Truy cập hiện tại

Đang có 343 khách và không thành viên đang online

Văn hóa - Văn nghệ - Thể thao - Du lịch

70 năm xây dựng và phát triển văn hóa, con người ở nước ta

Nếu hiểu văn hóa theo đúng nghĩa của nó như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra, thì bất cứ cuộc cách mạng chân chính nào đều mang theo ý nghĩa văn hóa của nó. Dấu ấn văn hóa càng sâu thì quy mô và ý nghĩa của cuộc cách mạng càng lớn. Với ý nghĩa đó, Cách mạng Tháng Tám tạo ra một bước ngoặt vĩ đại trong đời sống dân tộc ta, xứng đáng đứng vào hàng ngũ các cuộc cách mạng lớn trong lịch sử nhân loại.

Ngay từ năm 1943, nghĩa là 2 năm trước khi Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, Đảng ta cho ra đời bản Đề cương văn hóa. Đó là bản Tuyên ngôn đầu tiên và đầy đủ nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam về việc xây dựng một nền văn hóa mới trên đất nước ta. Với 3 phương châm: Dân tộc, khoa học, đại chúng, bản Đề cương không chỉ nhằm đấu tranh trực diện chống chính sách văn hóa ngu dân, phản dân tộc, phản đại chúng mà thực dân Pháp đang áp đặt lên nước ta, mà còn phản ánh được quy luật vận động và phát triển của văn hóa. Sức sống của bản Đề cương văn hóa là ở đó, trí tuệ và phẩm chất của Đảng Cộng sản cũng được thể hiện.

Kể từ sau Cách mạng Tháng Tám, nghĩa là sau khi cách mạng chính trị đã thành công, tư tưởng của bản Đề cương đã dần dần được triển khai trong cuộc sống.


 Đề cương văn hóa Việt Nam 1943 có ý nghĩa và giá trị lịch sử sâu sắc. Ảnh: http://dangcongsan.vn

Từ những ngày đầu kháng chiến, khi đất nước đang trải qua muôn vàn khó khăn và thử thách, có thể nói đang trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc, Bác Hồ vẫn bình tĩnh chỉ cho nhân dân biết, trước mắt chúng ta không chỉ có một thứ giặc, mà là ba thứ giặc: Giặc đói, giặc ngoại xâm, giặc dốt. Cả ba thứ giặc đều nguy hiểm như nhau và chiến thắng ba thứ giặc đều vinh quang như nhau. Rõ ràng trong quan điểm của Bác và của Đảng, văn hóa không tách rời sự nghiệp cách mạng. Quán triệt quan điểm của "Đề cương văn hóa", Bác đề xuất khẩu hiệu "Kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến". Văn hóa được coi như một mặt trận, một động lực và mục tiêu của cách mạng và kháng chiến. Sự nghiệp xây dựng văn hóa mới theo phương châm dân tộc, khoa học, đại chúng đã góp phần đắc lực tạo ra một thế hệ người Việt Nam mới với khát vọng không có gì quý hơn độc lập, tự do, với phẩm chất trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Trên cái nền tảng chung của những giá trị mới đó, đã xuất hiện dần dần những con người mới trên tất cả các lĩnh vực của đời sống. Đó là anh Bộ đội Cụ Hồ, người chiến sĩ công an nhân dân, người trí thức cách mạng, người nghệ sĩ-chiến sĩ, người phụ nữ ba đảm đang... Bên cạnh những chiến sĩ bạch đầu quân, những người như Bác Hồ đã nói:

Càng già, càng dẻo lại càng dai,
Tinh thần gương mẫu chẳng nhường ai
Đôn đốc con em làm nhiệm vụ
Vuốt râu mừng xã hội tương lai. (1)

Là những cháu ngoan Bác Hồ thường xuyên phấn đấu theo lời dạy của Bác:

1. Phải siêng học
2. Phải giữ sạch sẽ
3. Phải giữ kỷ luật
4. Phải làm theo đời sống mới
5. Phải thương yêu giúp đỡ cha mẹ, anh em. (2)

Như vậy là, kể từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, với cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, với khẩu hiệu "Kháng chiến hóa văn hóa và văn hóa hóa kháng chiến", một nền văn hóa mới và một thế hệ con người mới đã xuất hiện ở nước ta. Nền văn hóa và con người mới đó vừa cắm rễ sâu vào các giá trị truyền thống vững chắc của dân tộc, vừa được bổ sung, bồi đắp những giá trị mới mang tính thời đại. Sức mạnh nội sinh của dân tộc qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ được hình thành chủ yếu từ đó. Thắng lợi rực rỡ của hai cuộc kháng chiến, cũng là thắng lợi rực rỡ của nền văn hóa mới và con người mới của nước ta.

Bài học lớn mà sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới theo tinh thần của bản "Đề cương văn hóa năm 1943" là: Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù thuận lợi hay khó khăn, dù hòa bình hay chiến tranh, văn hóa luôn là mặt trận hàng đầu, ở đó những người cộng sản phải có mặt, phải phát huy vai trò lãnh đạo, vai trò tiên phong gương mẫu của mình, đồng thời phát huy triệt để sự tham gia tích cực của quần chúng. Đó là bài học lớn, bài học lịch sử mà chúng ta cần đi sâu nghiên cứu, tổng kết. Ở đây có hàng loạt những câu hỏi được đặt ra và cần giải đáp: Nếu không có bản "Đề cương văn hóa năm 1943" với ba phương châm: Dân tộc, khoa học, đại chúng, thì liệu ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến, chúng ta có thể huy động sức mạnh to lớn của dân tộc vào sự nghiệp kháng chiến được không? Nếu không có bản đề cương đó, liệu ngay từ đầu kháng chiến, chúng ta có thể huy động một đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đầy tài năng và tâm huyết vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa mới được không? Thiếu sự tham gia tích cực của quần chúng và của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ thì liệu nền văn hóa mới có hình thành và phát triển được không? Đặt ra và trả lời các câu hỏi đó cũng chính là tạo điều kiện để xây dựng và phát triển văn hóa, con người ở thời kỳ lịch sử mới: Thời kỳ tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986), đại hội của sự nghiệp đổi mới, đất nước ta chuyển sang giai đoạn mới: Tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chấp nhận nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Đó là những yêu cầu mới của lịch sử, đòi hỏi Đảng phải đổi mới tư duy trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Với ý nghĩa đó, sự nghiệp đổi mới mang ý nghĩa một cuộc vận động lớn về văn hóa. Đúng như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: "Nói một cách hình tượng, đổi mới phải bắt nguồn và bắt rễ từ mảnh đất của văn hóa, truyền thống văn hóa dân tộc, sự nghiệp đổi mới bao quát mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội đến chính trị và hệ thống chính trị của nước ta... Với tầm nhìn bao quát, phải thấy văn hóa là đổi mới, đổi mới là văn hóa"(3), và thực tế đã chứng minh, càng tiến hành đổi mới, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa càng được sự quan tâm ngày càng sâu sắc của toàn xã hội. Từ Đại hội VII của Đảng, văn hóa được coi là nền tảng tinh thần, mục tiêu và động lực của sự phát triển kinh tế, xã hội. Đó là kết quả của sự phát triển nhận thức của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, và cũng là cách trở về với những tư tưởng lớn về văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ năm 1946, Bác Hồ đã khẳng định: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi.

Từ một nhận thức mới về văn hóa, đối chiếu với những yêu cầu và nhiệm vụ cách mạng thời kỳ mới, Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII của Đảng không chỉ mở rộng nội hàm của từ văn hóa, mà còn đặc biệt chú ý đến những nhân tố cơ bản của đời sống văn hóa trong điều kiện lịch sử mới. Đó là các vấn đề về đạo đức, lối sống, các vấn đề về giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ, là vấn đề phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, kết tinh trong bản sắc văn hóa cộng đồng của dân tộc Việt Nam.

Như vậy, Nghị quyết Trung ương 5 về "xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" là sự tiếp nối ở thời kỳ lịch sử mới với những nội dung mới của "Đề cương văn hóa năm 1943" của Đảng Cộng sản Đông Dương. Nghị quyết Trung ương 5 về văn hóa còn chứa đựng trong nó các quan điểm coi văn hóa là nền tảng tinh thần, coi giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ là quốc sách hàng đầu. Những tư tưởng lớn đó của nghị quyết không chỉ nhằm chuẩn bị cho sự hình thành những phẩm chất và năng lực mới đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mà còn để mỗi con người có đủ sức đề kháng chống lại những tiêu cực đã nảy sinh do mặt trái của kinh tế thị trường và của quá trình hội nhập quốc tế tạo nên. 15 năm đã trôi qua, nhưng những tư tưởng lớn của Nghị quyết Trung ương 5 về văn hóa, vẫn còn nguyên giá trị.

Điều mà chúng ta rất dễ nhận ra là, sau 15 năm triển khai Nghị quyết "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", nhận thức chung của cả xã hội về văn hóa đã được nâng cao. Văn hóa được quan tâm hơn cả về chủ trương, chính sách, nguồn lực và ngày càng có sự gắn kết với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xây dựng chỉnh đốn Đảng. Các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được coi trọng. Dân chủ trên các lĩnh vực đời sống xã hội được mở rộng, dân trí được nâng cao, quyền con người được tôn trọng. Con người Việt Nam cũng trở nên năng động, tích cực, sáng tạo hơn. Người dân có nhiều cơ hội tiếp cận thông tin và hưởng thụ các giá trị văn hóa. Nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa, xóa đói, giảm nghèo, từ thiện xã hội... được đẩy mạnh, có tác dụng gắn kết cộng đồng, tăng cường nội lực tinh thần, tạo nên sức đề kháng trước mặt trái của kinh tế thị trường và toàn cầu hóa. Việc giao lưu và hợp tác quốc tế về văn hóa với khu vực và quốc tế được mở rộng, góp phần giới thiệu, quảng bá, tôn vinh văn hóa Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Bên cạnh những thành tựu đó, lĩnh vực văn hóa và con người vẫn còn bộc lộ những yếu kém, hạn chế. Đáng chú ý là sự suy thoái về đạo đức, về lối sống trong một bộ phận xã hội, nhất là trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên.

Trước tình hình đó, Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) đã thông qua Nghị quyết "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước". Nghị quyết khẳng định: "Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp". Kế thừa và phát triển các quan điểm lớn trước đây của Đảng về văn hóa, Nghị quyết Trung ương 9 lần này khẳng định: "Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Nói cách khác, sự phát triển văn hóa và con người sẽ tạo nên mọi sức mạnh vật chất và tinh thần để bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước. Với ý nghĩa đó, việc tập trung mọi nguồn lực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người đang dần dần trở thành quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước.

Gần đây, trên các diễn đàn xã hội, chúng ta đã nhiều lần nhắc lại câu nói của đại văn hào Mắc-xim Goóc-ky, người bạn thân thiết và người đồng chí trung thành của Lê-nin. Cách chúng ta gần 100 năm, Mắc-xim Goóc-ky từng tuyên bố: "Đối với tôi, lời kêu gọi tổ quốc lâm nguy, cũng không đáng sợ hơn lời kêu gọi: "Hỡi các công dân, văn hóa lâm nguy!". Vai trò và ý nghĩa to lớn của văn hóa cũng là ở đó.

GS, TS, NGND TRẦN VĂN BÍNH
Nguồn: QĐNDVN

_________________________

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, Hà Nội, 2000, tập 10, tr.214.
(2) Hồ Chí Minh toàn tập, Hà Nội, tập 4, tr.421.
(3) Phạm Văn Đồng: Văn hóa và đổi mới, Hà Nội, 1994, tr.6.
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40518473