Truy cập hiện tại

Đang có 131 khách và không thành viên đang online

Anh hùng Nguyễn Xuân Hoàng

Đồng chí Nguyễn Xuân Hoàng sinh năm 1950 tại xã Dương Tơ, huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình ngư dân nghèo ở hòn đảo ngọc xinh đẹp, giàu truyền thống yêu nước trong hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ. Là người con của biển cả, nơi đầu sóng ngọn gió, thấm thía nổi cơ cực và nhất là nổi đau trước những gót giày xâm lược đang chà đạp lại cuộc sống tươi đẹp của ngư dân. Tháng 02/1968, trong những ngày sôi sục khí thế Xuân Mậu Thân, Xuân Hoàng lên đường nhập ngũ với mong muốn cống hiến sức mình giải phóng quê hương, quét sạch bọn tàn bạo, ác ôn ra khỏi hòn đảo thân yêu.

 
Buổi đầu ham gia vào Đại đội địa phương quân huyện Phú Quốc, Xuân Hoàng được sự giáo dục của Đảng, anh nhanh chóng trưởng thành. Chỉ một thời gian ngắn, Xuân Hoàng thể hiện tính dũng cảm, năng động và hăng say trong chiến đấu. Trận đầu tiên, tân binh Xuân Hoàng tham gia đánh chiếm đồn sân bay Phú Quốc. Hoàng chiến đấu rất dũng cảm, không may bị thương khá nặng nhưng nhất quyết không lùi về tuyến sau. Nhận thấy quyết tâm và ý chí vươn lên của anh lính trẻ, tổ chức cử anh đi học lớp đặc công thủy tại Quân khu 9. Sau khi học xong, anh được phân công nhiệm vụ tại Đại đội Đặc công thủy thuộc tỉnh Châu Hà năm 1971.

Năm 1974, Nguyễn Xuân Hoàng được bổ nhiệm Đại đội trưởng Đại đội Đặc công thủy. Trên cương vị mới, đồng chí đã lập nhiều thành tích gây tiếng vang lớn làm rạng danh lực lượng Đặc công thủy Long Châu Hà.

Tiểu biểu nhất là trong thời gian 12 ngày, Nguyễn Xuân Hoàng ba lần đánh sập cầu Vàm Răng tiêu diệt 50 tên địch. Ngày 04/12/1974, đơn vị phân công Xuân Hoàng cùng đồng chí Hùng thuộc Đặc công thủy đánh cầu Vàm Răng. Một kế hoạch chu đáo, chặt chẽ được vạch ra. Lần thứ nhất kế hoạch thành công, cầu Vàm Răng bị đánh sập. Lập tức địch bố trí đồn có một trung đội lính bảo vệ cầu. Hai ngày sau, chúng bắc lại cầu Vàm Răng và lần này địch tăng cường thêm một đại đội để giữ cầu, đồng thời căng thêm một lớp dày dây chì gai chi chít trên mặt sông. Việc canh gác, bố phòng đều rất nghiêm ngặt hơn trước. Đơn vị lại giao Xuân Hoàng tiếp tục đánh cầu lần 2. Nhiệm vụ thành công một lần nữa, cầu Vàm Răng bị đánh sập. Địch cay cú, tức tối vì không đầy một tuần lễ, cầu Vàm Răng - con đường vận chuyển huyết mạch đã bị quân ta đánh những hai lần! Chiếc cầu Vàm Răng bắc lại lần thứ 3 sắp xong, kiên cố, chắc chắn hơn có một tiểu đoàn lính dày đặc bảo vệ. Một tiểu đoàn lính phân bổ nhiều tầng, nhiều lớp có chiều xa, chiều sâu và có cả trận địa pháo sẵn sàng phản kích Ba Hòn. Đồng chí Hoàng lại nhận lệnh phá cầu Vàm Răng. Bản thân Xuân Hoàng biết rằng mỗi một lần tiếp cận mục tiêu sẽ là hành động cảm tử, lần sau càng nguy hiểm hơn lần trước vì mỗi lần cầu bị phá, địch lại tăng cường thêm vũ khí, lực lượng để bố ráp canh phòng cẩn mật. Nhưng với ý nguyện xả thân vì nước, Xuân Hoàng xung phong dấn thân vào nguy hiểm. Đại đội trưởng Hoàng phân công đồng chí Hùng đội đặc công thủy mang 60kg thuốc nổ TNT và 3kg C1 (đây là loại thuốc kích nổ nhanh hơn). Đến gần chân cầu, Hoàng nổi lên thấy quân địch rất đông và trận địa pháo cứ 5 - 15 phút nhả đạn xuống mặt nước một lần, Hoàng quyết định một mình thực hiện nhiệm vụ nguy hiểm. Trước tình thế hết sức khó khăn, đồng chí đưa ra quyết định táo bạo, theo trình tự phải cài đặt khối thuốc nổ trước, sau đó mới gài kíp nổ và bấm kíp, nếu như thế khi di chuyển làm động kíp sẽ nổ nên Hoàng quyết định thực hiện ngược lại với nguyên lý tối kỵ đặc công thủy là gài kíp nổ vào thuốc nổ, bấm kíp nổ (kíp 1 giờ, 1 giờ sau phát nổ) rồi di chuyển đến chân cầu. Lợi dụng thời gian giao nhau giữa hai lần nhả pháo, Hoàng ôm khối thuốc nổ 63 kg lặn sâu xuống đáy sông về phía chân cầu cột chặt khối thuốc nổ rồi rút lui an toàn. Một tiếng nổ xé trời vang lên. Cầu Vàm Răng biến mất. Chính nhờ sự mưu trí, gan dạ Xuân Hoàng vượt mọi gian khổ, nguy hiểm lập nên chiến công xuất sắc.

Với thành tích tiêu biểu đánh sập cầu khoảng cách về thời gian rất ngắn đã chia cắt lực lượng, ngăn chặn sự ứng cứu can viện của địch, gián tiếp tạo thuận lợi cho lực lượng ta tiến công tiêu diệt căn cứ pháo của Bảo an 437, Hòn Sóc và uy hiếp buộc liên đoàn Bảo an 954 ở ngã ba Tri Tôn phải tháo chạy. Xuân Hoàng và đồng đội góp phần giải phóng Ba Hòn và tuyến kinh Nam Thái Sơn, Mỹ Lâm, làm nên chiến thắng vẻ vang trong chiến dịch mùa khô năm 1974 - 1975. Cuộc đời binh nghiệp Nguyễn Xuân Hoàng trải qua 72 trận lớn nhỏ, diệt 87 tên, đánh sập 13 cầu, diệt 1 đồn, phá hủy ống dầu ở quân cảng Phú Quốc.

Năm tháng qua đi, hòa bình lập lại, đồng chí Hoàng miệt mài cùng 20 cán bộ, chiến sĩ ngày đêm lặn tìm và trục vớt trên 100 tấn đạn các loại do xà lan chở đạn của Mỹ bị ta bắn chìm trước đây. Xuân Hoàng và các chiến sĩ cung cấp khối lượng đạn dược dồi dào cho tổ chức. Trong nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, đồng chí Hoàng có nhiều sáng kiến đột phá và cùng tập thể cải tiến thành công súng phóng lựu đạn M16 thay cho súng phóng lựu Carbin và giàn phóng lựu 5 nòng LĐ90. Đây là một bước tiến đánh dấu phát triển mới trong ngành kỹ thuật Quân đội.

Sau giải phóng, Nguyễn Xuân Hoàng được phân công là Đại đội trưởng Đại đội tàu sông tỉnh Long Châu Hà và đồng chí may mắn được phân công lái chiếc tàu đưa Chủ tịch Tôn Đức Thắng về thăm quê Mỹ Hòa Hưng sau ba mươi năm xa cách, vào tháng 10/1975. Gần 40 năm cống hiến cho lực lượng vũ trang, công tác nhiều đơn vị, giữ nhiều chức vụ khác nhau, dù ở đơn vị công tác nào, dù chiến đấu trên biển hay trên đất liền nhưng bất cứ nơi đâu và bất cứ nhiệm vụ nào đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đồng chí luôn thể hiện sự kiên định lập trường, chấp hành nghiêm mệnh lệnh cấp trên, đoàn kết tốt nội bộ và nhân dân, luôn giành phần khó khăn về mình, năng động sáng tạo, chịu khó rèn luyện học tập và đầu tư nghiên cứu, giữ vững phẩm chất cách mạng, phong cách chỉ huy sâu sát, lối sống giản dị, tác phong khiêm tốn, được đồng đội và nhân dân yêu mến, cấp trên tín nhiệm.

Suốt quá trình chiến đấu, đồng chí được tặng thưởng: 01 Huân chương Chiến công hạng Ba, 03 danh hiệu dũng sĩ đánh giao thông, 05 danh hiệu chiến sỹ Quyết thắng, 05 danh hiệu chiến sỹ Thi đua, cùng nhiều bằng khen các loại. Đặc biệt, ngày 31/7/1998, Nguyễn Xuân Hoàng được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ.

Phòng Lịch sử Đảng

Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
39943361