Truy cập hiện tại

Đang có 169 khách và không thành viên đang online

Ngăn chặn việc bổ nhiệm cán bộ tùy tiện, thiếu tiêu chuẩn

Tình trạng người nhà, người thân của lãnh đạo một số địa phương, đơn vị không đủ tiêu chuẩn, điều kiện nhưng vẫn được nâng đỡ, bổ nhiệm giữ các vị trí quan trọng như trên đã khiến dư luận không khỏi bất bình, bức xúc...

Một nhân viên bị bệnh động kinh, lại đang trong thời gian tập sự đã được bổ nhiệm Phó Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh - xét nghiệm, chỉ vì đó là con trai của Giám đốc bệnh viện; một lao động bình thường được tuyển dụng và nhanh chóng cất nhắc lên chức Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh; một nhân viên lái xe được tuyển dụng, bổ nhiệm Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, chỉ vì đó là người thân của Chủ tịch UBND tỉnh. Tình trạng người nhà, người thân của lãnh đạo một số địa phương, đơn vị không đủ tiêu chuẩn, điều kiện nhưng vẫn được nâng đỡ, bổ nhiệm giữ các vị trí quan trọng như trên đã khiến dư luận không khỏi bất bình, bức xúc...

Vừa qua, các cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai đã cho thôi việc, cách chức, giáng chức ba trường hợp là người thân của nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Thế Dũng do được bổ nhiệm không đủ điều kiện, tiêu chuẩn. Ðó là các trường hợp: Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Trần Thị Lý (em cùng cha khác mẹ với ông Dũng) xin thôi việc và được chấp thuận; Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Phạm Ðức Mạnh (chồng bà Lý) bị cách chức, xuống làm nhân viên; Chánh Thanh tra Sở Nội vụ Phạm Trần Anh (con trai ông Dũng) bị hủy quyết định bổ nhiệm Chánh Thanh tra, giữ nguyên chức vụ Phó Chánh Thanh tra.

Trước đó, bà Trần Thị Lý từ một lao động bình thường được tuyển dụng vào công tác tại Ban Dân tộc tỉnh, rồi từ vị trí kế toán được cất nhắc, bổ nhiệm lên chức Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh. Ông Phạm Ðức Mạnh từ một nhân viên lái xe được tuyển dụng, đề bạt bổ nhiệm chức vụ Phó Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh. Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã xem xét, thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Thế Dũng, do có nhiều vi phạm, trong đó có việc thiếu gương mẫu trong việc đề nghị bổ nhiệm một số người thân không đủ tiêu chuẩn, điều kiện.

Tại tỉnh Ðồng Tháp, Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Thanh Bình Phạm Văn Nông đã bổ nhiệm con trai là Phạm Trung Hiếu mắc bệnh động kinh làm Phó Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh - xét nghiệm của bệnh viện. Sau khi có phản ánh từ dư luận, UBND tỉnh Ðồng Tháp chỉ đạo Sở Y tế thanh tra, làm rõ. Kết quả thanh tra, kiểm tra cho thấy, ông Phạm Trung Hiếu, sinh năm 1987, được tuyển dụng viên chức tháng 10-2012 vào làm việc tại Khoa Chẩn đoán hình ảnh - xét nghiệm, Bệnh viện đa khoa huyện Thanh Bình. Chỉ sau sáu tháng cho dù vẫn đang trong thời gian tập sự ông Hiếu đã được bổ nhiệm Phó Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh - xét nghiệm. Ông Hiếu được bổ nhiệm khi không có giấy chứng nhận kiểm tra sức khỏe của cơ quan y tế có thẩm quyền.

Ngoài ra, Giám đốc Phạm Văn Nông còn phân công con dâu là Ngô Thị Kim Ngân làm việc tại Phòng Tài chính - Kế toán, với nhiệm vụ tổng hợp quyết toán bảo hiểm y tế là không phù hợp quy định pháp luật. Ông Phạm Văn Nông đã bị Sở Y tế Ðồng Tháp kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo do vi phạm chế độ trách nhiệm người đứng đầu về việc quản lý và thực hiện công tác tuyển dụng, bổ nhiệm viên chức chưa đúng quy định pháp luật. Vừa qua, ông Phạm Văn Nông cũng đã bị điều chuyển về làm nhân viên tại Trung tâm Giám định y khoa tỉnh Ðồng Tháp.

Tình trạng lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị lạm dụng quyền hạn, làm trái quy định về công tác cán bộ như việc bổ nhiệm người nhà, người thân không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định xảy ra ở một số nơi đã gây nhiều bức xúc trong cán bộ và nhân dân. Dư luận đặt câu hỏi: Các trường hợp người nhà, người thân được bổ nhiệm một cách tùy tiện, bất chấp quy định, nếu không được kiểm tra, làm rõ thì sẽ ra sao? Những cán bộ không đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn, nhưng vẫn được bổ nhiệm, giao nắm giữ các vị trí quan trọng sẽ nguy hại đến mức nào?

Vì sao những trường hợp vi phạm về công tác cán bộ có thể nói hết sức lộ liễu, "chướng tai gai mắt" như vậy lại vẫn có thể diễn ra trong thực tế, trong khi các văn bản, quy định về công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ đều đã quy định rất chặt chẽ về quy trình, các bước thẩm định, lấy ý kiến, lấy phiếu tín nhiệm… Chẳng hạn, cấp ủy đảng, tập thể lãnh đạo ở Bệnh viện đa khoa huyện Thanh Bình không thể không biết trường hợp ông Phạm Trung Hiếu không bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn như vậy, nhưng tại sao vẫn đồng ý bổ nhiệm. Trong trường hợp này, phải chăng một hoặc một vài cá nhân đã thao túng, vô hiệu hóa cả tập thể, "giật dây" việc thực hiện quy trình, biến quy trình thành bình phong cho những tính toán cá nhân.

Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) đã chỉ ra nhiều biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống liên quan công tác cán bộ như: Tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích; thao túng trong công tác cán bộ, chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội...

Ðể khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nghị quyết cũng đã đề ra nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó có những giải pháp về công tác cán bộ như: Hoàn thiện quy chế đánh giá cán bộ một cách khoa học, phù hợp; hằng năm hoặc khi chuẩn bị đề bạt, luân chuyển, điều động công tác đối với cán bộ, tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại tổ chức và cán bộ, đảng viên là chương trình hành động của tập thể và cá nhân, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; kết quả thực hiện cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; tự phê bình và phê bình; sự nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý... Nghị quyết cũng yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng chỉ đạo rà soát, hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền, theo hướng quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó; phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm tập thể, cá nhân trong từng công đoạn giải quyết công việc và có chế tài xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.

Nếu như mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên đều thực hiện đúng tinh thần của nghị quyết, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, mạnh dạn, thẳng thắn đấu tranh với những biểu hiện sai trái, tiêu cực, đồng thời các cơ chế kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên, bảo đảm phát hiện và xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm thì sẽ góp phần ngăn chặn, không để xảy ra tình trạng bổ nhiệm cán bộ tùy tiện, thiếu tiêu chuẩn như thời gian vừa qua.

Quốc Việt/Báo Nhân dân
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37036307