Huyền thoại con đường tiền tệ chi viện chiến trường
- Được đăng: Chủ nhật, 26 Tháng 4 2015 08:37
- Lượt xem: 6334
BBT- “Con đường tiền tệ” - một con đường đặc biệt tuy không có vị trí địa lý cụ thể nhưng lại có những đóng góp vô cùng lớn lao, có ý nghĩa trong việc đưa cuộc kháng chiến của cả dân tộc đi đến thắng lợi. Con đường tiền tệ giúp dòng tiền lưu thông từ Bắc vào Nam, phục vụ công cuộc kháng chiến và kiến thiết đất nước, đã được xây dựng bằng tài trí, mưu lược của đội quân đặc biệt tinh nhuệ. |
40 năm sau ngày đất nước thống nhất, được sự giúp đỡ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chúng tôi đã gặp được một số nhân chứng lịch sử, tiếp xúc với một số tài liệu từ thời chiến tranh, xin được khắc họa vài nét về con đường huyền thoại này như một nén hương thơm tưởng nhớ tới những người trong ngành ngân hàng đã hy sinh anh dũng trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.
Bí mật mang mã số B29 và N.2683
Theo các tài liệu còn lưu trữ ở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, sau năm 1954, đất nước ta bị chia cắt làm hai. Miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội và tập trung sức người, sức của chi viện cho miền Nam đánh Mỹ. Miền Nam tiếp tục cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Tài chính chi cho cuộc kháng chiến chủ yếu do miền Bắc chi viện hoặc do các nước bạn tài trợ. Nhưng việc vận chuyển tiền rất khó khăn, nếu theo đường chuyển khoản chính thức thì không được vì miền Nam đang trong tay chính quyền Sài Gòn. Để chi viện tài chính cho miền Nam, năm 1954, Trung ương Đảng cho thành lập Quỹ đặc biệt (bí số B29) ở miền Bắc để tiếp nhận viện trợ của các nước tiến bộ để chuyển vào miền Nam; đồng thời thành lập Ban Tài chính đặc biệt (bí số N.2683) là đơn vị trực thuộc Trung ương Cục miền Nam.
Đồng chí Lê Hoàng, nguyên Phó tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhớ lại: Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam được giao sứ mệnh lịch sử là quản lý quỹ ngoại tệ đặc biệt do các nguồn thu từ viện trợ quốc tế, kiều bào gửi từ nước ngoài về, các nguồn thu từ các nhà hảo tâm để chuyên trách phục vụ cho chiến trường. Để thực hiện sứ mệnh này, Ngân hàng ngoại thương Việt Nam là vỏ bọc vừa công khai vừa bí mật. Ngân hàng Ngoại thương Trung ương có hệ thống đại diện ở Hồng Kông, Bắc Kinh (Trung Quốc), Pa-ri (Pháp), Phnôm Pênh (Cam-pu-chia) - một bộ máy ngân hàng bí mật phối hợp với nhau đảm bảo cung cấp ngoại tệ cho chiến trường với nguyên tắc tuyệt mật, an toàn và cực nhanh.
Đồng chí Vũ Thị Liên, nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hồi tưởng: B29 hoạt động đơn tuyến, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, có nhiệm vụ quan hệ và tiếp nhận viện trợ bằng ngoại tệ của các nước trên thế giới ủng hộ Việt Nam và các kiều bào yêu nước gửi về để chi viện cho quân và dân miền Nam kháng chiến.
Cán bộ của Ban N.2683 đại đa số có nghiệp vụ chuyên môn giỏi, được đào tạo cơ bản. Nhiệm vụ của họ đặc biệt bí mật, không ai được phép biết ngoài những người trực tiếp chỉ huy. Họ giỏi tiếng Anh để có thể đóng vai những Việt kiều giàu có; làm chuyên môn nhưng lại hoạt động như những nhà tình báo. Có những người là nhân viên làm việc trực tiếp tại các ngân hàng của chính quyền Sài Gòn. Bằng chuyên môn của mình, họ đã biết cách tiến hành các nghiệp vụ chuyển tiền và nhận chuyển tiền quốc tế có lợi cho cách mạng.
Những cán bộ nữ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi viện cho chiến trường miền Nam. Ảnh tư liệu |
Nhiều cán bộ của B29 áp tải hàng đặc biệt (tiền) theo xe vào miền Nam qua bao nhiêu bom đạn vất vả, trong khi mọi người đi cùng xe không ai được biết đó là hàng gì.
Công việc thầm lặng của cán bộ ngân hàng làm nhiệm vụ đặc biệt phải hơn 34 năm sau ngày giải phóng mới được cả nước biết đến, khi Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho N.2683 và B29 (năm 2009).
Những cách thức chuyển tiền sáng tạo, độc đáo
Đồng chí Lê Hoàng kể rằng, trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, B29 đã phối hợp với Bộ Quốc phòng dùng ô tô vận tải của Ngân hàng Ngoại thương, nhận đô-la, đóng gói trong hòm kẽm chống cháy, cho vào thùng gỗ ngụy trang, chở từ ngân hàng về Bộ Quốc phòng rồi tiếp tục đưa chạy dọc theo đường Trường Sơn vào Nam. Hành trình có lúc hàng tháng trời mới tới được miền Nam. Có những chuyến bị trúng bom từ máy bay địch, đô-la không bị cháy hẳn nhưng bị nung rục trong hòm kẽm, hàng chục chiến sĩ hy sinh.
Trong khoảng thời gian từ năm 1967 đến 1970, do hãng hàng không Air France của Pháp có tổ chức bay tuyến Hà Nội-Quảng Châu (Trung Quốc)-Phnôm Pênh (Cam-pu-chia), các cán bộ của B29 cho đô-la vào cặp ngoại giao, đóng giả là cán bộ ngoại giao, mang đến Phnôm Pênh. Từ Phnôm Pênh lấy ô tô biển đỏ ngoại giao của sứ quán ta chạy hướng đến chiến khu Tây Ninh giao cho Trung ương Cục miền Nam. Như vậy việc vận chuyển tiền từ hậu phương lớn miền Bắc vào tiền tuyến lớn miền Nam từ 30 ngày đêm rút xuống còn 6 tiếng đồng hồ. Nhưng cách chuyển tiền này cũng chỉ duy trì được 4 năm, vì Lon Nol đảo chính ở Cam-pu-chia, đường bay lại tắc. Sau khi bị cúp đường bay, lãnh đạo B29 có sáng kiến thay đổi phương thức chuyển tiền bằng giải pháp AM (A là viết tắt của đô-la, M viết tắt của tiền mặt), sau đó là phương pháp FM (F là viết tắt của phương pháp mới, M viết tắt của tiền mặt). Bản chất của hai phương pháp trên là chúng ta chuyển tiền vào tài khoản các nhà tư sản yêu nước ở Sài Gòn, sau đó nhờ họ rút tiền giao cho các cơ sở cách mạng của ta.
Đồng chí Lê Văn Châu, nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nguyên đại diện thường trú của B29 tại Hồng Kông-Bắc Kinh (Trung Quốc) cho biết: Từ năm 1965 đến 1975, hàng trăm cán bộ của Ngân hàng Nhà nước đã đi vào miền Nam trực tiếp làm nhiệm vụ đặc biệt trên con đường tiền tệ chi viện chiến trường.
Những đóng góp của cán bộ, chiến sĩ ngành ngân hàng rất âm thầm, lặng lẽ bởi mọi thứ luôn nằm trong tình trạng tuyệt đối bí mật, thế nhưng lại đóng góp rất quan trọng góp nên thành công của sự nghiệp giải phóng miền Nam lịch sử năm 1975. Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết |
Kế tục xứng đáng lớp người đi trước
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, “Con đường tiền tệ chi viện chiến trường ” đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, nhưng tinh thần sẵn sàng hy sinh và phẩm chất cách mạng của những con người vận hành con đường ấy vẫn được phát huy trong công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng đất nước.
Đồng chí Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hồi tưởng: Khi đất nước chúng ta bị bao vây, cấm vận về kinh tế, lạm phát tăng rất cao, có lúc đến 700%/năm. Chúng ta phát hành rất nhiều tiền để chi tiêu cho xã hội, cho nền kinh tế nhưng hàng hóa lại không có, sản xuất không phát triển được, đời sống nhân dân khó khăn… Chúng ta đã dũng cảm giải quyết bằng hai cách, một là tăng hàng lên, hai là thu tiền về. Chúng ta đã mạnh dạn đưa lãi suất vượt sóng lên 12%/tháng để có lãi suất 240%/năm, hút được tiền về rất lớn. Trong 6 tháng rút được một nửa số tiền trong lưu thông về. Rút tiền về rồi thì phải tìm cách sử dụng đồng tiền ấy cho hợp lý ngoài việc đầu tư sản xuất kinh doanh. Ngoài sản xuất để xuất khẩu, chúng ta khuyến khích nhập khẩu, từ đó cân đối tiền hàng mạnh mẽ hơn làm giá giảm xuống. Đây là cách làm riêng của chúng ta. Các tổ chức tiền tệ thế giới đánh giá đây là một sáng tạo của Việt Nam trong thời kỳ đó.
Đặc biệt, từ năm 2011 đến nay, bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, ngành ngân hàng đã nỗ lực vượt qua khó khăn do những tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và những khó khăn nội tại tích tụ từ nhiều năm qua để duy trì được sự ổn định của thị trường tiền tệ, giảm nhanh được mặt bằng lãi suất, ổn định tỷ giá và tăng nhanh dự trữ ngoại hối nhà nước; thị trường vàng được quản lý chặt chẽ, các ngân hàng yếu kém và nợ xấu được xử lý một cách căn bản. Những kết quả này đã thực sự góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tháo gỡ những khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội, được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các tổ chức trong nước và quốc tế cùng nhân dân ghi nhận, góp phần quan trọng nâng cao xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam trên trường quốc tế. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng đã triển khai tín dụng chính sách đúng hướng và đi đầu trong công tác an sinh xã hội, góp phần vào thành công của công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững của nước ta. Ngoài ra, kết quả này còn góp phần nâng cao niềm tin của công chúng đối với hệ thống ngân hàng sau giai đoạn khó khăn và tái cơ cấu để vững bước trên con đường hội nhập và phát triển đất nước trong thời gian tới.
Như một mạch nguồn xuyên suốt thời gian, ngành ngân hàng đã và đang tiếp tục nỗ lực tạo nên những huyền thoại mới trên con đường tiền tệ.
Nguồn: QĐND (T.Hồ st)