Truy cập hiện tại

Đang có 207 khách và không thành viên đang online

Lụa Tân Châu - Vang bóng một thời (kỳ 1)

(TUAG)- Tân Châu là vùng đất nổi danh với các làng nghề dệt nổi tiếng như: Dệt lụa lãnh Mỹ A, dệt chiếu, dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Chăm Châu Phong. Những làng nghề đó nuôi sống biết bao thế hệ người dân vùng đầu nguồn sông Tiền và cũng tô điểm thêm những văn hóa đặc trưng của vùng sông nước. Nổi danh là xứ tơ tằm và người dân Tân Châu được gọi với cái tên mỹ miều “dân xứ lụa”. Tân Châu nổi tiếng khắp miền Nam với nghề trồng dâu nuôi tằm dệt lụa, nổi tiếng với cái tên lãnh Mỹ A, nên gọi là “xứ tầm tang”.

Trải qua bao cuộc bể dâu, những thăng trầm của lịch sử đã làm cho nghề trồng dâu nuôi tầm, dệt lãnh Mỹ A không còn như xưa. Ngày xưa khi nhắc tới lãnh Mỹ A thì chỉ có những ông chủ, bà cả lắm tiền, nhiều bạc mới dám mặc thứ vải này mà cũng chỉ mặc vào những dịp quan trọng như lễ tết, đám tiệc hay làm quà biếu khi dựng vợ, gả chồng. Những thiếu nữ, quý bà ngày xưa, có được chiếc áo dài hay bộ bà ba may bằng lãnh Mỹ A là cả một niềm mơ ước. Chiếc quần lãnh đen được nâng niu cất giữ cẩn thận trong tủ như một báu vật. Và Tân Châu từng một thời rộn rã tiếng lạch cạch của khung cửi. Tân Châu nổi tiếng xa gần có loại vải đen tuyền, càng mặc càng đẹp, càng mặt càng bóng. Trong trí nhớ của nhiều người trong nghề, Tân Châu thời đó có đến vài trăm khung dệt và các lò nhuộm hoạt động hết công suất. Trong đó, lãnh Mỹ A trở thành "đặc sản" nức tiếng Nam kỳ lục tỉnh và còn xuất sang Campuchia, Lào... Đó là thứ vải được dệt từ tơ tằm thượng hạng, nhuộm bằng mủ của trái mặc nưa với màu đen huyền đặc trưng nhưng phải qua vô số công đoạn rất cầu kỳ. Bà Võ Thị Nữa, một trong những người gắn bó lâu năm với nghề kể: “Hồi đó người ta đồn lãnh Mỹ A của Tân Châu là nhất hạng. Tiểu thương ở Sài Gòn tìm đến mua lãnh Mỹ A nhiều không kể siết. Các xưởng dệt ở đây hoạt động hết công suất vẫn không đáp ứng được nhu cầu”.


Bà Võ Thị Nữa đứng bên khung cửi dệt lãnh Mỹ A cũ kỹ

Đến giờ tên gọi lãnh Mỹ A vẫn còn là một bí ẩn nên tạm cho đây là tên riêng của loại vải này. Không một ai rõ lãnh Mỹ A xuất hiện từ khi nào, ở đâu và vì sao có tên gọi như vậy. Tuy nhiên, có 3 điểm làm nên lãnh Mỹ A truyền thống, đó là phải làm từ tơ tằm 100%, được dệt bằng phương pháp dệt satin 8 (phương pháp dệt khó nhất trong dệt tơ tằm) và phải nhuộm bằng trái mặc nưa. Lãnh Mỹ A nổi tiếng nhờ nhuộm trái mặc nưa. Trung bình 500m lãnh Mỹ A phải mất đến 4 tháng mới hoàn thành. Những lúc mưa dầm, nhuộm hoài không xong thì kéo dài hơn 4 tháng là bình thường. Theo người trong nghề kể, ngày xưa mặc nưa trồng nhiều vô số kể, trước sân, sau hè, dọc theo đường lộ, đâu đâu cũng thấy cây mặc nưa… Nhưng trải qua nhiều thăng trầm, dần dần cây mặc nưa cũng biến mất như cái nghề này vậy. Bà Võ Thị Nữa cho biết: Ngày xưa mặc nưa được trồng ở Tân Châu rất nhiều, bây giờ nghề dệt không phát triển nữa nên các cây mặc nưa cũng biến mất dần.


Người thợ phơi lụa lãnh Mỹ A dưới cái nắng nóng để lên được màu đen

Lãnh Mỹ A thì phải chọn loại tơ hảo hạng, tơ xấu sẽ dễ bị đứt đoạn. Lúc dệt, thợ phải đứng canh (mỗi người thợ chỉ canh một khuôn dệt, trong khi dệt công nghiệp có thể đứng 5 - 6 khuôn) để giữ cho tơ không bị gợn. Lụa dệt xong được cho vào luộc để ra hết chất keo sau đó mới mang đi nhuộm. Trái mặc nưa được giã nát như bột cho vào khăn vắt lấy nước màu đen cho vào thùng để nhuộm, công đoạn hết sức quan trọng. Một cây lụa phải nhúng vào thùng có nước mặc nưa không dưới 100 lần để từng sợi thấm đều. Mỗi lần nhúng, thợ nhuộm phải dùng tay vắt thật kỹ rồi phơi khô. Thời gian để nhuộm và phơi ngót 40 ngày. Ông Nguyễn Văn Long, chủ cơ sở dệt lãnh Mỹ A Tám Lăng nói: Nếu nói tới công sức dệt ra tấm lụa thì phải nói rất công phu, chính vì lẽ đó mà tấm lụa đất đẹp. Nhờ các công đoạn làm ra tấm lụa và tinh chất từ trái mặc nưa mà người dùng càng mặc càng bóng, càng mặc càng đẹp.

 
Người thợ tỉ mỉ loại bỏ những sợi tơ thừa trước khi thành phẩm

Thực sự, đến khi chạm vào thứ lụa trơn láng, đen nhưng nhức ấy, mới cảm nhận hết giá trị của giọt mồ hôi mà những người thợ đã đổ. Tương truyền, mặc lãnh Mỹ A mùa hè mát rượi, mùa đông ấm dù chỉ khoác lớp tơ mỏng nhẹ và càng giặt càng đen bóng.

Nhà tạo mẫu Võ Việt Chung đã từng sử dụng lãnh Mỹ A làm chất liệu cho đề tài tốt nghiệp khóa tu nghiệp tại Ý. Từ đấy, lụa Tân Châu theo nhà tạo mẫu trẻ xuất hiện ở các tuần lễ thời trang quốc tế tại Malaysia, Đức... Đình đám nhất là năm 2014, Võ Việt Chung đã đưa bộ thời trang làm bằng lãnh Mỹ A với tên gọi Huê khôi xứ Nam kỳ và trình diễn tại Mỹ. Trang phục lãnh Mỹ A do người đẹp Lý Nhã Kỳ khoác lên đã gây tiếng vang trong làng thời trang quốc tế. Có thể thấy, trải qua bao nhiêu khó khăn, thăng trầm, nhưng người dân xứ tầm tang vẫn tiếp tục kiên trì dệt nên những thước lụa lãnh Mỹ A nổi tiếng. Hy vọng rằng lãnh Mỹ A sẽ trở lại thời hoàng kim vốn có, để xứ lụa Tân Châu vang danh với nghề truyền thống của mình. Đã xa rồi thời hoàng kim nhưng lụa Tân Châu - lãnh Mỹ A vẫn nổi tiếng trong và ngoài nước. Nếu du khách có dừng chân ghé lại xứ tầm tang hãy mua một xấp lãnh mỹ A làm quà biếu và tìm hiểu thêm về vùng đất xứ lụa Tân Châu. Để thấy được sự cần cù và sáng tạo của người dân nơi vùng biên Tổ quốc./.

Khương Duy
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40687222