Truy cập hiện tại

Đang có 99 khách và không thành viên đang online

Tri Tôn phát huy truyền thống cách mạng 70 năm trận cầu sắt Vĩnh Thông oai hùng

(TGAG)- Cách đây tròn 70 năm (tháng 6/1949), tại cầu sắt Vĩnh Thông, cách núi Tượng - Ba Chúc 1 km - đoạn đường từ núi Tượng đi qua kênh Vĩnh Tế hiện nay - có 3 trận chiến đấu oanh liệt và thắng lợi vẻ vang, trở thành niềm tự hào của quân dân An Giang nói chung, quân dân Bảy Núi nói riêng trong kháng chiến chống thực dân Pháp, tạo nên chiến công cầu sắt Vĩnh Thông oai hùng và bài hát Vĩnh Thông bất diệt của nhạc sĩ Hiếu Nam được chọn là nhạc hiệu của Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang hiện nay.

Trong những năm kháng chiến chống Pháp, đặc biệt là năm 1949, thực dân Pháp tăng cường xây dựng hệ thống đồn bót và chúng chọn Tri Tôn làm trọng điểm chiếm đóng nhằm chặn đường liên lạc giữa Quân khu 9 và Mặt trận Đông Nam Campuchia nhằm phong tỏa biên giới, phong tỏa căn cứ kháng chiến Bảy Núi… Thực hiện ý đồ đó, tháng 6/1949, Binh đoàn quân Âu Phi của Tướng Ny-Ô từ Tịnh Biên kéo vào đóng đồn ở Lạc Quới và đưa lực lượng đóng chốt, xây đồn tại cầu sắt Vĩnh Thông nhằm lấn chiếm vùng căn cứ núi Dài.



Hiểu rõ ý đồ của thực dân Pháp, hai đại đội 2005 và 2006 thuộc liên trung đoàn 126 - 128 đóng ở Núi Tượng, Lê Trì, kết hợp với Đội Biệt động 354 của ông Mười Trí và dân quân du kích các xã Lạc Quới, Ba Chúc tập kích đánh địch 3 trận liên tiếp từ ngày 3 đến ngày 10/6/1949, tiêu diệt gọn một tiểu đoàn lính Lê Dương trên 300 tên, bắt sống 15 tên, thu trên 200 súng các loại… Viết tiếp trang sử hào hùng này là cuộc chiến kéo dài 128 ngày đêm tại đồi Tức Dụp (được mệnh danh là đồi Hai triệu đô la) từ đêm 16 rạng sáng ngày 17/11/1968 đến 24/3/1969, với những chiến công hiển hách ở núi Dài, núi Tô… khiến cho cả thế  giới biết đến vùng đất Tri Tôn anh hùng.

Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp Cách mạng, Nhà nước đã tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân huyện cùng 05 xã Anh hùng (Ba Chúc, Lương Phi, Ô Lâm, An Tức, Cô Tô), 10 cá nhân Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; trong đó có các anh hùng liệt sĩ như: Phan Thị Ràng (chị Sứ), người con gái Ô Lâm Néang Nghés, Lê Thị Sy (Ba Sy), Thái Quốc Hùng (Chín Tiều), Lê Thành Cư (Hai Cư); Trần Thanh Quế (Mười  Ly)… có 81 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 849 liệt sĩ, 343 thương binh, 239 gia đình có công với cách mạng…

Sau ngày 30/4/1975, Nhân dân Tri Tôn cùng quân dân tuyến biên giới Tây Nam phải tiếp tục với cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, chống lại âm mưu lấn chiếm biên giới của bọn diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Sary. Tháng 4/1978 bọn chúng đã gây ra cuộc thảm sát 3.157 người dân vô tội ở Ba Chúc - một sự thật thảm khóc, đau buồn, không thể nào quên!

Sau 40 năm tái lập huyện (23/8/1979 - 23/8/2019), được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự hỗ trợ tích cực các sở, ban ngành cấp tỉnh, Đảng bộ và Nhân dân huyện Tri Tôn đã nỗ lực phấn đấu xây dựng lại quê hương và đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng: Sản xuất nông nghiệp có bước phát triển nhanh, tổng diện tích sản xuất tăng 6,12 lần so với năm 1979 (18.000 ha lên 110.184 ha), sản lượng lương thực tăng 37,54 lần (16.000 tấn lên 600.676 tấn). Thực hiện cơ giới hóa, ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học công nghệ vào nông nghiệp, nâng giá trị sản xuất đạt 120,256 triệu đồng/ha; thành lập mới 06 hợp tác xã nông nghiệp, nhiều mô hình sản xuất lớn, như trồng chuối xuất khẩu, trang trại chăn nuôi heo, bò,… hình thành; triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, có 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 01 xã và 02 thị trấn đạt đô thị loại V và đang nỗ lực phấn đấu đưa thị trấn Tri Tôn đạt chuẩn đô thị loại IV.

Hoạt động thương mại khá phát triển, đến nay với 7.727 cơ sở kinh doanh, với 11.889 lao động tham gia; có 16 doanh nghiệp đến đầu tư vào các lĩnh vực chế biến nông sản, sơ chế dược liệu, sản xuất lúa giống… Với lợi thế có địa hình đồi núi, hồ nước, cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, nhiều di tích lịch sử cách mạng, di tích văn hóa, đình chùa với các lối kiến trúc, nghệ thuật độc đáo… kết hợp với đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, đã thu hút ngày càng đông đảo du khách và cùng với nông nghiệp, du lịch là lĩnh vực quan trọng góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn với tổng số 399 công trình, trị giá 915,869 tỷ đồng. Chỉnh trang bộ mặt đô thị, nông thôn ngày càng khang trang, sạch, đẹp. Tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 90,52%, hộ sử dụng nước hợp vệ sinh 96,87%.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội khá phát triển, chất lượng và hiệu quả giáo dục - đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực, quy mô giáo dục ngày càng phát triển (từ 11 trường tăng lên 59 trường ở các cấp học), công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng chống dịch bệnh và các Chương trình y tế quốc gia đạt kết quả tốt (xây dựng mới 15 trạm y tế và 01 phòng khám khu vực); tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 98,17%...

Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho gia đình chính sách… góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 12,45%; các lĩnh vực văn hóa, thể dục, thể thao được duy trì và phát triển. Đời sống nhân dân được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt 36,909 triệu đồng.

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông có nhiều tiến bộ. Quan tâm đúng mức phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân. Quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, thực hiện tốt công tác đối ngoại với các huyện giáp biên.


* Một số nhiệm vụ chủ yếu trong thời gian tới:

- Đảm bảo chủ quyền và an ninh biên giới, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tiếp tục đầu tư và khai thác có hiệu quả cửa khẩu phụ Vĩnh Gia cũng như kinh tế biên giới.

- Đầu tư đúng mức cho phát triển nông nghiệp theo hướng đi vào chiều sâu, nhanh chóng tổ chức lại sản xuất, kêu gọi nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị trên diện tích đất, kết hợp chặt chẽ với bảo vệ tài nguyên, môi trường; đẩy nhanh lộ trình xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.

- Làm tốt công tác quy hoạch, tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng. Phát triển du lịch theo hướng khai thác lợi thế riêng có, độc đáo, đa dạng.

- Quan tâm công tác giáo dục, nâng cao dân trí, chăm sóc sức khỏe nhân dân, chính sách an sinh xã hội - hộ nghèo và việc làm cho người lao động, chăm lo đúng mức cho gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng…

- Kiện toàn tổ chức bộ máy, cải cách hành chính hiệu quả; nâng cao tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ Nhân dân của cán bộ, đảng viên; đặc biệt là trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo.

Phát huy truyền thống quê hương Anh hùng, tinh thần chiến đấu dũng cảm của 70 năm trước với trận cầu sắt Vĩnh Thông oai hùng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Tri Tôn quyết tâm đoàn kết, nỗ lực phát triển nhanh huyện nhà trong thời gian tới.

CAO QUANG LIÊM
TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn


Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36720085