lực lượng, chỉ huy dân tộc đánh giặc ngoại xâm và chống thiên tai xây dựng đất nước. Đây là những nét độc đáo mang đậm tính nhân văn sâu sắc của lịch sử chính trị Việt Nam. Nó hình thành quy luật cơ bản của chính trị Việt Nam, của văn hóa chính trị Việt Nam - Đoàn kết mang đậm tính nhân văn.

Quá trình thống nhất quốc gia và thống nhất dân tộc sớm tác động sâu sắc đến sự phát triển của tinh thần yêu nước và ý thức dân tộc, tạo nên tinh thần đoàn kết dân tộc và sự cố kết cộng đồng mang tính dân tộc, chưng cất nên đặc trưng của văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa chính trị Việt Nam nói riêng.

2. Bản chất, bản sắc văn hóa chính trị Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại

Văn hóa chính trị có ảnh hưởng to lớn tới phương thức và hiệu quả thực hiện quyền lực chính trị. Văn hóa chính trị có vai trò to lớn trong việc nâng cao tính tích cực chính trị của công dân. Với tư  cách là một phạm trù của khoa học chính trị, văn hóa chính trị có vai trò rất quan trọng trong hoạt động chính trị nói chung. Tuy nhiên, văn hóa chính trị là một vấn đề mới đối với lý luận Mác-xít. Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin chưa đề cập trực tiếp nhiều đến khái niệm này, nhưng nội dung tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin được xem là  cơ sở cho việc khảo cứu khái niệm này.                                     

Văn hóa chính trị là một khái niệm kép, nó được cấu thành từ hai khái niệm “văn hóa” và “chính trị”. Nhưng văn hóa chính trị không phải là sự cộng gộp giản đơn hai lĩnh vực này, mà đó là văn hóa đứng ở trong chính trị hay chính trị có tính văn hóa. Nó là sự thẩm thấu của văn hóa vào chính trị, là chính trị có tính văn hóa.

Khái niệm “văn hóa”, theo nghĩa hẹp của nó liên quan tới đời sống tinh thần, lĩnh vực tinh thần của con người. Tinh thần nhân văn là tinh thần cốt lõi của văn hóa tinh thần. Còn chính trị là  gì? Cũng có nhiều định nghĩa về chính trị, song khả dĩ có thể vạch ra dấu hiệu nội hàm cơ bản của nó là mối quan hệ giữa các giai cấp, các quốc gia, dân tộc, các lực lượng xã hội nhằm giành, giữ và thực thi quyền lực nhà nước.

Như vậy, văn hóa chính trị chính là tinh thần nhân văn trong xử lý các quan hệ giữa các giai cấp, các quốc gia, dân tộc, các lực lượng xã hội nhằm mục tiêu tiến bộ xã hội và giải phóng con người.

Yếu tố dân tộc làm nên bản chất và bản sắc của một nền văn hóa chứ không phải yếu tố giai cấp, cho nên văn hóa chính trị Việt Nam là do văn hóa dân tộc Việt Nam làm nên - là kết tinh của văn hóa dân tộc Việt Nam theo chiều dài dựng nước và giữ nước. Ở quốc gia nào cũng thế, với nghĩa chung nhất thì văn hóa chính trị là một phương diện của văn hóa, một mặt của văn hóa, một lĩnh vực biểu hiện của văn hóa - lĩnh vực chính trị. Điều đó có nghĩa là văn hóa chính trị bao chứa toàn bộ những yếu tố của văn hóa nói chung được hình thành và phát triển trong lĩnh vực chính trị. Nếu như văn hóa là kết tinh toàn bộ giá trị tinh thần nhân văn của con người, thì văn hóa chính trị cũng là cái kết tinh toàn bộ giá trị tinh thần nhân văn của một nền chính trị (cả thể chế chính trị và cả con người chính trị). Văn hóa chính trị Việt Nam, vì vậy, xuyên suốt cơ thể văn hóa dân tộc Việt Nam, nó hình thành cùng với lịch sử văn hóa Việt Nam. Do đó, nó cũng hình thành cùng với lịch sử dân tộc Việt Nam, đồng thời là một phương diện của nền văn hóa Việt Nam. Những gì hình thành nên văn hóa chính trị Việt Nam cũng sẽ tạo nên văn hóa dân tộc Việt Nam.

Có thể nói, toàn bộ hệ thống giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam là những thành tố tạo nên văn hóa chính trị Việt Nam. Bản sắc văn hóa dân tộc là cái lắng đọng sâu thấm nhất các giá trị truyền thống dân tộc. Còn bản sắc văn hóa chính trị Việt Nam là cái lắng đọng sâu thấm nhất các giá trị truyền thống trong khía cạnh, lĩnh vực hoạt động chính trị của dân tộc Việt Nam trong cả tư duy chính trị và hành vi chính trị.

Vì thế, các thành tố hình thành văn hóa chính trị Việt Nam không chỉ là các điều kiện thiên nhiên, môi trường sinh thái, mà còn là điều kiện xã hội, môi trường xã hội Việt Nam. Những yếu tố quan trọng hình thành văn hóa chính trị Việt Nam còn phải là tâm lý, tính cách con người Việt Nam thể hiện trong lao động, học tập, chiến đấu, trong xây dựng một quốc gia thống nhất, độc lập, tự lực, tự cường, một nền chính trị nhân văn. Đó cũng chính là thiên hướng phát triển con người và phát triển dân tộc; là năng lực và trình độ hoạt động chính trị của nhân dân ta qua các thời kỳ lịch sử; là những tư chất, tính khí, năng khiếu, tài năng kinh bang tế thế của những cá nhân xuất chúng trong suốt lịch sử dựng nước và giữ nước, trong xây dựng và kiến thiết xã hội trong các thời kỳ lịch sử. Đồng thời đó là sự vận dụng thời cơ, xử lý tình huống, lợi dụng xu thế phát triển của chính trị quốc gia và quốc tế, vận hội, thời thế của thời cuộc và thời đại. Đó, tuy chưa đầy đủ, nhưng là những điều cơ bản nhất khi bàn về sức sống mãnh liệt của văn hóa chính trị Việt Nam.

Tất cả những yếu tố vô cùng phong phú, đa hình, đa dạng có tính tổng hợp đó đã hình thành nên diện mạo và bản chất văn hóa Việt Nam nói chung, những giá trị văn hóa chính trị đặc sắc của Việt Nam nói riêng. Văn hóa chính trị Việt Nam gắn liền với lịch sử cách mạng Việt Nam. Hơn nữa, bản chất của văn hóa chính trị Việt Nam được kết tinh từ lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, là đấu tranh và phấn đấu thực hiện những ước mơ, khát vọng của con người Việt Nam. Lịch sử đó đã hình thành nên những giá trị văn hóa chính trị truyền thống Việt Nam. Truyền thống không để lại cho hiện đại những công trình văn hóa vật chất đồ sộ, bởi vì dân tộc ta phải dồn sức liên tục chống giặc ngoại xâm và chống thiên tai, nhưng truyền thống đã để lại cho hiện đại, cho thế hệ hôm nay và mai sau cả một kho tàng văn hóa tinh thần đồ sộ, một văn hóa chính trị Việt Nam đặc sắc. Đó là: 1. Một nền chính trị nhân văn, thương dân, dân là gốc; 2. Tư tưởng chính trị đấu tranh cho độc lập và chủ quyền quốc gia, tự do, tự lực, tự cường; 3. Tinh thần tự hào dân tộc, tự tôn nền văn hiến quốc gia, trọng trí tuệ, quy tụ người hiền; 4. Một nền chính trị đạo lý, tôn trọng chính nghĩa, bảo vệ công lý; 5. Vừa đề cao đức trị vừa đề cao pháp trị; hình thành tư tưởng về một nền chính trị pháp quyền; 6. Tư tưởng và hành vi chính trị khoan dung, độ lượng, vị tha; 7. Hòa hợp, hữu nghị, hợp tác vì sự phát triển và tiến bộ.

Tất cả những giá trị, phẩm chất và năng lực đó hợp thành một  nền chính trị nhân đạo, nhân văn, tất cả vì con người. Đó chính là bản chất của văn hóa chính trị Việt Nam. Đó là những giá trị nền tảng và cũng chính là trình độ, là sức sống có cội nguồn, gốc rễ vững bền và là sức mạnh thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam hiện nay.

Xây dựng văn hóa chính trị Việt Nam hiện nay thực chất là phát huy tinh thần nhân văn lên tầm cao mới tiên tiến và hiện đại, mà trước hết ở việc xác định mục tiêu, lý tưởng chính trị. Một nền chính trị dù trình độ tổ chức cao, công nghệ hoàn hảo, nhưng mục tiêu phi nhân đạo thì nền chính trị đó không thể là chính trị văn hóa.

Cũng như các sáng tạo văn hóa khác, văn hóa chính trị cũng chịu những tác động khách quan và chịu sự chi phối bởi những đặc trưng chung của văn hóa. Một đặc điểm quan trọng của văn hóa chính trị là cùng với những yếu tố nội sinh luôn có những yếu tố ngoại lai, nhưng được tiếp biến và có sức sống trong văn hóa bản địa hoặc những giá trị văn hóa bản địa bị biến đổi dưới tác động của chúng, được gọi là yếu tố ngoại sinh. Văn hóa chính trị Việt Nam không nằm ngoài những quy luật chung này của nhân loại.

Cùng với những yếu tố nội sinh, văn hóa chính trị Việt Nam còn chịu ảnh hưởng từ những từ tư tưởng chính trị, các học thuyết ngoại lai... Tuy nhiên, một đặc điểm rất nổi bật trong văn hóa chính trị Việt Nam là những tư tưởng và học thuyết ngoại lai chỉ có sức sống khi nhập thân vào dân tộc, hòa đồng với những tư tưởng, đạo lý chính trị bản địa, tuy không được hình thức hóa bằng các học thuyết, chủ nghĩa nhưng luôn là cốt lõi cho bệ đỡ tư tưởng chính trị. Thậm chí, nó còn là nhân tố chi phối buộc các học thuyết và hệ tư tưởng ngoại lai phải thay hình đổi dạng để phù hợp với đặc điểm dân tộc. Đó là chủ nghĩa yêu nước, ý thức tự tôn dân tộc và truyền thống nhân ái, hòa đồng.

Mặt khác, trải qua một thời gian dài, thích nghi, biến đổi, Phật giáo, Khổng giáo, Đạo giáo và các giá trị văn hóa tiếp nhận khác cũng đã trở thành một bộ phận của văn hóa Việt Nam.

Bước vào thời kỳ hiện đại, Đảng ta khẳng định để xây dựng nền văn hóa chính trị Việt Nam tiên tiến, hiện đại cần kế thừa các giá trị văn hóa chính trị truyền thống tốt đẹp được kết tinh qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, kế thừa các giá trị văn hóa chính trị tinh hoa của các nước trên thế giới, trên cơ sở chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Mục tiêu cách mạng của Đảng Cộng sản không chỉ dừng lại ở việc giành và nắm chính quyền, mà là bằng chính quyền đó sẽ xây dựng thành công một nước Việt Nam giàu mạnh với một xã hội dân chủ, công bằng và văn minh, nhân dân được sống trong ấm no và hạnh phúc. Lý tưởng đó phù hợp với nguyện vọng của tuyệt đại bộ phận dân tộc. Vì vậy, vị trí lãnh đạo, cầm quyền của Đảng là phù hợp với quy luật vận động của lịch sử Việt Nam không chỉ trong giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc mà trong cả thời kỳ xây dựng và bảo vệ đất nước.

Văn hóa chính trị làm cho sự tác động của chính trị đến đời sống xã hội giống như sức mạnh nội sinh của văn hóa. Đó là loại sức mạnh không dựa vào quyền lực hay ép buộc là chủ yếu, mà chủ yếu là được tạo dựng từ sự đồng thuận xã hội thông qua cảm hóa, khơi dậy tinh thần sáng tạo, ý thức tự giác của các tầng lớp nhân dân./.
PGS. TS. Nguyễn Văn Vĩnh
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Nguồn: BTGTW
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40516690